Độc lập về cảm xúc

Mối quan hệ gia đình, những thói quen trong quá khứ sẽ chi phối cảm xúc của một người. Bạn cần học cách độc lập và cân bằng về cảm xúc để có một đời sống tình cảm tích cực.

 Khi trưởng thành, bạn phải học cách độc lập và cân bằng về cảm xúc. Ảnh: H.W.

Khi trưởng thành, bạn phải học cách độc lập và cân bằng về cảm xúc. Ảnh: H.W.

Khi tâm hồn hành động theo kiểu quán tính, phản ứng theo thói quen, chúng ta thường thấy những vấn đề tương tự cứ lặp đi lặp lại. Rõ ràng bạn đang hẹn hò với một người mới, nhưng từ việc gặp gỡ đến chia tay lại y hệt với kiểu bạn đã từng trải qua với một mối quan hệ trong quá khứ. Tình bạn cũng giống vậy.

Người hy sinh cứ thế cho đi không ngừng, cuối cùng lại cảm thấy mệt mỏi và mối quan hệ dần tan vỡ. Vậy làm thế nào để tạo ra được “chương trình cơ bản” trong giao tiếp và có thể duy trì hoạt động bằng quán tính của tâm hồn được đây? Tại sao các vấn đề trong các mối quan hệ lại cứ lặp đi lặp lại? Điểm bắt đầu nằm ở “bản lý lịch các mối quan hệ” được kéo dài và nối tiếp từ quá khứ cho đến hiện tại.

Dòng đầu tiên trong bản lý lịch quan hệ chính là cha mẹ và gia đình, là nhóm đối tượng xã hội đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Mối quan hệ giữa cha mẹ và gia đình cần được nhìn nhận theo một khía cạnh quan trọng bởi nó chính là yếu tố chính hình thành nên khuôn mẫu cơ bản cho loại hình giao tiếp hiện tại và các mối quan hệ cá nhân của một người.

Trong quá trình giao tiếp với cha mẹ, trẻ liên tục quan sát những phản ứng để xem cha mẹ khen thưởng hay trừng phạt hành vi nào đó của mình. Nếu có anh chị em, trẻ sẽ học được “quy tắc” của các mối quan hệ và giao tiếp trong cấu trúc đa giác nơi diễn ra các tương tác phức tạp hơn.

“Lần đầu tiên” luôn có tác động rất mạnh mẽ đến nhiều người. Trong những tháng năm đầu đời, những cảm xúc mãnh liệt của những khoảnh khắc hạnh phúc, sợ hãi, đau đớn được trải nghiệm lần đầu tiên sẽ được chồng chất thành từng lớp tạo ra những ký ức đặc biệt.

Dữ liệu ban đầu chẳng khác gì “giá trị cơ bản” được tích lũy để hình thành nên quan điểm về bản thân, mọi người và thế giới xung quanh, đồng thời tạo ra khuôn khổ cơ bản để giao tiếp tương ứng. Điều này sẽ sớm trở thành “chương trình cơ bản” trong giao tiếp. “Thì ra thế giới là như vậy. Mọi người là như thế này. Tôi chính là một người như thế, vậy mới có thể cùng sống với nhiều người trong thế giới này.”

Một trái tim luôn ao ước có được cảm giác an toàn, được yêu thương và được công nhận trong một thế giới không có gì là chắc chắn, và một tâm hồn luôn gắng gượng tránh bị tổn thương, giờ đây chúng lại trở thành những quy tắc của cuộc sống: “Đó là lý do tại sao phải như vậy”, rồi lâu dần sẽ trở thành cách mà chúng ta đang sống.

“Phải làm vậy mới được mọi người yêu thương và công nhận. Nếu không sẽ bị tổn thương.” Đó là cách chúng ta học được thông qua các mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau và những thử nghiệm sai lầm. Dựa trên khuôn khổ cơ bản được hình thành từ tấm bé, chúng ta dần mở rộng các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội và tự đánh giá vai trò cũng như giá trị của mình bên trong đó.

Nếu đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành mà bạn vẫn sống lặp đi lặp lại lối sống trong mối quan hệ bị giao động, thì rất có thể trong quá khứ, khi bạn đang hình thành giá trị quan trong cuộc sống, bạn đã không nhận được tình cảm và sự kiểm soát phù hợp đến từ cha mẹ, hoặc liên tục bị các thành viên trong gia đình công kích, hoặc bị ép buộc giải quyết các tình huống xung đột bằng một thái độ thụ động trong một thời gian dài.

Cũng giống như khi chúng ta xử lý công việc theo một cách đã được chỉ định sẵn và được lặp lại nhiều lần khiến chúng ta cảm thấy quen thuộc, nên cho dù có xuất hiện một phương pháp mới có thể cải thiện những thiếu sót, chúng ta vẫn cảm thấy phương pháp cũ vừa thoải mái, vừa mang lại hiệu quả hơn.

Nên mặc dù các mối quan hệ của chúng ta có được mở rộng và hoàn cảnh đã thay đổi, chúng ta vẫn có xu hướng giữ nguyên quán tính theo cách làm vốn có. Cứ thế, “chương trình cơ bản” được hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ không còn được cập nhật theo kiểu mới được nữa và có thể khiến chúng ta gặp phải các vấn đề về giao tiếp khi trưởng thành. Mối quan hệ cũng lặp lại theo cách như vậy.

Angela Sen/ Light Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/doc-lap-ve-cam-xuc-post1524213.html