Đọc Dostoievky khi còn trẻ và đọc Lev Tolstoy khi về già
Có một câu nói không ngoa rằng người ta biết đến nước Nga là nhờ có Dostoievky và Lev Tolstoy và thậm chí chỉ cần có hai người đó đã đủ đại diện cho nước Nga, không chỉ là về văn học.
Trước hết tôi muốn nói đến Dostoievky, tác giả của “Tội ác và hình phạt”, người sinh trước Lev Tolstoy bảy năm và chịu nhiều cay đắng hơn rất nhiều so với người đồng nghiệp vĩ đại của mình.
Dostoievky chịu những trầm luân về cuộc đời thế nào nhiều người đã biết nhưng có lẽ hai đặc điểm quan trọng nhất ảnh hưởng tới sáng tác của nhà văn là căn bệnh động kinh và một lần bị treo vào giá treo cổ.
Căn bệnh động kinh chắc chắn ảnh hưởng tới nhiều sáng tác của Dostoievky, đọc các tác phẩm của ông, ta luôn cảm thấy bị căng thẳng tột độ và trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của Dostoievky “Anh em nhà Karamazov”, ta gặp một nhân vật động kinh tương tự: Smerdyakov - một đứa con hoang của Fyodor Karamazov, người đã giết cha đẻ của chính mình.
Tôi không hiểu rõ về bệnh lý của Dostoievky nhưng đã hết sức ngạc nhiên khi đọc một công trình của một trong những nhà Nga học xuất sắc nhất của Việt Nam, ông Phạm Vĩnh Cư. Ông Phạm Vĩnh Cư trong một bài viết rất sâu về Dostoievsky đã cho rằng nhà văn bị động kinh bởi tác động quá lớn từ hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông. Cuốn thứ nhất là “Những người nghèo khó” đã được hoan nghênh nhiệt liệt, được khen hết lời rằng ông sẽ thành văn hào mới của nước Nga.
Còn cuốn thứ hai, “Kẻ song trùng” thì bị chê bai dữ dội. Nhà văn đã không chịu được áp lực quá lớn nên đã động kinh! Khi tôi nói điều này với bạn bè, đa số nói rằng một người như Dosoivksy mà bị động kinh do tác động khen chê tác phẩm của mình thì rất bất ngờ!
Nói như thế để ta biết thêm rằng, Dosoivesky đã từng kinh qua những biến động cực kì dữ dội của nước Nga. Ông đã từng bị Nga hoàng bắt và có lệnh xử tử, chỉ đến phút chót khi nhà văn đã bị trói vào cột để lên giá treo cổ thì lệnh ân xá mới tới. Những phút giây chờ chết đó vô cùng khủng khiếp, nhà văn đã nói rằng ông đã thay đổi rất nhiều sau giây phút kinh hoàng đó. Cái chết đã sờ đến gáy ông và dừng lại.
Nhà văn Victor Hugo đã viết một tiểu thuyết ngắn trong giai đoạn đầu của ông, “Ngày cuối cùng của một tử tù” cũng kể về khoảnh khắc chết chóc này và cuốn sách là nền tảng cho những tiểu thuyết về sau của ông. Hai vĩ nhân đều rất ám ảnh về cảnh hành quyết và dư chấn trong suốt cuộc đời sáng tác.
Có phải do Dostoievky mắc bệnh thần kinh mà tác phẩm của ông quá quyết liệt, khiến người ta run sợ. Các tiểu thuyết, từ “Tội ác và hình phạt”, “Lũ người quỷ ám,” “Gã khờ,” “Anh em nhà Karamazov” lúc nào cũng ngùn ngụt ngọn lửa của suy nghĩ, của hành động của những dồn nén khiến người ta nghẹt thở. Dostoievky đưa tất cả các nhân vật vào một sân khấu với những bối cảnh lớn để buộc người ta lựa chọn và đưa ra những quyết định của mình. Nhân vật không có thời gian để trì hoãn, quanh co, cái tôi cá nhân, cái tôi tư tưởng được thể hiện mãnh liệt không khoan nhượng.
Xuất hiện những con người độc ác và những thiên thần, có rất ít sự nhập nhằng giữa xấu và tốt, thánh thiện hoặc hèn hạ, các nhân vật đều sống hết mình với bản chất và suy nghĩ của mình. Tình huống truyện căng như dây đàn. Để đọc Dostoievky cần một sự chuẩn bị tinh thần và sức khỏe.
