Đọc thơ Lê Tuấn Lộc – nghe tiếng hát từ Phan Xi Păng!
Chúc mừng nhà thơ Lê Tuấn Lộc với tập thơ mới. Một tấm gương về sự lao động và nỗ lực sáng tác của ông và Chi hội Văn học Công nhân. Chúc ông giàu sức sáng tạo mỗi ngày và thêm 'chân cứng đá mềm' để tiếp bước trên con đường thi ca đầy quyến dụ và gập ghềnh phía trước.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi được cầm trên tay tập thơ của Lê Tuấn Lộc, rằng đây là một tập thơ rất đẹp, dày dặn và sang trọng, dược chọn lọc khá công phu. Tôi thích cái tên của tập sách này. Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn ở nước ta. Đó chính là Sapa quê hương tuổi thơ của tôi ở tít miền biên viễn Lào Cai. Có lẽ vì thế mà tôi dễ đồng cảm và yêu thích tập thơ nhiều hơn. Hát từ Phan Xi Păng, một tập thơ mang đậm chất núi rừng miền Tây Bắc và những miền núi cao trên khắp đất nước Việt Nam. Đã có nhiều bài viết của các nhà thơ tên tuổi về thơ Lê Tuấn Lộc đã đăng trên các báo. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn cảm nhận riêng về chất men say của núi rừng Tây Bắc trong thơ ông và vẻ đẹp miền biên viễn Lào Cai quê hương tôi.
Nhắc tới Phan Xi Păng, là tôi nghĩ ngay đến vẻ đẹp của miền sơn cước, miền thiên nhiên hoang sơ và lộng lẫy. Phan Xi pang, ngọn núi cao vút, biểu tượng cho sức mạnh của con người trước sự cao lớn, hung vĩ, hiểm trở đầy thách thức của vũ trụ và mẹ thiên nhiên. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc từng có cuộc viễn du khi ông du ngoạn lên đinh Phan Xi Păng, thật đáng nể. Từ điểm nhìn trên ngọn núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn, nhà thơ cất lên tiếng hát bằng thơ, đi quanúi cao bằng những khúc hát thiết tha của mình. Riêng trường ca “Hát từ Phan Xi Păng” ở phần cuối (Có thể tạm gọi như thế) bao gồm 10 phân khúc nho nhỏ, mỗi phân khúc được tác giả đặt cho một tiêu đề nhỏ, ta thấy hiện lên bức tranh về mảnh đất Sa pa huyền thoại và xinh đẹp. Từ cái nhìn toàn cảnh về Phan Xi Păng, hiện lên vẻ đẹp liêu trai và hùng vĩ của thiên nhiên, rất xưngs danh là “Mái nhà của Đông Dương”.
Sa Pa- quê hương tuổi thơ tôi, đẹp như cô gái Hmong đầy sức sống, bây giờ đã trở nên một thành phố du lịch văn hóa khá nổi tiếng, sầm uất. Một miền quê sơn cước với thênh thang mây trắng non ngàn, với bao non xanh, suối bạc và muôn loài hoa miền ôn đới đua nở. Ngày nhỏ , tôi thường nghe ca khúc “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên” với giọng nữ vút cao mà nghe lòng bao xao xuyến. Sau này, khi lớn lên, tôi thấy mình thật may mắn khi được cha mẹ sinh ra và lớn lên từ cái nôi của miền sơn cước Lào Cai ấy. Vẻ đẹp miền núi cao, xanh từ cỏ cây, hoa lá, xanh ngát đến tâm hồn con người. Phải vậy chăng mà từ những nguời Pháp xa xưa, cho đến người Việt thời nay đều yêu thich vẻ đẹp hư ảo của thiên nhiên mây núi nơi này:
Cỏ xanh từ thuở hoang sơ
Tình yêu xanh tự bao giờ em ơi
(Cỏ mùa xuân - khúc III, tr. 87)
Sa Pa vẻ đẹp miền sơn cước với ngọn núi cao ngất mang tên Phan Xi Păng, hình tượng đặc trưng cho vẻ đẹp và sức mạnh của con người và đất nước ta. Tổ quốc Việt Nam với núi non hùng vĩ, trải dài từ miền núi phía Bắc cho tới phía nam. Đồng bào miền núi và 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang một nét văn hóa riêng, giàu bản sắc, tất cả làm nên vẻ đẹp đa dạng và phong phú của đất nước Việt Nam. Truyền thống lịch sử hào hùng với các thế hệ cha ông ngàn đời kiên trung, dũng cảm trong công cuộc tạo dựng và làm sáng danh đất nước. Trong bức tranh rộng lớn ấy, hiện lên vẻ đẹp độc đáo của miền sơn cước, với sự khác lạ, mà gần gũi, quyến rũ .
