Độc nhất Việt Nam: Tách sợi lá dứa bỏ đi dệt thành hàng thời trang
Nhìn lượng lá dứa rất lớn bị vứt bỏ, một chàng trai đã nghiên cứu cách tách lá dứa thành sợi làm nguyên liệu dệt may. Một thầy giáo lại biến những phiến đá granite gồ ghề thành những bức tranh độc đáo, sống động.
Biến lá dứa thành sợi để may hàng thời trang
Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM, với hi vọng nâng cao giá trị của cây dứa, giảm tải ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Hạnh (31 tuổi, ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã quyết định bỏ công việc thuyền trưởng tàu hàng với mức lương 30 triệu đồng/tháng để về quê trồng dứa (thơm, khóm) và mày mò học hỏi, chế tạo thành công máy tách lấy tơ sợi từ lá dứa.
“Máy gồm một hệ thống dao bên trong, giúp đánh vỡ lớp thịt, giữ lại lớp tơ dai của lá. Máy này có thể ép được 2-3 tấn lá dứa/ngày. Sau đó, tơ được ngâm vào giấm dứa, phơi khô, nối, se sợi... Nhiều đơn vị sản xuất túi xách, may các sản phẩm thời trang đã đặt hàng mua loại sợi này", anh Hạnh chia sẻ.
Tranh độc nhất vô nhị giá bạc triệu từ chất liệu không tưởng
Báo Dân Việt cho hay, vốn là người đam mê nghệ thuật nhưng ở với hội họa thầy giáo Nguyễn Hoàng Nam (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là người "ngoại đạo". Song với khả năng thiên bẩm, thầy Nam đã biến những phiến đá granite gồ ghề đã thành những bức tranh đá độc đáo, sống động.
Hiện thầy Nam đã có trên 150 bức tranh đá đủ thể loại: chân dung, phong cảnh, tranh chữ... Các bức tranh đá này mang đậm nét đẹp vùng quê Nam Bộ. Mỗi bức tranh đá có giá từ vài triệu, đến vài chục triệu đồng.
Lão nông Hà Nội nuôi loại cá tí hon trong chai phế liệu
Ông Trần Ngọc Thắng, (55 tuổi, trú phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội), có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá chọi. Điều đặc biệt, ông Thắng đã tận dụng hàng nghìn chai lọ phế liệu để nuôi cá.
“Khi bắt tay vào nuôi loại cá này, nhiều người nghĩ rằng tôi bị điên bởi hơn 100m2 đất ở giữa quận Ba Đình này, chỉ cần cho thuê cũng kiếm được tiền đủ nuôi cả gia đình, cần gì phải làm cho vất vả”, ông Thắng tâm sự trên Dân Việt
Ông Thắng có niềm đam mê cá cảnh từ nhỏ. Lớn lên, ông mua nhiều loại cá về nuôi. Thấy cá cảnh giống chủ yếu phải nhập từ miền Nam hoặc Thái Lan với giá đắt đỏ, ông bàn với vợ làm trang trại nuôi cá cảnh. Hàng loạt dòng cá bảy màu và cá chọi được ông Thắng nhân giống, cung cấp cho thị trường. Ông Thắng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ việc nuôi cá cảnh.
Bộ sưu tập tiền nhiều nhất Việt Nam của đại gia Sài Gòn
Từ nhỏ, nhìn thấy bố mình hàng ngày giữ gìn những đồng tiền xu cổ như Thái Bình Hưng Bảo, Đại Định, Hồng Đức,... anh Huỳnh Minh Hiệp (TP.HCM) đã có đam mê đặc biệt đối với việc sưu tầm tiền cổ.
Sau gần 30 năm sưu tầm, anh Hiệp sở hữu gần 20 loại tiền xu nguyên khối có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 19. Đây là bộ sưu tập tiền xu mang nhiều giá trị lịch sử và dấu ấn văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ. Anh Hiệp còn có hơn 10.000 đồng tiền xu cổ. Theo anh Hiệp, tiền xưa thường được chôn trong chum, vại trong thời gian dài nên thường dính vào nhau tạo thành khối lớn cứng như đá và thường có hình thù lạ. Ngoài tiền cổ, tiền xu, anh Hiệp còn sưu tầm cả những đồng tiền giấy. Đến nay, anh Hiệp có bộ sưu tập gồm các loại tiền xu của 218 quốc gia và bộ sưu tập tiền giấy của 222 quốc gia trên thế giới.
