Đọc 'Phan Thiết ơi! Tôi nhớ' của Nguyễn Dũng: 'Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò'
Đọc các bài tùy bút, tản văn, bút ký của Nguyễn Dũng chất chứa đầy những hoài niệm một thời xa xưa về một vùng đất, một địa danh, một làng nghề… nơi ông sinh ra và lớn lên làm ta liên tưởng, chợt nhớ đến câu thơ nổi tiếng trong bài thơ 'Sông Lấp' của thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương):
“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Đó là cái giật mình “tiếc nhớ” vẻ đẹp quê hương với dòng sông, vùng đất, con người, sinh hoạt và phong tục tập quán từng gắn bó bao đời mà gần đây đã biến mất, hoặc dần dần mai một tự lúc nào mà Nguyễn Dũng và chúng ta đối mặt hàng ngày nhưng chẳng hay. Đến khi giật mình nhìn lại thì tiếc nhớ, sợ phôi pha theo năm tháng, tác giả đã cẩn trọng góp nhặt, lưu giữ “hồn quê” theo cách riêng của mình qua các trang viết.
Năm nay Nguyễn Dũng sang tuổi 70 nhưng ông vẫn say sưa viết bài cho Tạp chí Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận - nơi ông là hội viên và Báo Bình Thuận - nơi ông là cộng tác viên. Ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” ông siêng đi và viết, lưu trữ, chỉnh sửa bản thảo để rồi hồ hởi giới thiệu với bạn bè văn chương tập sách đầu tay của mình chỉ sau mấy năm làm bạn với “trường văn, trận bút”. Thượng tuần tháng 3, năm Nhâm Dần (tháng 4/2022) tác phẩm văn xuôi “Phan Thiết ơi! Tôi nhớ” được phát hành đến độc giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép. Tập sách gần 200 trang với 35 bài tùy bút, tản văn, bút ký, trong đó có nhiều bài về “quê hương - đất nước - con người” đã được đăng trên Tạp chí Văn học - nghệ thuật hoặc Báo Bình Thuận số cuối tuần.
Tôi đồng cảm với nhận xét của nhà văn Lương Minh Vũ khi viết lời tựa cho cuốn “Phan Thiết ơi! Tôi nhớ”: “Giản dị và tinh tế. Mộc mạc và sâu lắng… Gọi nó là tản văn, tùy bút, phiếm luận hay hồi ký? Có vẻ, tác giả cũng không băn khoăn về thể loại. Có một thứ tình cảm nhẹ nhàng nhưng sâu đậm lãng đãng trong anh, ngày càng lắng đọng. Càng da diết hơn khi người ta có tuổi. Đến một lúc nào đó, bỗng nhu cầu muốn bày tỏ, chia sẻ. Muốn viết ra. Và anh đã viết”.
Cổ nhân có nói “Văn là người”. Đại văn hào Maxim Gorki cũng nói : “Văn học là nhân học”. Viết văn, đọc văn là để nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống và con người. Mỗi người khi chấp nhận con đường về nghiệp văn tức là đã chấp nhận sống đúng và hiểu đúng hơn về con người. “Văn là người”, “người sao văn vậy” và điều này rất đúng với Nguyễn Dũng.
Tôi quen và chơi với ông gần chục năm nay, không biết bao nhiêu lần “trà tam, tửu tứ” với Nguyễn Dũng. Sống khá trầm lắng, điềm đạm, ít nói, nhiều bữa ngồi với nhiều anh em hàn huyên, rượu vào lời ra nhưng Nguyễn Dũng chỉ ngồi nghe là chính. Phải chăng ông áp dụng “nói là gieo, nghe là gặt”. Tuy nhiên, có những lúc cao trào của buổi tiệc, theo đề nghị của anh em, Nguyễn Dũng lại hùng hồn ngâm “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng, hoặc sang sảng đọc “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác. Theo tôi, Nguyễn Dũng là người của “muôn năm cũ” và văn của ông cũng vậy, cũng “cổ điển” như người.
