Đói ăn và vô gia cư - tình trạng của nhiều tài xế tại Đông Nam Á thời COVID-19
Thay vì ngồi sau tay lái, Flores đã dành nhiều ngày để đi ăn xin kiếm tiền. Câu chuyện của một lái xe như anh không phải là duy nhất.
Tài xế xe ôm công nghệ - 50 tài xế cạnh tranh nhau 1 đơn hàng
Anh Aji, một tài xế xe ôm vừa hút thuốc vừa liên tục kiểm tra điện thoại trong khi ngồi bên vệ đường ở trung tâm thành phố Jakarta, Indonesia vào một buổi sáng nóng nực, dù vậy, anh cũng chẳng hy vọng nhiều vào việc có khách đặt xe.
Trước khi COVID-19 bùng phát, Aji - người cha 35 tuổi của 4 đứa trẻ đã chở ít nhất 20 hành khách với thu nhập hàng ngày từ 13 đến 20 USD. Anh là tài xế cho ứng dụng gọi xe "cây nhà lá vườn" của Indonesia là Gojek.
Nhưng khi các dịch vụ vận chuyển tạm dừng do thành phố đóng cửa, 2 đơn đặt giao đồ ăn trong 1 ngày đối với Aji đã là tốt lắm rồi, mỗi đơn anh nhận được 0,7 USD, có những ngày anh chẳng có đơn nào. Ngay cả khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, Aji vẫn phải vật lộn để nuôi gia đình.
"Tình hình là có nhiều tài xế nhưng đơn hàng thì ít", Aji nói.
Nhiều tài xế cho Gojek và Grab ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cũng cho biết họ gặp khó khăn tương tự, với thu nhập giảm hơn một nửa khi đại dịch COVID-19 hoành hành ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, nhiều tài xế cũng rơi vào tình cảnh "quay cuồng". "Đại dịch có thể khiến tôi và nhiều đồng nghiệp mất xe mà chúng tôi mua bằng tiền đi vay", anh Tùng, một tài xế Grab ở Hà Nội cho biết, trước những lo ngại rằng những người cho vay có thể thu hồi xe khi anh không thể trả nợ.
Grab, công ty khởi nghiệp được định giá cao nhất Đông Nam Á với 14 tỷ USD, cho biết hàng nghìn tài xế đang trong tình trạng tương tự, đặc biệt là ở Indonesia, thị trường lớn nhất của công ty.
Grab và Gojek từ lâu đã coi mảng giao đồ ăn vốn đang phát triển nhanh chóng là một cơ hội lớn, thế nhưng hai từ "tăng trưởng" đã không trở thành hiện thực trong mùa dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành một chuỗi nhà hàng ở Jakarta cho biết, việc giao đồ ăn đã không được đón nhận ở đây do người dân nấu ăn ở nhà nhiều hơn. Bên cạnh đó, hầu hết các đơn đặt hàng truyền thống thường tới từ nhân viên văn phòng, mà nhiều trong số họ đã chuyển sang làm việc ở nhà để giãn cách xã hội.
Aji mô tả việc giao đồ ăn ở Indonesia là một "cuộc chiến", với "đôi khi 50 tài xế cạnh tranh cho một đơn hàng", các tài xế Grab ở Việt Nam cũng có trải nghiệm tương tự.
Ngay cả ở Thái Lan, nơi số lượng các đơn đặt hàng tăng vọt đối với cả Grab và Gojek, khả năng sinh lời vẫn còn rất thấp. Ông Tarin Thaniyavarn, Giám đốc Grab Thái Lan cho biết, việc giao đồ ăn đang phát triển nhanh chóng nhưng thua lỗ trong thời kỳ đại dịch, với chi phí tăng cao và cạnh tranh gay gắt.
Tài xế xe lam: Đói ăn và vô gia cư
Bị đuổi khỏi nhà trọ vì không thể nộp tiền thuê nhà, tài xế xe jeepney người Philippines Daniel Flores hiện đang phải đi ăn xin trên đường phố Manila để nuôi gia đình. Chàng trai 23 tuổi này đã không có khách kể từ tháng 3, khi các phương tiện giao thông công cộng bị tạm dừng và mọi người được lệnh phải ở nhà để hạn chế lây lan COVID-19.
