Đội bóng đá Giao thông vận tải Hải Hưng: Một thời vang bóng
Đội bóng thành lập năm 1971, lúc đầu mang tên Tỉnh đội Hải Dương. Đội bóng này từng chơi tại hạng A1 Giải vô địch bóng đá - sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ.
Một thời tỉnh ta có đội bóng đá chuyên nghiệp mang tên Giao thông vận tải Hải Hưng. Đội bóng này từng chơi tại hạng A1 Giải vô địch bóng đá - sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ.
Đối thủ e ngại
Nhiều người sống ở thập niên 70-80 của thế kỷ trước vẫn nhớ như in không khí sôi động trên sân vận động thị xã Hải Dương mỗi lần đội Giao thông vận tải Hải Hưng thi đấu. Mỗi khi đội bóng gặp các đối thủ mạnh như Xi măng Hải Phòng, Gang thép Thái Nguyên, Tỉnh đội Hà Bắc..., người hâm mộ lại ùn ùn đổ về ngồi chật kín 2 khán đài trên sân, hò reo cổ vũ.
Ông Phạm Văn Sơn năm nay 70 tuổi, nhà ở phố Ngân Sơn (TP Hải Dương) từng là huấn luyện viên kiêm thủ môn của đội Giao thông vận tải Hải Hưng. Lật từng tấm ảnh đen trắng chụp các thành viên đội bóng một thời, ông Sơn nói: "Đội bóng đá của tỉnh ta khi đó được xếp vào diện đội mạnh hạng B, A2. Mỗi năm đội thi đấu khoảng 10 trận, tỷ lệ trận thắng luôn chiếm từ 50% trở lên".
Đội bóng thành lập năm 1971, lúc đầu mang tên Tỉnh đội Hải Dương (còn gọi là đội bóng đá đường 5). Huấn luyện viên đầu tiên của đội là ông Đỗ Đình Thành, hiện sống tại Hà Nội. Năm 1974-1975, đội đổi tên thành đội Giao thông vận tải Hải Hưng (nhiều người quen gọi là đội bóng Xe ca). Thời điểm đó, ông Sơn và ông Thành cùng làm công tác huấn luyện, kiêm cầu thủ. Cả đội có 21-22 thành viên, chủ yếu là người Hải Hưng và một số chuyển từ Quân khu 3 về. Trong thành phần đội có 3 anh em ruột là tiền vệ Nguyễn Văn Duy, hậu vệ Nguyễn Văn Trương và tiền đạo Nguyễn Văn Đức. 2 cầu thủ khác là hậu vệ Bùi Xuân Hùng, tiền vệ Bùi Xuân Mai cũng là anh em ruột.
"Đại bản doanh" của đội bóng khi đó nằm cách Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh bây giờ chỉ vài trăm mét. Điều kiện ăn ở, tập luyện của các cầu thủ rất khó khăn. Sân tập của đội mấp mô, gồ ghề, mưa là lầy lội. Toàn đội phải đi ở nhờ tại đền Ông, Trường cấp 3 Hồng Quang, Câu lạc bộ Bóng bàn tỉnh. Khó khăn là thế nhưng các cầu thủ đều nỗ lực tập luyện, chơi bóng.
Giải vô địch bóng đá toàn quốc khi đó có 3 hạng là A1, A2 và B. Những năm đầu khi mới thành lập, đội bóng thi đấu ở giải hạng B, mỗi mùa giải chỉ có 6-8 đội. Sân vận động thị xã Hải Dương khi đó là một trong những sân đẹp ở miền Bắc, được chọn làm nơi tổ chức các trận đấu của cả giải hạng A1, A2. Đội Thể Công cũng thường chọn sân vận động Hải Dương làm nơi tập luyện.
Thời điểm ấy, đội bóng đá Giao thông vận tải Hải Hưng luôn nằm trong tốp những đội mạnh của giải hạng B. Năm 1976, đội giành suất thăng hạng lên chơi tại giải A2 sau khi vượt qua Gang thép Thái Nguyên trong trận chung kết. Ông Sơn cho biết đội bóng tỉnh ta khi đó làm mưa làm gió tại giải này. Các cầu thủ thi đấu đoàn kết, cống hiến. Hầu hết các đội đều rất e ngại khi phải đối đầu với đội Giao thông vận tải Hải Hưng. Trong 7 năm từ 1983 -1989, đội 3 lần lọt vào trận chung kết để tranh suất thăng hạng nhưng chỉ có được thành công ở mùa giải năm 1989. Trong trận chung kết diễn ra tại Sơn Tây (Hà Nội), đội giành chiến thắng thuyết phục trước Gia Lai - Kon Tum với tỷ số 3 -1 để lần đầu giành quyền lên chơi tại hạng A1. Nhiều cầu thủ thi đấu xuất sắc, góp công lớn vào thành công của đội như trung vệ Hoàng Đăng (đã mất), tiền vệ Đinh Danh Vĩnh, Nguyễn Văn Dũng, tiền đạo Đỗ Đình Thành, Nguyễn Tiến Hưng (đã mất)...
Duy trì đam mê
Đội Giao thông vận tải Hải Hưng chỉ thi đấu được đúng 1 mùa giải tại hạng A1. Các đội tham dự giải này đều rất mạnh, lại được đầu tư bài bản hơn đội bóng tỉnh ta. Một loạt thất bại liên tiếp đã đẩy đội xuống hạng A2 vào năm 1991. Ty Thể dục thể thao khi đó đã quyết định giải thể đội bóng sau 20 năm tồn tại. "Nguyên nhân chính là tỉnh không có nguồn lực, đơn vị tài trợ cũng không nuôi được. Tôi và anh Nguyễn Đức Tiền, Trưởng ty Thể dục thể thao Hải Hưng lúc đó đã đi gõ cửa rất nhiều nơi để vận động tài trợ nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu", ông Sơn chia sẻ.
Đội bóng giải thể, các cầu thủ tản mát khắp nơi, người chuyển đến thi đấu cho đội bóng khác, người ra nước ngoài lao động hoặc đi buôn bán... Nhưng họ vẫn giữ liên lạc và kết nạp thêm những người đam mê bóng đá khác để thành lập đội cựu cầu thủ bóng đá Hải Hưng. Hiện đội vẫn duy trì sinh hoạt và tham dự các giải giao lưu với đội cựu cầu thủ bóng đá các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Vào ngày 15.3 hằng năm, các thành viên trong đội tụ họp, nhiều người đang sinh sống, làm việc xa quê cũng về tham dự.
Ông Sơn cũng như những thành viên khác trong đội bóng đá Giao thông vận tải Hải Hưng vẫn luôn theo dõi các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trong nước và đội tuyển Việt Nam thi đấu. Ông cảm thấy tiếc khi Hải Dương hiện tại có nhiều nhân tài bóng đá, là một trong những cái nôi đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng cả nước nhưng lại chưa thành lập được đội bóng đá chuyên nghiệp. "Bây giờ tỉnh có điều kiện hơn xưa rồi, các doanh nghiệp cũng nhiều. Nếu tỉnh thực sự quan tâm thì tôi nghĩ việc thành lập được một đội bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai gần cũng không quá khó", ông Sơn nói.