Đọc sách và tự học tạo nên lợi thế cho mỗi cá nhân
Đọc sách được coi là một phương pháp tự học hiệu quả. Nhờ có những tri thức thu nạp qua sách vở, mỗi người sẽ tạo ra được những giá trị đặc trưng cho cá nhân.
Fukuzawa Yukichi là một nhà tư tưởng tiên phong trong cuộc cách mạng Minh Trị của Nhật Bản. Nhắc tới ông, người ta nhớ ngay tới Khuyến học, một tác phẩm nổi tiếng về tư tưởng và văn hóa. Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi cho rằng để thúc đẩy sự phát triển của một đất nước, cần nâng cao dân trí. Muốn làm được điều này, phải tạo ra một xã hội cởi mở, khuyến khích mỗi cá nhân nâng cao tinh thần tự học.
Hơn 150 năm qua, tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị. Trong buổi tọa đàm “Khuyến học trong tinh thần khuyến đọc hiện nay”, được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/4, các diễn giả đã bàn về tầm quan trọng của việc đọc và tiếp cận các tác phẩm kinh điển về văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật đối với các bạn trẻ.
Phát triển văn hóa đọc để nâng cao dân trí
Trong buổi tọa đàm, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó viện trưởng Viện Văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết Khuyến học không chỉ là một tác phẩm có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử và tư tưởng, mà nó còn là một hiện tượng xuất bản thời bấy giờ. Được viết vào năm 1872, tới những năm 1880, cuốn sách này đã bán được hơn 700.000 bản, trung bình cứ 160 người Nhật, sẽ có một người đọc cuốn sách này.
Ở thời điểm đó, Khuyến học đã được coi là “cuốn sách quốc dân” của người Nhật, người dân thuộc nhiều tầng lớp, không phân biệt sang hèn, đều đọc nó. Tác phẩm này đã mang tới cho người dân xứ sở hoa anh đào một cái nhìn mới mẻ, toàn diện và bao quát về sự văn minh, tiến bộ của người phương Tây. Từ đó, dân chúng dần hiểu được lý do mà Thiên hoàng quyết định cải cách và học hỏi những tiến bộ của nước ngoài.
Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX người Nhật bắt đầu lo lắng trước sự xuất hiện của các nước phương Tây. Dù không bị xâm lược, nhưng người Nhật luôn lo lắng về việc lãnh thổ của họ có thể bị người phương Tây xâm phạm. Để bảo vệ đất nước, người Nhật quyết định xóa bỏ tư tưởng “bế quan tỏa cảng”, học hỏi những ưu điểm của người phương Tây và tiến hành cải cách.
Đọc sách để học tập một cách tự do
Theo TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên Khoa Viết văn- Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, trong cuốn sách này, tác giả Fukuzawa Yukichi đã chỉ ra được ba ưu điểm, tạo nên sự khác biệt giữa người phương Tây so với người Nhật, đó là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chủ nghĩa cá nhân và thái độ hoài nghi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Trong quá trình tự học, việc hoài nghi những tri thức mà mình tiếp cận xem chúng đúng hay sai, từ đó tìm tòi và nghiên cứu thêm từ các nguồn tư liệu khác là rất quan trọng. Nếu không có sự hoài nghi, chỉ chấp nhận những cái có sẵn, chúng ta sẽ không phát hiện ra được những điều mới mẻ.
Việc tự học đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình mở mang tri thức và tư duy của mỗi người. Nếu muốn tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó, hãy tìm đọc các cuốn sách liên quan đến nó.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Ngọc Lâm, Khoa Xuất bản - Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng việc tự học sẽ giúp mỗi cá nhân tạo ra sự khác biệt. Giáo trình và bài giảng của các giảng viên sẽ áp dụng cho hàng nghìn sinh viên, mang tới cho các bạn lượng kiến thức và sự hiểu biết giống nhau.
Bởi vậy, muốn có được sự khác biệt, độc đáo trong tư duy,các bạn sinh viên cần tự học, tự đọc và tự tìm tòi khám phá tri thức. Chính sự khác biệt này sẽ tạo ra lợi thế cho các bạn trẻ trong quá trình tuyển dụng, tìm việc làm trong tương lai.
Đọc sách cũng là một quá trình khai phá bản thân, để tìm xem mình thích gì và muốn làm gì trong tương lai. Khi tiếp cận với một vấn đề mới mẻ, các bạn có thể thấy rất lạ lẫm, nhưng khi đọc nhiều tài liệu liên quan đến nó, nhiều người phát hiện ra mình thích lĩnh vực này và bắt đầu tìm đọc sâu hơn.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian tham gia các khóa học liên quan đến vấn đề mình quan tâm, đọc sách là một phương pháp tự học thuận tiện, khi mà người học có thể tự sắp xếp thời gian.
Theo các diễn giả, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản như hiện nay, độc giả dễ dàng tiếp cận với nhiều đầu sách hay, về các lĩnh vực khác nhau, từ đó nâng cao khả năng tự học, tự tìm tòi và nghiên cứu.
Ngày nay, độc giả trẻ rất hào hứng với dòng sách kỹ năng, cho rằng nó là chìa khóa để nâng cao sự tự tin và khả năng tương tác xã hội. Ngoài sách kỹ năng, các bạn trẻ nên tìm đọc thêm các sách liên quan đến ngành nghề mà mình học, vấn đề mình đang quan tâm, từ đó làm dày thêm vốn tri thức của cá nhân.
Theo bà Trần Hoài Phương, đại diện của Công ty cổ phần Sách Omega, thói quen đọc sách nên được hình thành từ tuổi mẫu giáo. Mỗi gia đình nên có một tủ sách đa dạng về thể loại, phù hợp với các thành viên. Cha mẹ nên đọc sách cùng con hàng ngày, ngoài việc đọc sách cho con nghe, các bậc phụ huynh nên cùng con thảo luận về nội dung cuốn sách để rèn cho con trẻ tư duy phản biện và tình yêu đối việc đọc sách.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doc-sach-va-tu-hoc-tao-nen-loi-the-cho-moi-ca-nhan-post1423552.html