Đọc sách 'Văn minh vật chất của người Việt'

Không kể buổi ra mắt lần đầu năm 2011 tại Yết Kiêu, ít năm sau, tôi tình cờ thấy lại công trình 'Văn minh vật chất của người Việt' (nhà xuất bản Tri thức) được đặt tại nơi nghỉ dưỡng của Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình. Đó là nơi tác giả, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thường lui về nghiên cứu. Ấn tượng về cuốn sách vẫn luôn đặc biệt - nhẹ nhàng, sâu sắc như cách trò chuyện thường thấy của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Cuốn sách“Văn minh vật chất của người Việt” rất dày, hơn 600 trang, được tái hiện dưới dạng những câu chuyện kể thủng thẳng, rủ rỉ, nằm trong 5 phần nội dung và 1 phần kết. Những chương ấy cũng đi từ khái quát tới cụ thể và từ những cụ thể lại đúc kết những điều về văn minh người Việt qua sáng tạo vật chất thường ngày.

Vậy nên, không bất ngờ khi “Văn minh vật chất của người Việt” bản in của nhà xuất bản Thế giới và ZenBooks năm 2018 vừa giành được giải B Giải thưởng sách quốc gia 2021.

Cuốn sách rất dày, hơn 600 trang, được tái hiện dưới dạng những câu chuyện kể thủng thẳng, rủ rỉ, nằm trong 5 phần nội dung và 1 phần kết. Những chương ấy cũng đi từ khái quát tới cụ thể và từ những cụ thể lại đúc kết những điều về văn minh người Việt qua sáng tạo vật chất thường ngày.

Quả là thường ngày, thân thuộc đến nỗi dễ bị quên lãng, xem thường như chuyện ăn uống, đi lại, lao động sản xuất, ma chay, nghệ thuật…

Vậy nên, bạn đọc có thể đọc từ bất kỳ một chương nào đó mình quan tâm, chẳng hạn: Chương 2: “Từ bàn tay đến công cụ” với chuyện đồ gia dụng mây tre đan, đồ gỗ, đồ gốm và đồ kim khí…

Hay chương 3: “Cơm tẻ là mẹ ruột” để biết đồ vật đã kể câu chuyện bữa cơm hằng ngày của ông cha ta ra sao.

Chương 4: “Sống dầu đèn, chết kèn trống” mang đến những hiểu biết đời sống tinh thần, tâm linh người Việt qua đồ thờ tự, qua giấy bút sách vở, đồ trang sức…

Không chỉ là y phục, lời ăn tiếng nói, những truyện thơ Nôm thuộc làu, công cụ lao động sử dụng, hành vi ứng xử… những người bà của tôi có tất cả những cái mà có thể gọi là văn minh Việt Nam

Như bày tỏ của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì động lực và những dẫn dắt ông thực hiện công trình đồ sộ này, thật là giản dị: “Thuở nhỏ khi sống ở Hà Tây, tôi thường ngắm nhìn những bà cụ bận váy sồi vuông, thắt bao ruột tượng xanh, yếm trắng và khoác bên ngoài áo cánh, đầu đội nón thúng, hông giắt xà tích, mà thấy rất ấn tượng.

Các bà cụ ấy như một bảo tàng nhân học và văn hóa di động, mà mãi sau này tôi mới cảm thức được.

Không chỉ là y phục, lời ăn tiếng nói, những truyện thơ Nôm thuộc làu, công cụ lao động sử dụng, hành vi ứng xử… những người bà của tôi có tất cả những cái mà có thể gọi là văn minh Việt Nam.”

Sự thú vị trong cái bình thường

Nói về điều bình thường hẳn luôn là khó, vì ai cũng nghĩ biết cả rồi.

Nhưng dưới con mắt của nhà nghiên cứu, với tất cả sự trân trọng văn hóa và con người (những con người bình thường vốn vắng bóng trong lịch sử)-công trình này mở ra những chuyện sinh động về đời sống người Việt ta suốt dặm dài từ tiền sơ sử đến trước thế kỷ XIX.

“Tại sao người Việt ăn xong hay ngậm một chiếc tăm, tại sao trong hoàng cung đồ sộ lại không có lấy một cái phòng vệ sinh… đấy là cả những câu chuyện thú vị”. Một ngày bình thường của các tầng lớp sĩ-nông-công–thương ra sao, điều gì được tiếp nối, điều gì đã vắng bóng và điều gì là du nhập?

Đến nay, ngoài việc những nông cụ biến mất trong đời sống, đi dần vào bảo tàng thì việc hình dung về sinh hoạt gắn với nông cụ đó càng khó khăn hơn. “Văn minh vật chất của người Việt” lưu giữ những điều ấy – những lao động hết sức bình thường nhưng là chất liệu quan trọng cho tiếp cận văn hóa, lịch sử.

Việc cán mía, nấu mật chi tiết như thế này: “nông dân lắp máy cán mía bằng 2 quả lô gỗ, 1 con trâu, hoặc đôi trâu sẽ được mắc vào xà gắn với trục quay lô, khi trâu đi vòng tròn, 2 quả lô sẽ ép nước mía chảy vào nồi đựng. 2 chảo gang lớn được đặt gần đó để đun nước mía thành mật. Người ta đặt vào giữa chảo 1 cái lồng tre thủng 2 đầu, nước mía có sôi cũng chỉ trào lên miệng lồng tre rồi lại chảy xuống chảo…”.

Rồi đến tục lệ cho trẻ con ăn 1 bát mật nóng hổi đầu tiên…, chuyện chế thành đường cát, đường phèn, kẹo. Khi dùng mật trong xây dựng, người ta thường đái vào đó một bãi để thợ khỏi ăn vụng… Những chi tiết dân gian không thể sống động hơn.