Năm 2005, anh Hiệp được xác lập kỷ lục là người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam. Theo báo Dân Việt, anh Hiệp còn sở hữu nhiều đồ vật quý giá trưng bày ở quán cà phê rộng hơn 1.000m2. Đây cũng là nơi nhận được kỷ lục “Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (giai đoạn trước năm 1975) với số lượng nhiều nhất”.
Bộ sưu tập tiền cổ quý hiếm của 9X Hà thành
Phùng Văn Hùng (Hùng Bá, SN 1990, sống tại Hà Nội) là cái tên khá nổi tiếng trên Tiktok bởi công việc định giá tiền cổ. Các đoạn clip định giá những tờ tiền độc lạ của 9X này thu hút hàng triệu lượt xem.
"Vua tiền tệ" chia sẻ trên Doanh Nghiệp và Tiếp Thị, anh bắt đầu sưu tầm tiền cổ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau 11 năm, anh có bộ sưu tập lên đến khoảng 1 triệu tờ, in hình vua Bảo Đại, linh vật các năm hay bộ tiền xu phong thủy cực độc đáo.
Hiện anh còn chuyển hướng kinh doanh, định giá các loại tiền đẹp, có số seri đẹp gây chú ý. Theo anh Hùng, việc định giá các tờ tiền cổ không có quy định nào cụ thể, song có thể dựa vào độ quý, hiếm, nguồn gốc hay tình trạng của chúng. Không ít người muốn mua lại một số tờ tiền quý hiếm mà anh đang sở hữu nhưng anh từ chối. Đồng tiền có số seri "khủng" và giá đắt nhất mà mình từng bán là tờ 100 USD, seri bát quý 8. Anh đã đổi tờ tiền này lấy 1 chiếc xe Honda SH.
Nhà thông minh từ rác thải có thể tháo ra, lắp lại như chơi lego
Báo Dân Việt cho hay, sau 22 năm nghiên cứu, ông Phan Trọng Hoàn (huyện Bến Lức, Long An) đã thiết kế thành công ngôi nhà được làm hoàn toàn từ vỏ trấu và rác thải nhựa, rộng 64m2. Sau hơn 7 năm đi vào sử dụng ngôi nhà này vẫn còn nguyên vẹn màu sơn, không bị thấm nước, xuống cấp.
Hiện ông Hoàn đã có 10 ngôi nhà làm từ rác thải nhựa, có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, có căn nhà nằm ngay ở vùng động đất nhưng vẫn đứng vững, không hề bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, nhà làm từ vỏ trấu và rác thải nhựa có thể tháo ra, di chuyển đến một vị trí khác để lắp ráp hoặc có thể tái chế lại. "Không cần cốt, không hồ vữa, không nền, ngôi nhà được lắp ghép theo các gờ được thiết kế sẵn và có thể tháo ra đưa đi đâu cũng được", ông Hoàn cho hay.
Sau khi ngôi nhà đầu tiên làm từ vỏ trấu và rác thải nhựa hoàn thiện vào năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho quy trình độc đáo này của ông Hoàn.
Loài sen lạ có thể "cõng" người trưởng thành ở Đồng Tháp
Sở hữu kiến trúc đơn giản, không bề thế nhưng chùa Phước Kiển vẫn thu hút đông đảo du khách tới tham quan nhờ vườn sen lạ có tán lá "khủng", "cõng" được cả người nặng 100kg.
Loài sen khổng lồ này là giống cây quý hiếm có nguồn gốc từ vùng Amazon, Nam Mỹ. Chúng xuất hiện trong ao chùa Phước Kiển từ năm 1992. Do hợp thổ nhưỡng nơi đây nên giống sen này phát triển rất tốt.
Lá sen to, dày. Đặc biệt, giống sen này có thể thay đổi kích thước lá đáng kinh ngạc tùy theo mùa nước. Vào mùa khô, lá sen chỉ khoảng 1-1.5m. Tới mùa nước nổi, lá ngập nước nên phát triển nhiều hơn, đường kính đạt 2,5m. Có những cây cá biệt, lá rộng tới 3m. Mép lá sen cao hơn mặt nước 3-5cm, hình dáng tựa như chiếc nón quai thao. Nhờ kích thước to lớn mà loài sen này có thể "cõng" được người trưởng thành có trọng lượng khoảng 70-80kg mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)