Đọc các bài viết của Nguyễn Dũng bỗng nhớ nhà văn Sơn Nam. Có lẽ Nguyễn Dũng yêu thích và tự lúc nào đã cuốn theo “trường phái” Sơn Nam ở văn phong và sự lựa chọn đề tài. Suốt đời theo nghiệp viết, Sơn Nam chỉ đeo đuổi một đề tài: Tìm hiểu, khảo cứu và ghi chép lại ký ức khẩn hoang của người miền Nam, để qua đó tìm ra giá trị văn hóa cốt lõi con người và vùng đất phương Nam. Điều này đã làm nên giá trị rất đặc biệt ở nhà văn Sơn Nam.
Với văn phong đơn giản, mộc mạc, đề tài thân quen, gần gũi để lưu giữ lại một chút “hồn quê” qua những trang viết - Nguyễn Dũng không chủ quan dựa vào trí nhớ của mình mà ông đã lặn lội “điền dã” về lại vùng đất cũ, gặp lại người xưa, để mắt thấy, tai nghe, tay ghi chép. Cách làm việc của ông cũng khá gần với phương pháp của các “Nhà Folklore học” trong nghiên cứu văn hóa dân gian nên nhiều bài viết của Nguyễn Dũng là nguồn tư liệu phong phú, sẽ bổ ích cho ai đam mê khảo cứu. Đó là những bài viết về địa danh, vùng đất, làng nghề như: “Phan Thiết ơi! Tôi nhớ”, “Bến Cồn Chà”, “Bên nay bờ sông Cái”, “Xóm Lò tĩn”, “Xóm Động giá”, “Ký ức dòng sông”, “Chợ cũ hồn quê”, “Đời muối”, “Ngồi đìa”, “Xe bò nước quê mình”, “Rơm rạ một thời”…
Riêng các bài viết tưởng chừng đơn giản, giới thiệu về những món không phải “sơn hào - hải vị” mà là món ăn dân dã quê nhà như: “Chả cá Phan Thiết”, “Nhớ mùa lòng tong”, “Đâu rồi Phan Thiết bánh canh”, “Phan Thiết, ai về ăn gỏi cá mai”, “Mùa cá chốt đồng”, “Thương hoài nục mọng ve châm”, “Khô cá biển cù lao Thu”, “Hương xuân”… Những món ăn, những sản vật quê nhà đâu xa lạ gì với ai nhưng cũng đâu phải ai ai cũng biết, cũng rành về nó. Tất cả được ông miêu tả tỉ mỉ, từ cách thu hoạch sản vật, cách chế biến, lý giải nguồn gốc món ăn, xuất xứ của nó… Ông đã thổi hồn vào nó, và cũng chính nó - những món ẩm thực dân dã nhà quê này đã hút hồn ông, hút luôn cả một đời người!
Xin trích lời ngỏ của chính tác giả để kết thúc bài viết này: “Một đời người luôn có nhiều nỗi nhớ, trong đó nỗi nhớ quê luôn tha thiết đậm đà. Nó mãi mãi còn trong ký ức và trong một thoáng xúc động trào dâng, hình bóng quê nhà sẽ hiện lên rạng rỡ. Theo dòng thời gian có cái sẽ mất đi, có cái sẽ pha trộn, nhưng cái hồn cốt linh thiêng của đất và người Phan Thiết trong tôi mãi vẫn còn… Tập sách sẽ không chuyển tải những tư tưởng nào sâu xa mà chỉ khắc họa lại những hình ảnh xa xưa một thời của Phan Thiết, cùng những kỷ niệm ngọt ngào của một thời vụng dại mà tôi còn nhớ. Mạch sống luôn tiếp diễn, nhưng kỷ niệm dù ngọt ngào hay cay đắng, đời người không thể nào quên”.
“Phan Thiết ơi! Tôi nhớ” là một cuốn sách bổ ích, nên có ở thư viện các trường học trong tỉnh.