Dọc đường chống dịch: Ghi trong khu công nghiệp
Giám đốc nhà máy tự đi mua chăn, nệm, sắp đặt chỗ ăn ngủ cho công nhân. Có doanh nghiệp còn nhập cả mỹ phẩm cho công nhân nữ sử dụng. Riêng ở Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN), cán bộ nhân viên đều ở lại 'trực chiến'... Đó là những gì đang diễn ra để bước vào trạng thái bình thường mới.
Ông Nguyễn Văn Quý trao đổi với lãnh đạo Cty EMW về chỗ ngủ cho công nhân
Kiệt sức
Sáng sớm, đầu tháng 6, tại KCN Vân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang), chúng tôi cùng tổ công tác gồm đại diện Ban quản lý KCN Bắc Giang, công an, y tế kiểm tra nhà máy của Cty EMW. Đoàn cẩn thận xem xét, góp ý từng phòng tắm, chỗ ngủ, chỗ ăn, cửa ra vào đến nơi làm việc sao cho thông thoáng, đảm bảo giãn cách và các quy định về phòng dịch COVID-19. Doanh nghiệp Hàn Quốc này bình thường có hơn 500 lao động nhưng hiện tại chỉ dám đăng ký cho hơn 100 người quay lại làm việc.
Đó là một góc nhỏ trong toàn bộ bức tranh khó khăn của doanh nghiệp tại Bắc Giang thời gian qua. Cả 4 biểu tượng thành công nhất của Bắc Giang những năm qua là KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng đều phải đóng cửa từ ngày 18/5 vì dịch kéo theo bao hệ lụy. “Mỗi ngày, 4 KCN dừng hoạt động, Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng, 140.000 lao động phải nghỉ việc” - những con số biết nói đó được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đưa ra trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Tỉnh Bắc Giang ra kế hoạch cho một phần công nhân đi làm trở lại, khôi phục sản xuất công nghiệp theo phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” nhưng vẫn còn bao trắc trở. Bởi để đi làm lại, nhiều vấn đề được đặt ra: Công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần, lần gần nhất phải trước một ngày; doanh nghiệp không thuê được xe tự do để đi đón lao động... Có nơi, người quản lý doanh nghiệp không đi qua được chốt kiểm soát để làm thủ tục xét nghiệm, đón công nhân.
Trong một phòng trọ chật hẹp ở gần KCN Đình Trám (huyện Việt Yên), anh Nguyễn Tiến Huế (quê Nghệ An) chia sẻ: “Tôi vừa ra đây, đi làm được đúng 15 ngày thì có dịch. Trong túi còn đúng vài chục nghìn, may được chính quyền hỗ trợ lương thực. Tôi đồng tình ở lại vì an toàn cho xã hội, cho chính gia đình mình và mong muốn lớn nhất lúc này là được đi làm trở lại”.
Cũng là công nhân ở huyện Việt Yên, chị Nguyễn Thị Phượng (quê Thái Nguyên) cho biết, bình thường, mức lương 6 triệu đồng/tháng giúp chị trang trải cuộc sống nhưng dịch bệnh khiến cuộc sống đảo lộn. “Thật sự kiệt sức, không chỉ tôi mà mọi người ở đây, ai cũng sống 24/24 trong phòng trọ nóng bức, đầy mùi thuốc khử khuẩn trong khi gia đình, con cái ở quê vẫn phải chi tiêu. Công ty thông báo tôi thuộc nhóm chuẩn bị đi làm lại nhưng phải chờ chính quyền đồng ý. Cũng có người nói mình tham lương cao nên mới đi làm sớm, nhưng để nuôi mình, nuôi con, tôi phải chấp nhận” - chị Phượng nói.
Kê nệm, dựng màn chờ công nhân
Trong Cty EMW ở Việt Yên những ông chủ Hàn Quốc đang xắn tay cùng nhân viên bơm từng chiếc nệm hơi, dựng từng cái màn, kê lại đồ đạc để chuẩn bị đón công nhân. Công ty này sản xuất linh kiện điện tử, công nhân nữ chiếm phần nhiều nên nhập khẩu cả mỹ phẩm cho từng công nhân, đựng trong túi kháng khuẩn riêng biệt. Bàn ăn, chỗ ngủ, khu vệ sinh cá nhân đều được thiết kế kỹ lưỡng sao cho đảm bảo giãn cách tối đa.