Điều tôi nói không phải vô căn cứ, một người bạn tôi, nhà văn Văn Chinh nói rằng, ông đã sút 2kg khi đọc “Tội ác và hình phạt” vì sự căng thẳng quá mức do tác phẩm tạo ra!
Tôi quan tâm đến một ý kiến nữa và được khá nhiều người đồng tình, đó là chỉ nên đọc Dostoievky lúc tuổi trẻ vì những cuốn tiểu thuyết của ông là những cuốn sách đầy khát vọng và ý chí, kể cả một năng lượng đáng kể dành cho nó. Những lời nhận xét này không phải không có lý khi giờ đây, đến tuổi bốn mươi, chính tôi thấy mình không đọc nổi ông nữa. Dostoievky đã quá đủ với tôi một thời tuổi trẻ và những bỡ ngỡ đầu đời.
Có lẽ sự quá khác thường và mãnh liệt trong tác phẩm đã ảnh hưởng không ít đến sự nghiệp của Dostoievsky. Sau sự mở màn đầy ấn tượng thì một thời gian dài sau, Dostoievky đã chịu sự khinh miệt rất lớn. Đã có lúc người ta coi tác phẩm của ông là những thứ tồi tệ, nguy hiểm, bị cấm vì có thể ảnh hưởng tới tư tưởng suy đồi của thanh niên.
Dostoievky đã sống trong nghèo đói trong thời gian dài cùng nợ nần và gần như hưởng rất ít vinh quang khi còn sống. Một bi kịch giống với nhiều vĩ nhân khác, chỉ khi ở dưới ba tầng đất rất lâu thì người ta mới tôn vinh và đưa ông đến một vị trí xứng đáng. Điều này khác xa người đồng nghiệp đương thời nổi tiếng của ông, Lev Tolstoy.
Lev Tolstoy thì may mắn hơn Dostoievky rất nhiều. Cùng là quý tộc của nước Nga nhưng gia đình Dostoievky đã suy sụp đến phá sản còn Lev thì vẫn còn những điền trang rộng lớn. Bá tước Lev Tolstoy giàu có và được hưởng vinh quang từ rất sớm với những tác phẩm của mình. Lev Tolstoy mau chóng được thừa hưởng danh vị thủ lĩnh của văn học Nga và được ngưỡng vọng rất lớn.
Từ những truyện ngắn như “Những mẩu chuyện Sevastopol”, rồi đến “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”, “Phục Sinh”... Lev đã có một địa vị không thể suy chuyển và gần như độc tôn.
Nhiều người đã coi “Chiến tranh và hòa bình” là pho tiểu thuyết lớn nhất của văn hào Nga, tôn nó là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất mà loài người từng viết ra. Nhưng đó là về tầm vóc và sự kì vĩ của tác phẩm, còn đối với chính Lev Tolstoy, tôi và nhiều người khác, “Anna Karenina” mới là cuốn tiểu thuyết hay nhất và toàn bích nhất của Lev Tolstoy. “Anna Karenina” có cấu trúc chặt chẽ, hiện đại, phân tích tâm lí cực kì sắc sảo và nhiều người cho rằng chính cuốn tiểu thuyết này của Lev Tolstoy mở màn cho dòng văn học ý thức hoặc là cánh chim báo hiệu đầu tiên.
Khác với Dostoiesky, văn phong của Lev Tolstoy nhẹ nhàng và khoan thai, đúng cái kiểu quý tộc bình thản và tự tin. Đọc Lev Tolstoy ta không bị căng thẳng quá mức như đọc Dos nhưng lại cảm nhận rất rõ sự tinh tế và những miêu tả rất chi tiết, cẩn trọng của ông. Ở điểm này tôi thấy Lev Tolstoy khá gần gũi với Victor Hugo ở những pha cận cảnh và cả hai nhà văn lớn đều không bao giờ vội vàng, nhẩn nha tiến từng bước một.
