Độc lập xét xử - linh hồn của cải cách tư pháp
'Độc lập tư pháp không hề làm suy giảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước' - GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đề cập, cải cách tư pháp là một trong những điểm mà dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập. GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nói rằng: “Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần xác định phương thức cốt lõi, phù hợp nhất cho vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc đảm bảo tính thượng tôn pháp luật của tòa án”.
Cần hiểu đúng về độc lập tư pháp
. Phóng viên:Thưa ông, ông nhận định thế nào về phần cải cách tư pháp nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần này?
+ GS Lê Hồng Hạnh: Tôi đọc dự thảo Báo cáo chính trị nhiều lần, trong những văn cảnh khác nhau. Trong mục xây dựng nhà nước pháp quyền, tôi thấy thế này: Cần làm rõ tinh thần cải cách tư pháp theo yêu cầu thực thi Hiến pháp 2013. Tư pháp trong Hiến pháp 2013 nhấn trọng tâm vào tòa án, thiết chế được coi là có trách nhiệm chủ yếu nhất để bảo vệ công lý.
Dự thảo văn kiện không có bất cứ cụm từ nào về độc lập tư pháp hay tòa án độc lập xét xử. Như vậy, rất khó để tiến hành cải cách tư pháp theo nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định trong Hiến pháp 2013. Tinh thần cốt lõi của Hiến pháp 2013 coi tòa án là trọng tâm của tư pháp và khẳng định nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không một cơ quan, cá nhân nào được can thiệp.
. Vì sao ông lại chú trọng đến cải cách tòa án như vậy?
+ Là bởi vì ở bất kỳ xã hội nào cũng vậy, tòa án là chỗ dựa cuối cùng của người dân nên khi niềm tin vào tòa án bị mất hoặc bị suy giảm nghiêm trọng thì niềm tin vào công lý cũng sẽ mất hoặc suy giảm theo. Ai có thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án bị chi phối bởi cơ quan hành pháp nào đó, thậm chí cá nhân có quyền lực nào đó, quyền lực cả ở khía cạnh chính trị và khía cạnh kinh tế?
Vì sao vậy? Vì sự độc lập của tòa án là cần thiết. Do chúng ta không hiểu khái niệm “độc lập tư pháp” nên chúng ta sợ nó. Độc lập tư pháp không hề mang ý nghĩa tam quyền phân lập. Ở các quốc gia khác và ngay cả người đẻ ra lý thuyết về phân chia quyền lực cũng không nói đến sự phân lập trong quyền lực nhà nước. Người ta chỉ nói quyền lực được phân chia hành pháp, tư pháp, lập pháp và có sự kiểm soát, cân bằng quyền lực.
Sự lãnh đạo của Đảng và độc lập xét xử
. Thưa ông, độc lập tư pháp, độc lập tòa án có mối quan hệ như thế nào đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp?
+ Cũng có người cho rằng độc lập tư pháp có thể ảnh hưởng tới tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Không đúng! Có cách hiểu độc lập tư pháp làm tổn hại đến sự lãnh đạo của Đảng. Lại càng không đúng. Độc lập tư pháp không hề làm suy giảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, nhất là trong nhà nước pháp quyền XHCN.
Tôi cho rằng nếu Đảng tạo dựng được một thể chế, một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng còn cao hơn. Để hệ thống tòa án làm được nhiệm vụ đó thì hệ thống đó phải độc lập. Nó phải độc lập trước nhiều yếu tố tác động, song đặc biệt là các tác động từ cơ quan hành pháp.
Một thực tế rất dễ dàng nhận thấy hầu như không có vị bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp xuất hiện trước tòa hành chính khi quyết định của họ bị dân hay doanh nghiệp kiện. Điều này thể hiện sự thượng tôn pháp luật trong hoạt động tư pháp ở chính quyền hành pháp còn chưa được coi trọng.
Tòa án, thẩm phán chỉ có một sức ép: Mang lại công lý!