Xe jeepney - biểu tượng phổ biến của văn hóa Philippines, đóng vai trò là xương sống của hệ thống giao thông của đất nước, cung cấp chuyến đi cho hàng triệu người trên khắp đất nước với giá chỉ khoảng 9 peso (0,19 USD). Nhưng những người lái xe jeepney như Flores và hàng triệu người khác, đã không còn việc sau khi những lệnh hạn chế kéo dài nhiều tháng làm tê liệt và đẩy nền kinh tế Philippines rơi vào suy thoái.
Không có thu nhập và nợ nần chồng chất, Flores bắt đầu sống trên chiếc xe jeepney cùng vợ, hai đứa con và một người lái xe chung sau khi họ bị đuổi khỏi nhà trọ. Thay vì ngồi sau vô lăng, Flores đã dành nhiều ngày để đi ăn xin kiếm tiền. Flores cùng nhiều tài xế khác đeo thùng nhựa và biển báo bằng bìa cứng trên cổ để gây sự chú ý và thiện cảm của người qua đường.
"Chúng tôi hoàn toàn không còn gì để tiêu", Flores cho biết, khi anh đang ngồi bên trong chiếc xe jeepney của mình, chiếc xe chất đầy nồi nấu, quần áo và những tài sản ít giá trị khác. Các hộp bìa cứng phẳng che cửa sổ hai bên và lối vào phía sau chiếc xe để tạo cho gia đình một chút riêng tư - và cảm giác được bảo vệ khỏi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang rình rập bên ngoài.
Khi số ca mắc COVID-19 được xác nhận ở Philippines đã vượt 157.000 ca - cao nhất ở Đông Nam Á - và Manila phải trải qua một đợt đóng cửa khác, Flores không biết khi nào anh sẽ được phép lái xe trở lại. Thỉnh thoảng, anh cũng nhận làm những công việc lặt vặt bán sắt vụn, sơn hoặc hàn. Nhưng nó không đủ để nuôi sống gia đình.
"Thường thì chúng tôi chỉ ăn một lần mỗi ngày. Đôi khi, nếu không có ai giúp đỡ, chúng tôi sẽ không ăn gì cả", Flores nói.
Tình trạng khó khăn nghiêm trọng đến mức, cặp vợ chồng đã gửi đứa con 7 tháng tuổi của họ đến sống với người thân bên ngoài Manila để giảm bớt áp lực cho bản thân và để đảm bảo rằng đứa trẻ được ăn đủ.
Các tài xế xe jeepney đã nhận được một số tiền và thực phẩm từ chính phủ, nhưng không đủ để bù đắp được thu nhập bị mất của họ.
Vào tháng 6, sáu tài xế xe jeepney đã bị cảnh sát bắt giữ vì bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm tụ tập đông người và quy định giãn cách xã hội, sau khi họ xuống đường phản đối việc mất kế sinh nhai. Sau đó họ được tại ngoại.
Ngay cả khi các quy định đóng cửa ban đầu ở Manila được nới lỏng vào tháng 6, chỉ một phần nhỏ trong số khoảng 55.000 xe jeepney của thành phố được phép hoạt động theo các quy tắc nghiêm ngặt. Các tài xế phải làm cho phương tiện của họ an toàn hơn bằng cách lắp đặt dải phân cách ghế nhựa. Thế rồi, một lệnh đóng cửa mới được áp đặt gần hai tuần trước ở Manila và bốn tỉnh xung quanh đã buộc số ít những tài xế may mắn đó phải rời tay lái.
Một số người lo lắng rằng họ có thể không bao giờ được cầm lái nữa khi chính phủ loại bỏ những chiếc xe có tuổi thọ quá 15 năm tuổi vì không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và an toàn cho hành khách, trong một dự án hiện đại hóa phương tiện công cộng tại Philippines.