Đọc tập thơ hay: Giọt sương bên cửa sổ của nhà thơ Nguyễn Văn Á
Tập thơ Giọt sương bên của sổ được Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành quý I năm 2025. Tập thơ bao gồm 72 bài, được chia làm ba phần: Phần 1 - Giọt sương bên cửa sổ, phần này bao gồm 26 bài thơ; Phần 2 - Khúc giao mùa, phần 2 bao gồm 28 bài thơ; Phần 3 - Hoài niệm, phần này bao gồm 18 bài thơ.

Tập thơ Giọt sương bên cửa sổ
Tập thơ Giọt sương bên của sổ được Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành quý I năm 2025. Tập thơ bao gồm 72 bài, được chia làm ba phần: Phần 1 - Giọt sương bên cửa sổ, phần này bao gồm 26 bài thơ; Phần 2 - Khúc giao mùa, phần 2 bao gồm 28 bài thơ; Phần 3 - Hoài niệm, phần này bao gồm 18 bài thơ.
Thơ Nguyễn Văn Á là hành - trình - đi, hành - trình - sống, hành - trình - viết và tất cả như gói trong trong một chữ “đi”. Trong đó, hành - trình - đi là quan trọng hơn cả. Đó là một quá trình chuyển động, tiếp nối không ngừng không nghỉ. Và trong hành - trình - đi, trải nghiệm của ông cứ dày lên mãi.
Trong hành trình ấy, những dấu ấn của tình yêu bắt đầu tái hiện. “Cả năm tháng bước chân lỗi hẹn/ Cứ phập phòng tuổi bắt đầu yêu”, “Thôi đành mang trên vai Bông hoa màu mực ấy/ Qua bao nhiêu tháng ngày/ Gọi tình yêu thức dậy”/ “Đi đánh giặc mất, còn nào ai biết/ Còn yêu nhau còn hát “Đợi anh về” - đó là những câu thơ dễ rung động lòng người, đi vào lòng người nhưng cũng đầy băn khoăn, ngẫm ngợi thuở đất nước còn chiến tranh, những lứa đôi còn cách xa nhau đằng đẵng được trích ra từ “Tuổi bắt đầu yêu”, “Có một lần em ơi” và “Tuổi chúng mình”. Trong những bài thơ viết về tình yêu hoặc có liên quan đến tình yêu, “Dại khờ” là một tứ thơ lạ, như để chỉ ra bản chất đích thực của tình yêu: “Cùng tháng năm da diết/ Yêu em trong dại khờ”.
Trong hành trình này, dấu ấn đời lính và dấu ấn những năm chiến trận, cũng được tái hiện. Ngày ấy, đối với lính, những ngày nghỉ phép thật đáng quý, đến nỗi: “Phút gần nhau như món hàng xa xỉ”, nhưng “Phép hết rồi, Tổ quốc gọi anh đi” (“Vợ lính”). Đó là một hiện thực và một tâm thể có thật. Đó cũng là tình yêu và trách nhiệm của một người lính thời chiến, trong lòng lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm: “Tổ quốc trên hết”.

Nhà thơ Nguyễn Văn Á (bên trái) nhận hoa chúc mừng của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong buổi lễ ra mắt sách
Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, phần 3 “Hoài niệm” cho thấy, tác giả không quên cội nguồn cùng với những người thân yêu ruột thịt của mình. Với tác giả, nói như nhà thơ lớn người Đức B. Brecht thì “Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình”. “Có một miền Trung bão lụt trong tôi" cũng như có một miền Trung bão lụt trong lòng Nguyễn Văn Á luôn “có tiếng trẻ gào trong đêm mưa giông”, đến nỗi “súc vật gia cầm chẳng còn nơi trú ngụ/ cứ vật vờ biết phiêu dạt về đâu”, đến nỗi “Chiếc quan tài treo giữa nhà cổ quạnh” và nhiều thứ khác nữa “Sẽ suốt đời ám ảnh cuộc đời con”, sẽ ám ảnh suốt cuộc đời Nguyễn Văn Á. Và nỗi no đói ăn ngày giáp hạt cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi đến mức: “Lầm tiếng ếch tháng ba/ Gào cho cây lúa chóng ra làm đòng”.
Trong phần “Hoài niệm”, tác giả khắc họa nhiều nhân vật trong gia đình mình: “Cha tôi”, “Mẹ tôi”, “Anh cả”, “Anh hai”, “Em tôi”... rất chân thực và cảm động. Đây là hai dòng thơ viết về người anh cả là thương binh rất đúng và rất trúng: “Anh tự hát bài ca ngày ra trận/ Đo cuộc đời bằng bước thấp bước cao”. Còn đây là một vài nét chấm phá tự họa của người cha của chính tác giả và chính tác giả đầy thương cảm: “Thương biết mấy những tháng năm lầm lũi/ Cha một mình cảnh vợ góa, con côi/ Hai bảy năm tôi khoác màu áo trận/ Ba chiến trường làm nước mắt cha rơi”. Tác giả cũng không quên thân phận xấu số của một người em mình với nỗi ngậm ngùi khôn tả: “Anh xin khắc bài thơ buồn lên mộ/ Ru hồn em phiêu lãng ở niết bàn/ Cho anh thắp nén hương lòng cháy đỏ/ Khóc một thời mang phận trẻ mồ côi”.
Với tập thơ này, người đọc thấy tác giả sống qua những ngày gian khó nhất của đất nước, có ý thức làm thơ và phải bao nhiêu năm, mới gom lại xuất bản một tập thơ đầu tay - đó là bản lĩnh đời - bản lĩnh thơ, làm nên từ nước mắt và máu đáng nể và đáng kể của Nguyễn Văn Á.
Nhà thơ Nguyễn Văn Á, sinh năm 1952, bút danh: Khánh Văn. Quê quán: Văn Giang, Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Giải thưởng:
Giải khuyến khích (không có giải Nhất) Cuộc thi truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 - 1990 - Tác phẩm “Về quê ngoại”.
Giải khuyến khích Cuộc thi viết “Sâu nặng nghĩa tình” - Tác phẩm “Quảng Trị và nghĩa tình đồng đội” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Báo Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2017.
Giải tư Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” - Tác phẩm “Bà Chung nhân ái” do Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh và báo Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2019. Giải ba Giải thưởng Văn học về đề tài “Hậu chiến tranh” - Tác phẩm chùm bút ký “Đi tìm hài cốt liệt sĩ”, “Trận mở màn chiến dịch năm 1972, “Trận đánh trên cánh đồng Phương Ngạn” do Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh Minh Chuyên và Ban vận động sáng tác Văn học thiện nguyện về đề tài Hậu chiến tranh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2020 - 2025.
Giải B Giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” - Tác phẩm “Nước mắt da cam” do Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và Tạp chí Da cam tổ chức năm 2021.