Lev Tolstoy tạo cho người ta sự êm ái, có thể cũng là sự chết người nhưng người ta vẫn cảm nhận nó thật bình tĩnh. Anna Karenina đi những bước đi đầy mạo hiểm về ái tình như Bà Bôvary của Flaubert nhưng người ta thiện cảm với nàng chứ không phải với ông chồng mọc sừng của nàng. Đây là vấn đề khá thú vị khi tìm hiểu tâm lý người đọc.
Cả Anna Karenina và Bà Bôvary đều phạm tội ngoại tình không thể tha thứ nhưng dường như tâm lý chung của người đọc đều thương cảm cho hai người đàn bà “hư hỏng” mà không dành sự khoan dung ấy cho hai người chồng của họ. Vì sao? Vì cách viết của Tolstoy và Flaubert bênh vực phụ nữ, hay phụ nữ vốn là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn, hay do tâm lý thời đại vẫn cho rằng phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng so với đàn ông?
Dù sao Anna Karenina đã trở thành một biểu tượng rất lớn của văn học Nga và thế giới, đại diện cho sự quyền quý, sắc đẹp và tình yêu mãnh liệt. Cả Dostoievsky và Lev Tolstoy đều tạo được những biểu tượng rất lớn trong văn học. Dostoievsky là Raskolnikov, Dmitri Karamazov, Aliosa; với Lev Tolstoy là Anna Karenina, Vronky... Những nhân vật tiêu biểu cho loài người ở những góc cạnh khác nhau. Tôi phát hiện ra rằng những tiểu thuyết của hai văn hào này đậm chất Nga hơn bất cứ người Nga nào khác. Bạn đọc sẽ hỏi tôi, đậm chất Nga ư? Thế không phải hai ông ấy không phải người Nga hay sao?
Tất nhiên, người Nga nhưng văn học Nga cổ điển, với hai nhân vật trên, ta thấy chúng Nga hơn bao giờ hết. Mùi vị và hương vị Nga đậm đặc, ta thấy chất Nga ở mọi nơi, mọi chỗ. Điều này sẽ không dễ phát hiện ra mùi vị quốc gia ở những tiểu thuyết ở nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ với những nhà văn cùng thời.
Ta ít khi thấy mùi vị và không khí của những quốc gia ấy như ở nước Nga. Nên nhớ rằng ở nước Nga cổ điển họ chưa bao giờ coi mình là châu Âu hay phương Tây, họ là một xứ sở và nền văn minh khác.
Quay lại với hai nhân vật vĩ đại nhất của văn học Nga, có lẽ mọi người sẽ bất ngờ khi biết rằng Dostoievky và Lev Tolstoy chưa bao giờ là bạn của nhau, thậm chí chưa bao giờ gặp nhau. Vì sao thế? Có lẽ ở thời điểm ấy, Lev Tolstoy đã trở thành một lãnh tụ của văn học Nga còn Dostoievky vẫn chưa được người ta công nhận rộng rãi.
Lev Tolstoy vẫn ở “chiếu trên” so với Dostoievky và có một câu chuyện kể rằng, người ta đã sắp xếp để cho hai nhà văn gặp nhau nhưng Lev Tolstoy đã không đủ kiên nhẫn và bỏ về trước. Ngược lại, Dos toievsky vô cùng kính trọng người đồng nghiệp của mình, ông đã từng viết những bài rất hay để ca ngợi Lev Tolstoy nhưng Tolstoy gần như chưa bao giờ có động tác như thế với Dostoievsky.
Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ có một câu hỏi, vậy giữa Dostoievky và Lev Tolstoy ai cao hơn ai? Đây là một câu hỏi thú vị và cá nhân tôi sẽ có câu trả lời ngay. Đó là hai bậc kì tài của văn chương Nga và toàn thế giới, họ ngang bằng nhau ở những góc độ riêng. Thế giới đã từng chứng kiến những “cặp đôi” siêu việt tương tự rất khó phân thứ hạng.
Ngoài Dostoievky và Lev Tolstoy còn có Albert Camus và Jean-Paul Sartre, Kim Dung và Cổ Long. Và với hai nhân vật chính của bài, tôi chua thêm một câu, hoàn toàn mang tính chất và trải nghiệm cá nhân. Hãy đọc Dostoievky khi tuổi trẻ và đọc Lev Tolstoy khi trung niên và già. Bạn không tin tôi ư, vậy hãy đọc ngay hai nhân vật này xem tôi có nhận định sai không?