. Có lẽ còn nhiều mong ước và trăn trở cho hệ thống tòa án ở nước ta. Theo ông, cần phải làm gì để mong ước ấy thành hiện thực?
+ Tòa án là một thiết chế rất đặc biệt. Con người trong đó phải được lựa chọn đúng nghề, bố trí vào đó những người có khả năng, có nghề và có tâm mang lại công lý cho dân, không chịu sức ép nào cả ngoài sức ép mang lại công lý.
Nghề thẩm phán rất đặc biệt vì có nghĩa vụ phải tư duy và hành động đúng theo tư tưởng của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Muốn thế thì thẩm phán phải là những người “có nghề”, có hiểu biết sâu về pháp luật và phải có tâm, có đức, có sự độc lập.
Ở giai đoạn đầu lập nước, chúng ta rất thiếu cán bộ tư pháp. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thể lấy luật sư sang làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng Người không lấy ai không có bằng luật, bằng luật sư sang làm chánh án. Bởi Người quan niệm tòa án là một thiết chế đặc biệt và cần có vị thế độc lập.
. Nhưng thực tế hiện nay, việc lựa chọn trọng tâm cho cải cách tư pháp cũng đang rất toàn diện?
+ Tôi nghĩ Đại hội XIII của Đảng phải làm sao xác định cải cách tư pháp đúng trọng tâm, trọng điểm. Cần xác định “tòa án độc lập trong hoạt động xét xử” là linh hồn của cải cách tư pháp. Giai đoạn khó khăn nhất của đất nước Bác Hồ còn làm được thì trong thời bình Đảng hoàn toàn đủ năng lực, đủ điều kiện chọn đúng người để trao vào tay họ cán cân công lý. Không có lý do gì cản trở Đảng lựa chọn cán bộ thực hiện công tác xét xử theo hướng chuyên nghiệp tối đa nhất có thể.
Sự độc lập của tòa án tôi tin chắc sẽ giải quyết được những vấn đề hiện nay và sẽ giúp đạt được các mục tiêu mà tư pháp hướng tới. Bởi khi đó, việc bảo vệ công lý sẽ tuân thủ được nguyên tắc: Cấp dưới sai thì cấp trên sửa được, nếu sai nữa thì còn có một cấp “phá án” để bảo đảm công lý và tất cả theo quy trình tố tụng luật định, không ai can thiệp được.
. Xin cám ơn ông.
Cần lựa chọn phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp nhất
. Phóng viên:Thưa ông, chúng ta thấy rằng việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tòa án vẫn cần đặt ra?
+ GS Lê Hồng Hạnh: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động tư pháp dĩ nhiên là phương thức lãnh đạo mang tính chiến lược, cơ bản đối với hoạt động đặc thù của tòa án. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đảng chấm dứt vai trò lãnh đạo khi đã tạo ra được linh hồn của pháp luật.
Thi hành các quy định pháp luật về hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo tính độc lập tối đa của nó quan trọng không hề kém việc xây dựng chính sách, pháp luật. Xây dựng và thi hành pháp luật nói chung là hoạt động không thể cắt khúc, không có khoảng trống.
Trong lĩnh vực tư pháp thì yêu cầu này càng trở nên cần thiết hơn vì liên quan đến công lý và quyền con người. Tuy nhiên, thi hành pháp luật trong hoạt động của tòa án có những đặc thù riêng so với trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, an sinh xã hội. Ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, sự tác động, can thiệp trực tiếp của các tổ chức Đảng có thể mang lại kết quả; còn trong hoạt động xét xử của tòa án, sự can thiệp, tác động ấy rất khó mang lại kết quả tốt...
Xét xử là một hoạt động nghề nghiệp đặc biệt, nó phải được ngăn chặn, chống sự tác động từ mọi phía đến tư duy, niềm tin nội tâm và tính chính xác của việc áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, cần lựa chọn phương thức lãnh đạo phù hợp nhất để thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/doc-lap-xet-xu-linh-hon-cua-cai-cach-tu-phap-947973.html