Sang một nhà máy khác, ông Phạm Ngọc Hanh - Giám đốc Cty S-Dragon Bắc Giang đang hoàn thiện công tác đón công nhân của mình. Là giám đốc của gần 200 người nhưng ông tất bật, tự mình đi mua chăn chiếu, đồ dùng rồi về quét dọn, kê đồ đạc bởi nhân viên chưa ai có thể vào nhà máy làm thay. Vị Giám đốc cẩn thận đánh dấu từng chỗ ngủ sao cho đảm bảo 5m2/người. Ông tự tay căng dây phơi quần áo, chuẩn bị nhà vệ sinh cho khu cách ly nếu phát hiện F1, F2.
Công nhân ăn ở tại nhà máy trước khi dịch bùng phát
Tại Bắc Ninh, trước khi dịch bùng phát, chính quyền sớm tổ chức cho công nhân ăn, ở tại nhà máy để làm việc nên các KCN vẫn duy trì hoạt động. Ngày 7/6, sau khi kiểm tra 224 doanh nghiệp với tổng số lao động là 65.586 người, 40 Tổ Công tác của tỉnh Bắc Ninh thông báo: Nhóm rất ít nguy cơ chiếm có 107 doanh nghiệp, chiếm 47,8% (được hoạt động, tuy nhiên vẫn thường xuyên duy trì và đánh giá nhằm bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch); Nhóm nguy cơ lây nhiễm thấp có 96 doanh nghiệp, chiếm 42,8% (được hoạt động, phải kiểm tra định kỳ); Nhóm nguy cơ lây nhiễm trung bình có 20 doanh nghiệp, chiếm 8,9% (doanh nghiệp có thể được hoạt động với điều kiện phải thường xuyên đánh giá và khắc phục các chỉ số cảnh báo); không có doanh nghiệp nào nguy cơ lây nhiễm cao.
Ông Hạnh chia sẻ: “Đợt dịch này với Bắc Giang là quá nặng, “chết” nhất là có người xét nghiệm 5 lần âm, đến lần thứ 6 lại dương tính. Công ty bình thường có 187 người, giờ tôi làm phương án đón 35 người trước nên không thể đáp ứng được nhu cầu bình thường từ đối tác, chỉ phục vụ những khách hàng trọng tâm, cấp thiết. Cũng may đây là trường hợp bất khả kháng nên đối tác cũng thông cảm, không yêu cầu bồi thường. Khó khăn nhất vẫn là làm sao đón được công nhân bởi mình gửi danh sách muốn 100 người đi làm nhưng các xã rà soát, bảo 10 người chỉ cho 2 người đi thì cũng chịu. Có công nhân đã lúc đó mới lên được kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý”.
Kết thúc buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Ban quản lý KCN tỉnh Bắc Giang nói: “Doanh nghiệp nào cũng muốn hoạt động trở lại nhưng mình chỉ chấp nhận những nơi đủ điều kiện, không thể ào ào được vì muốn hoạt động phải lo được chỗ ăn ở, làm việc, cách ly cho người lao động bởi họ làm việc tại nhà máy hàng tháng chứ không phải hàng tuần. Công nhân hiện giờ ở nhà cách ly nên chán, muốn đi làm nhưng điều kiện ở công ty không thể bằng ở nhà, dễ dẫn tới phản ứng tiêu cực. Do vậy, mình phải làm nghiêm, hết sức để vừa đáp ứng mong muốn của công nhân, yêu cầu của sản xuất và cũng để tránh thêm “một bàn thua” trước dịch bệnh”.
Tại Ban quản lý KCN tỉnh Bắc Giang, có hơn 20 nhân sự, tất cả đã không về nhà từ ngày 11/5, khi những ca nhiễm xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà máy. Họ ngủ tạm bợ tại cơ quan, trên bàn làm việc để ngày đêm chung vai với các doanh nghiệp chống COVID-19, khôi phục sản xuất, nhưng việc này đòi hỏi những yêu cầu rất cao về phòng dịch. X.A