Độc nhất Hà Nội: Ngôi nhà cúc họa mi bung nở trắng xóa
Căn nhà gỗ ở gần khu vực bãi đá sông Hồng phủ đầy cúc họa mi trên mái, nhìn rất độc đáo, ấn tượng, trở thành điểm check-in yêu thích của giới trẻ Hà Nội.
Ngôi nhà cúc họa mi lạ nhất Hà Nội
Đầu tháng 11, Hà Nội bắt đầu trở lạnh, các vườn cúc họa mi ở khu vực gần bãi đá sông Hồng nở rộ. Điều đặc biệt, cúc họa mi năm nay nở sớm. Vào cuối tuần, con đường nhỏ dẫn vào khu vực bãi đá sông Hồng tắc cứng do lượng người đổ về chụp ảnh.
Nổi bật và được thu hút nhiều người tìm đến nhất là căn nhà gỗ được phủ đầy cây cúc họa mi trên mái và xung quanh. Căn nhà đã trở thành điểm check-in sống ảo nổi bật nhất mùa cúc hoa mi năm nay.
Điều gây ấn tượng là toàn bộ mái nhà được lợp bằng cúc họa mi trắng xóa, nhìn từ xa trông như tuyết phủ. Căn nhà được trang trí bàn ghế cửa sổ cho du khách đến chụp hình.
Tuyệt chiêu nuôi ốc nhồi, U70 kiếm hàng trăm triệu/năm
Ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen) đang là đặc sản rất được thị trường ưa chuộng. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ốc nhồi. Nhưng ở miền Bắc có một mùa đông lạnh giá, nhiều ngày nhiệt độ xuống thấp là trở ngại chính với phát triển nghề nuôi ốc nhồi.
Song nhờ vào những kinh nghiệm nuôi ốc nhồi mà ông Đinh Công Thước (ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhiều năm nay đã thành công nuôi ốc nhồi qua mùa đông lạnh. Nhờ đó, theo báo Dân Việt, năm nào, ông Thước cũng bán được trên 50 vạn ốc nhồi giống và hàng vài trăm kg ốc nhồi thịt thương phẩm, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, ông Thước còn cho ốc nhồi ăn thêm tinh bột, nhờ đó mà con nào cũng béo ú, mùa đông vẫn sống khỏe.
Người đầu tiên thuần hóa loài 'thủy quái' ở thượng nguồn sông Đà
Cá lăng sông Đà có chấm hoa dọc thân và chỉ có ở sông Đà. Đây là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng rất ít người nuôi thành công.
Anh Lê Văn Vũ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) là một trong những người đầu tiên thuần hóa thành công giống cá lăng chấm ở nơi thượng nguồn sông Đà. Anh Vũ cũng là người nuôi nhiều cá lăng chấm nhất Việt Nam.
Mô hình nuôi loài cá lăng đặc sản trên thượng nguồn sông Đà của anh Vũ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, mô hình này đem đến cho người dân trong vùng một hướng mới trong phát triển kinh tế đầy hứa hẹn.
Chàng kỹ sư "hóa phép", bắt cây dừa tiết ra mật có "1-0-2"
Trăn trở việc cây dừa nước ở Cần Giờ (TP.HCM) không có nhiều giá trị khi chúng bị chặt bỏ hoặc lấy cơm dừa bán với giá rẻ bèo, chàng kỹ sư Phan Minh Tiến (29 tuổi) từ bỏ công việc ở một công ty lớn tại thành phố để trở về quê Cần Giờ khởi nghiệp. Công việc của anh là lội nước mát-xa cây dừa nước tiết ra mật.
Theo anh Tiến, để lấy được mật, ngoài mát-xa, không được chặt lá cây dừa nước. Khi đến giai đoạn trưởng thành, buồng dừa sẽ được chặt lấy cơm dừa. Trụ dừa sẽ được dùng để lấy mật.
“Ở một vài nước trên thế giới người ta đã tìm ra cách để cây dừa nước tiết ra mật từ lâu, trong khi ở Việt Nam điều này còn khá mới mẻ... Hiện tại công ty mình là đơn vị đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong nghiên cứu, phát triển mật và các sản phẩm khác có giá trị cao từ cây dừa nước”, anh Tiến cho biết trên Báo Tiền Phong.
Ngôi làng toàn đàn ông may áo dài
Làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nổi tiếng bởi nghề may áo dài thủ công. Tục làng nghề này không truyền cho phụ nữ giờ đã được phá bỏ, nhưng tỷ lệ thợ cứng của làng chủ yếu vẫn là đàn ông.
“Áo dài của làng Trạch Xá khâu tay thủ công toàn bộ, cách cắt, khâu cứ từ đời bố truyền cho con, từ thế hệ này sang thế hệ khác, máy móc không thể thay thế được... Sản phẩm áo dài của làng Trạch Xá, các người thợ không dùng chỉ công nghiệp, mà dùng chính bằng sợi chỉ của tấm vải đó để khâu nên chất liệu đồng nhất. Do đó, áo dài Trạch Xá khác hẳn nơi khác, khi giặt, sản phẩm không bị co rút, tạo khối đồng nhất, mềm mại”, ông Đỗ Minh Tám (làng Trạch Xá) cho biết trên báo Giao Thông.
Biến biệt thự Pháp thành không gian Chăm Pa độc nhất Hà Nội
Công trình đặc biệt rộng 680m2 có tên Cồ Đàm mang phong cách kiến trúc Chăm Pa nằm trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trước kia, đây là căn biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp. Chủ nhân căn biệt thự đã chi 10 tỷ đồng biến nơi đây thành một không gian Chăm Pa độc nhất tại Hà Nội.
Đây là một không gian kiến trúc pha trộn giữa sự huyền bí của văn hóa Chăm Pa và sự yên tĩnh tuyệt đối của Phật Giáo. Điều đặc biệt, mọi chất liệu đất nung từ hoa văn cổ đến các bức phù điêu đều được những nghệ nhân đến từ Ninh Thuận làm, để đảm bảo giữ nguyên vẹn hơi thở của một nền văn hóa đặc trưng.
Những cây sanh cổ thụ, cực hiếm của đại gia Hà Nội
Gần đây, những giao dịch, chuyển nhượng cây sanh đắt giá thường là những cây sanh dáng trực - cây thể hiện tinh thần của người quân tử. Hai cây sanh dáng “Trực quân tử” của nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) được giới chơi cây đánh giá là cặp cây sanh dáng trực độc nhất vô nhị, có tiền chưa chắc đã mua được. Cặp cây có tuổi đời gần 200 năm và được tạo tác từ nhỏ. Hai cây có dáng tương đồng, thân vặn xoắn rất hiếm có.
Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ cũng là chủ nhân của tác phẩm sanh cổ cỡ đại gần 200 năm tuổi, dáng “Vạn thọ trường xuân”, thế siêu hoành nhìn rất hầm hố. Theo chủ nhân, cây có tuổi đời gần 200 năm, có nguồn gốc từ miền Bắc. Đây là dòng cây bonsai cỡ đại, cây cao khoảng 3m, đường kính bệ rễ gần 3m.
Giới chơi cây nhận xét, “vạn thọ trường xuân” hội tụ đủ 4 yếu tố cổ - kỳ - mỹ - văn. Trải qua năm tháng, cây nổi u cục cùng với sự tạo hóa của con người tạo nên một tác phẩm độc đáo. Giới chơi cây đánh giá, cây lớn mà già và gần như hoàn thiện như thế này phải có giá “triệu đô”.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)