Độc lạ Ấn Độ, người đàn ông cho rắn hổ mang chúa uống nước bằng chai
Bỏ qua những màn săn mồi, tiêu diệt đối thủ, hôm nay chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một góc nhìn khác của rắn hổ mang chúa. Một góc nhìn bình dị, thân thuộc và có phần dễ thương hơn của loài động vật đáng sợ.
Được xem như là Vua của các loài rắn, rắn hổ mang chúa không chỉ là nỗi khiếp sợ của các loài sinh vật khác nhau mà còn là nỗi kinh hoàng của chính đồng loại nó.
Rắn hổ mang chúa là loại rắn độc có kích thước lớn nhất, có tên khoa học "Ophiophagus hannah" mang ý nghĩa "loài chuyên ăn thịt rắn" theo tiếng Hy Lạp.
Nhờ khả năng kháng độc rắn mạnh mẽ, rắn hổ mang chúa có thể săn các loài rắn độc như rắn Mamba đen hay rắn đuôi chuông mà không có lo ngại gì. Không những thế, chúng còn ăn thịt những con rắn hổ mang chúa khác nữa. Với cơ thể khỏe khoắn, rắn hổ mang chúa có thể hạ được các loài rắn khác kể cả những con trăn và nuốt sống con mồi.
Có nguồn gốc từ châu Á, thường được tìm thấy ở trong các khu rừng của Ấn Độ và Đông Nam Á, rắn hổ mang chúa là một trong những loài rắn có nọc độc nhất trên thế giới. Rắn hổ mang chúa có thể đạt chiều dài 5,6m, khiến chúng dài nhất trong số các loài rắn có nọc độc.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa không mạnh nhất trong số những con rắn có nọc độc, nhưng lượng độc tố thần kinh mà chúng có thể tiết ra trong một lần cắn lên đến hai phần mười là đủ để giết chết 20 người, hoặc thậm chí là một con voi.
Rắn hổ mang chúa là một thợ săn tích cực nhưng đáng sợ ở chỗ nó thường xuyên ăn đồng loại của mình. Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học, 1/3 khẩu phần ăn của rắn hổ mang là đồng loại của chúng.
Giống như hầu hết các loài sinh vật trên Trái đất, rắn và rắn hổ mang chúa cũng cần phải uống nước để duy trì sự sống. Liệu rắn có thực sự uống nước giống như các loài động vật khác hay không? Câu trả lời là có, nhưng có phần hơi phức tạp hơn một chút. Một vài người chứng kiến cho rằng hành động uống nước của rắn trông hơi đáng sợ. Giống như một con mèo có vảy đang liếm láp.
Điều thú vị ở đây đó là không giống như nhiều loài động vật khác, rắn không thể hút nước bằng chiếc lưỡi đáng sợ dài và bị chẻ đôi của chúng được. Để uống nước, rắn hổ mang sử dụng những nếp da gấp ở hàm dưới để thấm hút nước, cơ chế hoạt động giống như những ống nhỏ trong miếng bọt biển.
Điều này được thể hiện khá rõ ràng ở đoạn clip được quay tại Ấn Độ. Khi mà một người đàn ông cho rắn hổ mang uống nước bằng một chai nước khoáng. Những hình ảnh mới lạ nhưng gần gũi này sẽ khiến những người sợ rắn vô cùng ngạc nhiên.
Tất nhiên, là động vật hoang dã, rắn hổ mang chúa thích uống nước từ những nguồn thiên nhiên hơn là đồ uống đóng chai.