Thăm bản làng gười Hmong Cat Cát, một địa danh du lịch bản làng của người dân tộc với sự mênh mang mây núi, chênh vênh ruộng bậc thang và muôn vẻ đẹp độc đáo của những cô gái Hmong, Dao hiện lên cùng vẻ đẹp cheo leo, hiểm trở của núi đồi lúc cuối ngày:
Cát Cát
Cầu treo chông chênh
Mây trôi bồng bềnh
Cô gai Hmong gùi ngô đi về đâu hoàng hôn
(Cát Cát- Trang 414)
Những gam màu thiên nhiên trong bức tranh miền sơn cước Sapa được thiên nhiên pha màu rực rỡ và mang đậm nét huyền ảo. Biết bao văn nghệ sĩ cả nước đã lặn lội lên đây tìm cảm hứng sang tác cho tác phẩm của mình như nhà thơ Lê Tuân Lộc:
Lúa vàng lên trong mây
Mây vàng lên trong lúa
Năm nay được mùa nếp nương
Cất thêm rượu táo Mèo, rượu Sán Lùng đưa xuống chợ Sa pa
Đẻ ai say không nhớ đường về
(Hát từ Phan Xi pang - trang 418)
Vẻ đẹp liêu trai của miền sơn cước Sa pa với núi cao suối sâu hiện lên thật kỳ ảo và đầy quyến rũ. Mây trắng hẳn là một đặc sản hào phóng nhất của đât trời Sa pa, bởi bất kỳ ở đâu, bước chân ta cũng gặp mây, lang thang, lãng mạn và kỳ ảo:
“Tinh mơ mây xôm xốp
Sương trắng mỏng manh như áo em.
Bình minh mây hồng hồng
Phơn phớt như đào xuân Sa pa
Giữa trưa mây lang thang
Trắng nõn vờn quanh ngực núi Phn Xi Păng ..”
(Màu mây Sa pa - Trang 223)
Kỷ niệm với bạn bè văn nghệ sĩ cả nước khi họ cùng nhau lên miền biên viễn và uống rượu ở Sa pa là những ký ức bồng bềnh, liêu trai, phóng khoáng và khó phai của tác giả và nhiều nhà thơ khác:
“Bạn rượu làm say ta Sa pa
Hát và thơ náo động
Rượu bồng bềnh như sóng
Dìu ta đi lang thang…”
(Rượu say ở Sa pa - Trang 297)
Những địa danh nổi tiếng của miền sơn cước Lào Cai như Sa pa, Bắc Hà, Tà Phình, Cat Cát… được hiện lên với nhiều nét chấm phá đã đi vào những câu thơ của ông:
Chợ phiên Bắc Hà ai với ai
Màu thổ cẩm? Anh không ngủ được
Sừng trâu cong vênh trời năm trước
Ai với ai dinh thự Hoàng A Tưởng?
(Người ngược Bắc Hà - Trang 302)
Sự trong trẻo, hồn nhiên và chất phác của các cô gái và những người phụ nữ miền núi cao Tây Bắc nói chung luôn là điều bí ẩn cho văn thơ kiếm tìm. Hình ảnh ấy hiện lên thật giản dị trong thơ ông:
“Hoa mận trắng sương nắng bay bay
Hoa cải trắng như mây trong mây
Hoa hồng hồng như áo em hồng
Hoa chuối dỏ như lửa bập bùng”
(Như rừng hoa Tà Phình- trang 290)
Sao em lại tẳng cấu
Cho xanh ngẩn ngơ đồi
Cho hoa mận tàn lụi
Cho suối thẫn thờ trôi…
(Tẳng cấu - trang 266)
“Có một mùa hoa cải trắng thung mơ
Ta quỳ, tay vịn được cành thơ
Mộc Châu chiều xuống, se se lạnh
Một bản tình ca nữa đang chờ”
(Có một mùa hoa cải trắng - Trang 289)
Tiếng sáo Hmong cũng là một thứ đặc sản độc đáo của người trai Hmong và cần được chúng ta lưu giữ:
“Ơi người làm tiếng sáo Hmong
Chân không di được
Lời đi được
Hồn người Hmong trong tiếng sáo Hmong”
(Ơi người làm tiêng sáo bản ta - trang 282)
Thơ Le Tuân Lộc mang đậm phong vị dân tộc và cách nói của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Bài thơ “ Mùa xuân trên đồi chè Mộc Châu là một ví dụ tiêu biểu về cách nói ấy qua cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ luyến láy của ông.
