Độc tố từ khuẩn Botulinum: Cẩn trọng với đồ ăn 'handmade'
Sau vụ ngộ độc do khuẩn Botulinum, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng cần cẩn trọng với đồ ăn 'handmade'.
Sợ chất bảo quản, người tiêu dùng đang chuyển thói quen sang sử dụng hàng do người quen sản xuất, hoặc rao bán trên mạng với mỹ từ "hàng handmade - đồ tự làm". Tuy nhiên, ít người biết rằng loại hàng này lại tiềm ẩn nguy cơ kinh khủng bởi độc tố do do khuẩn Botulinum - loại khuẩn mới đây đã được phát hiện ở pate Minh Chay, khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai Hà Nội, nhiều người đang hiểu sai về chất bảo quản là có hại. Thực tế, nếu các chất bảo quản được phép sử dụng và đúng liều lượng sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều đó dễ dàng nhìn thấy khi các công ty sản xuất công nghiệp ít xảy ra loại ngộ độc này.
Về cơ chế sản sinh của vi khuẩn Botulinum, các chuyên gia cho biết, khuẩn Botulinum thường phát triển trong môi trường thiếu không khí như các loại đồ hộp, túi nilon hút chân không…, nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra độc tố.
Do đó, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo điều kiện an toàn, tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao, nấu trong điều kiện thủ công sẽ khó diệt được vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
Tuyệt đối không nên ăn các sản phẩm khi phát hiện có mùi, màu sắc, vị thay đổi.
Bộ Y tế khuyên người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố Botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.
Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Khi thực phẩm hết chua không nên ăn.
Không nên ăn đồ hộp nắp đã phồng, không ăn đồ hộp sau khi mở quá 24 tiếng. Không sử dụng các loại đồ hộp không rõ nguồn gốc sản xuất.
Nếu ăn phải thực phẩm nhiễm Botulinum từ 12-36 giờ, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên có những trường hợp phát tác chậm có thể kéo dài 6-8 ngày.
Các triệu chứng ban đầu bao gồm nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
Biểu hiện đặc trưng của ngộ độc Botulium là liệt thần kinh đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống tay, chân. Trên mặt có thể có biểu hiện sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân…