Đọc sách online, xu thế thời nay
Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội trong thời gian qua khiến không ít người lo ngại những tác động xấu tới việc xây dựng thói quen đọc sách ở người trẻ tuổi. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, công nghệ với những tiện ích mà nó mang lại đã và đang góp phần tích vực vào phát triển và lan tỏa văn hóa đọc.
Coi sách như là một món ăn tinh thần không thể thiếu, chị Nguyễn Thị Loan, giáo viên tại huyện Vĩnh Tường đã duy trì thói quen đọc sách từ những ngày còn học phổ thông. Thế nhưng, những năm gần đây, cùng với áp lực công việc, gia đình, con cái, quỹ thời gian của chị bị thu hẹp, không còn thời gian đi thư viện, "lang thang" các hiệu sách để tìm cho mình những cuốn sách hay, hay vùi đầu hàng giờ trước một cuốn tiểu thuyết.
Nhưng không vì vậy mà tình yêu đối với sách, cũng như thói quen đọc sách mỗi ngày của chị bị mai một. Chị Loan chia sẻ: “Mặc dù quỹ thời gian hạn hẹp, song bây giờ công nghệ hiện đại, chỉ với một chiếc smartphone có kết nối internet là tôi có thể vào được rất nhiều trang sách online như: Wattpad, sachtot.vn, komo.vn… bất cứ khi nào và bất cứ đâu để tìm đọc những cuốn sách hay.
Nhất là, sau cả một ngày đi làm về mệt mỏi, không muốn phải nhìn màn hình điện thoại, tôi vẫn có thể được thỏa niềm yêu thích với những tác phẩm đã được chuyển thể thành sách nói trên Youtube”.
Với những người như chị Loan, công nghệ không làm mai một văn hóa đọc, mà còn đưa lại cho những người yêu sách thêm nhiều lựa chọn với những kho sách điện tử (ebook), những trang sách online, thậm chí là cả sách nói (audio book).
Mặc dù vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đọc sách điện tử không có sự tập trung cao khi bị làm phiền bởi các thông báo, tin nhắn, email… hay việc phải căng mắt đọc sách trên điện thoại sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị lực, song, không thể phủ nhận việc đọc sách online ngày càng được độc giả ưa chuộng, đặc biệt là với thế hệ trẻ bởi tính cơ động, sự tiện dụng
Chỉ với một chiếc smartphone, máy tính bảng, bạn đọc có thể mang theo cả một kho sách khổng lồ bên mình mà không cần không cần phải lo lắng với việc làm sao để mang một cuốn sách dày tới hàng nghìn trang mỗi khi ra khỏi nhà như khi đọc sách giấy.
Và một điểm hấp dẫn không kém mà sách giấy khó có thể mang đến cơ hội được tương tác với chính tác giả và những người có cùng sở thích ngay dưới mỗi tác phẩm.
Chưa kể, khoản phí bỏ ra để mua sách điện tử ít hơn khá nhiều so với sách giấy, thậm chí, tại nhiều trang web, ứng dụng đọc sách, người đọc hoàn toàn có thể tiếp cận với một lượng lớn sách mà không phải trả phí.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của độc giả về tiếp cận thông tin, tài liệu số, từ năm 2014, Thư viện tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng thư viện điện tử. Mở đầu là việc hiện số hóa những tài liệu tại kho sách Địa chí.
Từ đó đến nay, thư viện đã số hóa được gần 1000 cuốn sách, tương đương 45 nghìn trang thuộc tài liệu quý hiếm như hương ước, thần tích thần sắc, tài liệu tiếng Pháp và một số sách hay về Vĩnh Phúc.
Được biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hoạt động phục vụ bạn đọc trực tiếp ở Thư viện tỉnh không được xuyên suốt. Để thực hiện phòng, chống dịch, nhiều thời điểm, thư viện phải tạm dừng hoạt động.
Dù vậy, nhờ kho sách số hóa, bạn đọc vẫn có thể tiếp cận được với các tài liệu của thư viện một cách thuận lợi. Trung bình website của thư viện (thuvien.vinhphuc.gov.vn) thu hút khoảng 15 nghìn lượt truy cập mỗi tuần.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Nhằm duy trì, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động giới thiệu sách lên website, thư viện vẫn duy trì tốt các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 21/4; tổ chức vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Hội Báo Xuân hàng năm….
Đặc biệt, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, việc chuyển đổi số của ngành thư viện sẽ được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện.
Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72411/doc-sach-online-xu-the-thoi-nay.html