Dọc một triền sông- Triêm Hóa
Chúng ta đã biết về tổng Giai Hóa ở bên bờ phải sông Vàm Cỏ Đông. Thì phần thềm sông bên trái (tả ngạn), tại khu vực trung tâm nhất của vùng Nam Tây Ninh chính là tổng Triêm Hóa.
Sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) có mục từ Triêm Hóa (trang 1232), là “Tổng thuộc h.Quang Hóa, p.Tây Ninh, t.Gia Định từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán lập thêm thôn Hòa Bình.
Trải qua triều Tự Đức có 7 thôn: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Hưng Mỹ, Hòa Bình, Phước Trạch, Thạnh Đức, Trường Hòa... Đến thời Pháp thuộc đặt thuộc hạt tht. Quang Hóa, rồi Trảng Bàng, rồi Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 giải thể Hòa Bình nhập vào làng Trường Hòa, l. Hưng Mỹ vào l. Cẩm Giang…”.
Tư liệu trên cho thấy, dù phủ Tây Ninh đã được thành lập từ tháng 7 (âl) năm 1836 nhưng cũng phải mất một thời gian quá độ là 5 năm, các tổng thôn trực thuộc mới chính thức được phân định và hình thành. Và sau đó đến thời Pháp thuộc, lại có những điều chỉnh. Đấy là nhập làng Hòa Bình vào làng Trường Hòa, nhập làng Hưng Mỹ vào làng Cẩm Giang. Điều này đã giải thích vì sao ở cả xã Trường Hòa và xã Cẩm Giang hiện nay đều có 2 ngôi đình.
Ở Trường Hòa là các đình Trường Đông (nay thuộc xã Trường Đông) và đình Trường Tây (nay thuộc xã Trường Tây) đều thuộc thị xã Hòa Thành. Ở xã Cẩm Giang (nay thuộc huyện Gò Dầu) cũng có 2 ngôi đình là đình Trung ở ấp Cẩm Long và đình Cẩm An hay Hưng Mỹ thuộc ấp Cẩm An. Vậy là chỉ trong khoảng 50 năm tồn tại, các thôn làng Hưng Mỹ, Hòa Bình đều đã kịp thời xây cho quê mình một ngôi đình riêng thờ Thành hoàng bổn cảnh- vị thần cai quản đất đai, phù hộ cho dân làng theo tín ngưỡng dân gian người Việt.
Cũng xin nhắc lại rằng, các xã Trường Đông, Trường Tây thuộc thị xã Hòa Thành hiện nay, trước năm 1975 đều thuộc làng Trường Hòa của tổng Triêm Hóa ngày trước. Và chúng tôi cũng đã có lần tìm tòi qua các câu đối cổ của đình để chứng minh đình Trường Đông chính là ngôi đình Trung của thôn Trường Hòa xưa. Còn đình Trường Tây có thể chính là đình của thôn Hòa Bình, đã giải thể vào năm 1891. Ta hãy cùng xem mục từ Trường Hòa trong Sđd (trang 1242). Đấy là “Thôn thuộc tg. Triêm Hóa, h. Quang Hóa, p. Tây Ninh, t. Gia Định, triều Minh Mạng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thuộc Pháp vẫn thuộc tổng cũ, đặt thuộc hạt tht. Quang Hóa, rồi Trảng Bàng, rồi Tây Ninh. Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt thb. Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 được sát nhập l. Hòa Bình giải thể… Sau 30.4.1975 thuộc h. Phú Khương, t. Tây Ninh. Ngày 14.3.1979 thuộc h. Hòa Thành cùng tỉnh. Ngày 4.4.1979 tách đất lập 2 xã Trường Đông, Trường Tây…”.
Đến đây, cần dừng lại để so sánh với những gì đã viết trong bài “Sự tích lịch sử đình Trường Tây” (sách Di tích Lịch sử - Văn hóa - Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2014). Sách này viết: “Vùng Trường Tây được thành lập trong bối cảnh năm 1862 (Tự Đức thứ 16) thực dân Pháp buộc triều đình Huế ký hiệp ước Nhâm Thìn (ngày 5.6.1862) cắt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho chúng… Những người bất hợp tác với Pháp đi tìm vùng đất mới để sinh sống, trong đó có ông Trần Văn Điền (theo truyền thuyết gốc người Gia Định) cùng gia đình ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông đến vùng Trường Tây ngày nay để khai hoang định cư sinh sống. Với đức tính cần cù, siêng năng ông đã tạo nên một làng trù phú, dân cư ngày càng sung túc…”.
