Tục truyền lửa diễn ra tại đình làng - nơi thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng vào thời khắc giao thừa hàng năm.
Trước thời khắc giao thừa thiêng liêng, người mở cửa đình cùng người dân phải đứng đợi đúng 0h mới được bước vào đình xin lửa. Người mở cửa đình xin lửa được dân làng bầu chọn vì sống chan hòa, làm ăn thuận lợi và nhất là phải giỏi nghề mộc.
Người dân ra đứng chờ xin lửa đình từ khá sớm. Nhiều người mong muốn lấy được lửa đầu tiên nên để sẵn bó đuốc vào đống rơm sẽ được châm "lửa thiêng".
Cả làng La Xuyên có hàng nghìn hộ dân nên cũng vì thế mà có hàng nghìn bó đuốc. Để tránh tàn tro rơi trúng đầu, nhiều người chọn đội mũ cối để an toàn.
Lửa rước từ đình làng, người dân đưa về xông đất, xông nhà, kính cẩn châm nén hương thơm thắp lên bàn thờ gia tiên, nhóm bếp lửa đỏ đun nấu 3 ngày Tết. Nhiều gia đình còn cầm bó đuốc khua khắp nhà để xua đi những xúi quẩy, đen đủi của năm cũ.
Nhiều người nhà ở xa đình nên phải chuẩn bị những bó đuốc dài cả gần chục mét.
Rước lửa đêm giao thừa là nghi thức để tưởng nhớ Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng, một vị tướng thời Đinh Lê có công truyền dạy nghề mộc cho dân làng.
Với người La Xuyên, ngọn lửa đỏ trong đêm giao thừa còn tượng trưng cho ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi người gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc.
Có hàng nghìn ngọn đuốc đi rợp con đường làng nhỏ hẹp nhưng bao đời nay chưa bao giờ xảy ra hỏa hoạn do tục lấy lửa này.
Nhiều trẻ nhỏ theo cha mẹ ra đình rước lửa. Với những người xa quê, kí ức hồi nhỏ được theo bố mẹ đi rước lửa là một kí ức đẹp và đặc biệt.
Trước đây, người ra đình rước lửa phải là con trai và con gái chưa chồng.
Nhiều người nhà ở xa, sợ đuốc cháy hết nhanh nên chọn đi xe máy cho nhanh.
La Xuyên là làng nghề mộc truyền thống có từ năm 931 và tục truyền lửa cũng đã có cách đây gần bốn trăm năm.
Thuận Thắng