Cũng như vậy, kể chuyện chiếc bánh xe, chiếc cối đá làm ra bao thức quà bánh ngon của người Việt..., Phan Cẩm Thượng khái quát thành cảm thức về vận động tròn mang đến cho người đọc những liên tưởng rộng, hấp dẫn.

Thiết nghĩ, nhiều đồ vật bình dị được tái hiện từ tên gọi đến mô tả công năng thực sự có ý nghĩa với các bạn sinh viên, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật. Như giỏ, nơm, trúm, đánh lớn, ngõ bàu, nong, nia, sàng, cào… không phải ai cũng phân biệt được tường tận, nhất là với người trẻ.

Bên cạnh những câu chuyện, cuốn sách có hàng trăm hình vẽ, ảnh minh họa giúp người đọc dễ hình dung. Đặc biệt là hình ảnh về nhiều hiện vật đang nằm tại bảo tàng không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận. Ngắm ảnh chú cò gỗ trên khung dệt của người Mường thấy cả đời sống tinh thần trong lao động sản xuất của đồng bào–một đời sống đầy mỹ cảm.

Một lịch sử của sáng tạo

Nhiều nhà văn hóa, nhà phê bình cho rằng công trình này của Phan Cẩm Thượng đã chọn lối tiếp cận trước nay chưa thấy ở Việt Nam.

Cùng với đó là một niên biểu công phu ở phụ lục 1 trải suốt chiều dài lịch sử về văn minh vật chất của người Việt. Như vậy, có thể hiểu, bằng cách để đồ vật lên tiếng, tác giả xâu chuỗi một lịch sử sáng tạo của dân tộc ta theo cách rất cụ thể.

Qua chuyện vì kèo trong kiến trúc gỗ Việt Nam, nhà nghiên cứu chia sẻ: “Tư tưởng cấu trúc phát triển rất mạnh mẽ trong mọi khoa chế tác đồ dùng Việt cổ, nó phô bày vẻ đẹp tự thân của đồ vật không cần trang trí…”.

Rồi loại gạch vồ hút ẩm tốt để lát sân thì “dường như là một bí quyết, rất dầy, không bị mốc trong mưa nắng, để hàng ngàn năm không suy suyển”.

Người dân tham quan các công trình tôn giáo vẫn thấy khu hậu cung và thượng điện thường rất tối. Phan Cẩm Thượng lý giải, nơi này vốn bày nhiều đồ thờ và tượng sơn son thếp vàng sẽ phản quang mạnh, tạo một thứ ánh sáng vàng son rực rỡ. Đồng thời, bóng tối và không khí hơi ẩm có tác dụng bảo quản tốt đồ gỗ phủ sơn truyền thống.

“Đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng vậy, gồm nhiều cổng trụ, tường ngăn, sân rộng, đường sâu, nhà bia rỗng, rồi mới vào điện thờ trong cùng gây một cảm giác rất sâu xa, hư tĩnh, không có thực thể. Cách thức này được mọi loại hình kiến trúc cổ sử dụng, tức là tạo các không gian bỏ ngỏ, không nhằm mục đích gì rõ rệt, tạo một không khí linh thiêng…”.

Một cách tự nhiên, công trình còn trải rộng với câu chuyện sáng tạo vật chất ở nhiều dân tộc anh em, một cách tiếp cận mà các nhà dân tộc học chú trọng. Nghĩa là một bức tranh phong phú và đa sắc hơn về văn minh vật chất người Việt không chỉ nhìn từ đồng bằng, mà còn từ núi.

Nhấn mạnh “mức độ nhân văn” (chứ không phải yếu tố kỹ thuật trong tam giác vật chất-kỹ thuật-văn minh), Phan Cẩm Thượng khẳng định “sáng tạo vật chất của người Việt hoàn toàn có thể tạo ra nền văn minh cho người Việt”.

Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới tiêu chí những thành phố sáng tạo, thành phố đáng sống trên thế giới - nơi khoa học kỹ thuật chỉ là một yếu tố để phục vụ mục tiêu cao nhất là vì con người.

Tổ tiên dạy tôi cách đọc một đồ vật mà nhìn ra cuộc sống của người sử dụng nó. Bạn đọc cũng sẽ có cách nhìn và hiểu riêng của mình, nếu có thể thì cùng nhau gìn giữ những gì dân tộc đã trải qua.

Nhìn lại lịch sử sáng tạo vật chất trong đời sống hằng ngày của người Việt, nhà nghiên cứu suy tư: “Càng vào thời hiện đại, người ta càng lười suy nghĩ hơn về đồ vật (hay vật chất nói chung), đồ gì cũng được, ai sản xuất cũng được, miễn là tốt và giá rẻ… Dấu ấn dân tộc còn rất ít giá trị, và do đó tinh thần dân tộc trong một đồ vật cũng còn rất ít giá trị”.

Dấu ấn dân tộc-điều này thực sự quan trọng. Trên tất cả những sáng tạo vật chất ấy lưu dấu hành trình vạn dặm của người Việt để thích nghi, phát triển, để không chỉ tồn tại mà còn vươn tới một đời sống sâu sắc về tinh thần.

Vài nét khái quát, còn sự nhẩn nha để thấu hiểu hành trình ấy thuộc về bạn đọc.

Và như Phan Cẩm Thượng mong mỏi thì: “Tổ tiên dạy tôi cách đọc một đồ vật mà nhìn ra cuộc sống của người sử dụng nó. Bạn đọc cũng sẽ có cách nhìn và hiểu riêng của mình, nếu có thể thì cùng nhau gìn giữ những gì dân tộc đã trải qua”.

CAO GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-sach-van-minh-vat-chat-cua-nguoi-viet-post718868.html