Độc đáo với trang phục phụ nữ Tây Bắc
Trong những tour du lịch khám phá, trải nghiệm vùng cao khu vực Tây Bắc, ngoài thưởng thức những món ăn ngon, đặc sản vùng cao, du khách còn mãn nhãn với những trang phục, phụ kiện của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong số những tỉnh vùng cao của Tây Bắc, tỉnh Điện Biên, một trong những tỉnh vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc với 19 dân tộc thiểu số cùng sinh sống như: Thái, H’Mông, Hà Nhì, Lào… đang là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế với những nét văn hóa độc đáo. Trong đó, trang sức, phụ kiện làm đẹp cho người phụ nữ.
Trang phục và những câu chuyện dân gian
Chuỗi sự kiện chào mừng lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên gắn với Lễ hội Hoa Ban 2024 vừa diễn ra tại tỉnh Điện Biên thu hút hơn 80 ngàn lượt khách tham quan. Trong chuỗi sự kiện, Chương trình Không gian văn hóa vùng cao là một trong những điểm nhấn, góp phần làm tăng lượng khách du lịch với sự tham gia của 23 tỉnh, thành trong cả nước với trên 90 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá về các đặc sản địa phương và các bản làng dân tộc vùng cao của tỉnh Điện Biên và các tỉnh phía Tây Bắc.
Đến với Không gian văn hóa vùng cao, nhiều du khách bị cuốn hút bởi những bộ trang phục, phụ kiện của người phụ nữ các dân tộc Thái, H’Mông, Hà Nhì, Dao… Những bộ trang phục lễ hội truyền thống, trang phục thường ngày, những trang sức như: khăn tay, phụ kiện đeo trên người với nhiều hình dáng, chất liệu, khơi gợi sự tò mò, mong muốn khám phá của du khách.
Chị Lò Thị Nhung, người dân tộc Lào tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên chia sẻ, đối với người phụ nữ dân tộc Lào, những hoa văn được thêu bằng tay trên trang phục, khăn tay, túi xách… đều có những câu chuyện găn liền với từng hình ảnh. Trang phục của người phụ nữ Lào thường thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ, trên áo có hàng khuy bạc bằng một dải vải màu xanh, trên đính những hàng tiền bạc. Cùng với váy áo, những chiếc trâm bạc cài tóc hoặc khăn đội đầu là những phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ dân tộc Lào. Những vật dụng này được chạm khắc hoặc thêu các hoa văn với nhiều hình lá hoa, cây cỏ hay những con vật gắn liền với cuộc sống, tín ngưỡng của họ, như: hoa văn hình rồng, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, hình voi có người cưỡi…
Tôn vinh những giá trị văn hóa
Cũng gắn liền với cuộc sống, trên trang phục của dân tộc Hà Nhì tại khu vực huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên có những nét độc đáo, hấp dẫn du khách đến từng chi tiết.
Chị Pờ Lụ Xì Mé, người dân tộc Hà Nhì, sinh sống tại xã Sín Thầu, một xã biên giới cực Tây của Tổ quốc thuộc huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên cho biết, đối với người phụ nữ Hà Nhì, trang phục truyền thống và những chiếc khăn, mũ đội đầu luôn là niềm tự hào mỗi khi họ mang trên người. Bởi, hầu hết những chiếc áo đều do các phụ nữ tự may theo sở thích với các hoa văn, họa tiết trang trí phần cổ và viền áo. Phía trước ngực áo thường được trang trí nút áo (cúc áo), đồng xu hoặc đồ trang sức bằng bạc hoặc nhôm. Cùng với quần áo, mũ đội đầu cũng là vật dụng góp phần tăng vẻ đẹp cho thiếu nữ Hà Nhì.
Điểm nhấn của bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Hà Nhì Hoa là màu sắc sặc sỡ được tạo nên bởi kỹ thuật thêu độc đáo thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của họ với một số hoa văn phổ biến trên trang phục nữ giới như: hình quả trám, hình đa giác; hình hoa văn hoa lá: hoa bí, ngọn rau, hoa đào, hình mặt trăng, mặt trời, núi sông hay hình các con vật gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của con người.
Ngoài ra, các dân tộc khác như: Thái, H’Mông…, trang phục của người phụ nữ đều rất chú trọng đến những họa tiết, phụ kiện để tôn vinh thêm vẻ đẹp của người phụ nữ.