Xin thưa với các tác giả sách kể trên là: xưa nay, trong mọi sách tư liệu viết về Tây Ninh không có một “vùng Trường Tây” nào cả; cũng chưa khi nào có một “làng Trường Tây trù phú”. Nhất là nó lại “được thành lập trong bối cảnh năm 1862”. Bởi khi ấy, vùng đất này đã thuộc về thôn Trường Hòa ngay từ năm triều vua Minh Mạng thành lập phủ Tây Ninh (1836). Vả lại, năm 1862 là năm quân Pháp còn mải lo việc đối phó với các lực lượng quân dân binh bất tuân hiệp ước của triều đình tổ chức đánh Pháp ở khắp nơi; thì làm gì có chuyện cho các ông xin mở đất lập thôn làng mới? Chuyện này là không thể! Viết như thế còn là phủ nhận công lao của biết bao bậc tiền nhân đã mở đất lập làng từ những năm trong nửa đầu thế kỷ 19, cách thời điểm 1862 từ vài chục năm về trước (1836).
Xin trở lại với tổng Triêm Hóa- một trong những tổng đầu tiên của huyện Quang Hóa mới được lập năm 1836. Chúng ta đã biết về tổng Giai Hóa ở bên bờ phải sông Vàm Cỏ Đông. Thì phần thềm sông bên trái (tả ngạn), tại khu vực trung tâm nhất của vùng Nam Tây Ninh chính là tổng Triêm Hóa. Trước là 7, sau còn 5 thôn (làng) nối tiếp nhau trải dọc thềm sông. Từ Bắc xuống Nam lần lượt là: Trường Hòa, Cẩm Giang, Thạnh Đức, Hiệp Thạnh và Phước Trạch. Phía Bắc, Trường Hòa giáp với làng Long Thành của tổng Hòa Ninh. Phía Nam, là Phước Trạch giáp với làng Thanh Phước của tổng Mỹ Ninh (nay là thị trấn Gò Dầu, xã Phước Thạnh và Thanh Phước).
Nơi đây chính là vùng có các thôn làng sớm nhất trên toàn địa bàn tỉnh. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã viết trong bài Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001. Rằng, ngay từ: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn.
Đạo sở đặt tại Cẩm Giang. Một số thôn cũng được thành lập như thôn Cẩm Giang Tây, thôn Thạnh Đức, thôn Thanh Phước, thôn Bình Phú, thôn Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh)… Đó là tổ chức hành chính đầu tiên được đặt tại đây”.
Trong số các thôn đầu tiên trên đất Tây Ninh ấy, có đến 2 thôn: Cẩm Giang và Thạnh Đức thuộc về tổng Triêm Hóa sau này (1841). Đây là những thôn mang tính hạt nhân của một vùng, sau đó phát triển thành vùng quê trù phú nhất tỉnh Tây Ninh thời phong kiến.
Hạt nhân chủ yếu là thôn Cẩm Giang, sau này là xã thuộc huyện Gò Dầu. Bởi Cẩm Giang được chọn làm “đạo sở” của đạo Quang Phong. Tuy nhiên, do chỉ là “đạo” nên trong những năm đầu tiên ấy, những thôn, xã này đều thuộc quyền quản lý hành chính của tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.
Một vài tên thôn làng thuở ban đầu đã mất, như Bình Phú, Cẩm Giang Tây, nay không rõ là ở đâu; có nơi đã thay tên như Bình Tịnh thành An Tịnh. Nhưng nếu tính các thôn của tổng Triêm Hóa có từ năm 1841 thì phần lớn vẫn còn tên. Chỉ mất đi tên thôn Hòa Bình, còn Hưng Mỹ nay không còn thôn nhưng vẫn lưu danh ở một ngôi đình mang tên Hưng Mỹ. Vùng đất này còn biết bao những trầm tích văn hóa người Việt trong suốt chiều dài 245 năm (1779-2024).
Trong một câu ca dao cổ xưa: “Tây Ninh có núi Điện Bà/ Có sông Vàm Cỏ, có tòa Cao Sơn” nêu lên 3 địa danh thắng cảnh ở Tây Ninh. “Tòa Cao Sơn” chính là gò Cao Sơn ở làng Phước Trạch, thuộc tổng Triêm Hóa xưa.
Trần Vũ
(còn tiếp)
Các chữ viết tắt trong bài: hạt tht - hạt thanh tra; hạt thb - hạt tham biện; l - làng; t - tổng; h - huyện; p - phủ và t - tỉnh.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doc-mot-trien-song-triem-hoa-a169557.html