Bầu trời xuân xanh xanh, xanh xanh
Lá chè sương óng ánh, óng ánh
Như tách trà sóng sánh, sóng sánh
Búp chè non nõn nà, nõn nà
Mắt em cười long lanh, long lanh
Tay hái chè thoăn thoắt, thoăn thoắt
Gùi sau lưng lúc lắc, lúc lắc
Váy Mông hoa đung đưa, đung đưa…
(Hát từ Phan Xi Păng - khúc XIV, trang 416).
Cách nói giản dị ấy được ông đưa vào thơ. Đôi khi, làm thành cái tứ là lạ, tho gần gũi như đang nói chuyện, như hơi thở cuộc sống:
Thấy người ta xinh dẹp thì mê như điếu đổ
Đòi cưới làm vợ
Người ta học yếu lại chê là dân tộc
Dân tộc sao còn lấy
(Em Tày đấy - khúc V, tr. 124)
Vẻ đẹp của bao nét văn hóa vùng cao Tây Bắc đang rất cần được lưu giữ, phát huy và bảo tồn khi nhiều nét đẹp văn hóa ngày nay đang bị mai một. Nhiều người từng khao khát được một lần đặt chân lên đây để chinh phục đỉnh Phan Xi Păng quê hương tôi như tác giả Le Tuấn Lộc đây? Ca ngợi vẻ đẹp của những miền đất đẫt đi qua, những vùng núi cao và đồng bào các dân tộc hẳn là một thé mạnh của ông, một người từng gắn bó nhiều năm với ngành địa chất và tầng lớp công nhân mỏ. Hồn hậu, lãng mạn, thân thiện và chân thật là những vẻ đẹp trong thơ ông. Những ca khúc phổ thơ ông được lưu dấu trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ công nhân.
Hát từ Phan Xi Păng là tập thơ đẹp đẽ, sang trọng, được tác giả tuyển chọn kỹ càng và cẩn thận. Thơ của ông trong tập này nhìn chung giản dị, dễ hiểu và mang đậm tính truyền thống. Sự rung động và tình cảm nồng nàn, yêu đất yêu người trong thơ khi viết về đồng bào các dân tộc miền núi là khá nhiều và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu bạn đi tìm sự cách tân trong thơ ông thì hầu như chưa thấy. Tôi cho rằng, nếu tác giả dụng công hơn, tôi tin sẽ có nhiều bài thơ ấn tượng hơn nữa. Thơ về miền núi và dân tộc trong mặt bằng thơ hiện nay của Hội VHNT các thiểu số các Dân tộc Việt Nam đã và đang khởi sắc khi có khá nhiều bài thơ độc đáo, sâu sắc và giàu tính trí tuệ trong lối viết. Hát từ Phan Xi pang! Hãy hát lên và tiếp bước ông.
Để lên đỉnh Phan Xi Păng
Cần ý chí
Gió chỉ muốn đánh ta gục ý chí
Rét như muốn quật ta xuống đường
Mưa phùn như muốn rủ ta quay lại
Nếu không rèn ý chí
Ta lùi bước
Ngã gục dọc đường!
Chúc mừng nhà thơ Lê Tuấn Lộc với tập thơ mới. Một tấm gương về sự lao động và nỗ lực sáng tác của ông và Chi hội Văn học Công nhân. Chúc ông giàu sức sáng tạo mỗi ngày và thêm “chân cứng đá mềm’ để tiếp bước trên con đường thi ca đầy quyến dụ và gập ghềnh phía trước.
Hà Nội ngày 15 tháng 4 năm 2024