Đôi chân của mẹ

Mẹ cùng ông ngoại trong dòng người tản cư từ vùng chiêm trũng Hà Nam lên đây hồi kháng chiến chống Pháp. Mẹ không biết đi xe đạp, mà ngày ấy làm gì có xe đạp mà đi. Ông ngoại bảo cái đận tản cư theo chủ trương 'tiêu thổ kháng chiến' năm 1946, mẹ cùng ông ngoại gồng gánh đồ thô, nồi rang rế rách từ dưới xuôi lên trên này, trong gánh đồ thô ấy có cả chiếc cối xay bột làm bánh. Suốt chặng đường mấy trăm cây số mẹ cũng toàn đi bộ.

Trong cuộc hành quân lên Tây Bắc, cha gặp mẹ một chiều Việt Minh nấu nhờ cơm dọc đường. Hòa bình lập lại, cha đến với mẹ sinh cơ, lập nghiệp nơi mảnh đất nghèo Lạng Bạc, cái tên nguyên thủy mà cho đến bây giờ chả có ai lý giải được tại sao lại là như vậy. Mãi về sau này khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà hoàn thành thì cái tên Lạng Bạc cũng chả hiểu vì sao tự dưng biến mất, hình thành nên thị trấn Thác Bà.

Nói là thị trấn cho oai, chứ dân số lèo tèo dọc theo đường cái và men sông, cuộc sống chủ yếu bằng củ sắn, củ khoai, duy chỉ một số ít là cán bộ các cơ quan của huyện và dân vùng hồ di cư sống “xôi đỗ” trên mảnh đất dọc theo bờ sông Chảy. Làng tôi ngày ấy nghèo lắm, cả vụ nhà được chia tám mươi cân thóc, những ngày còn lại ăn sắn trừ bữa, nồi cơm chủ yếu là sắn cõng thêm vài hạt gạo cho gọi là cơm. Cũng như bao nhà khác ở cái làng quê nghèo khó ấy, mẹ hằng ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng. Mẹ vốn chưa quen với đồng áng như bao lực điền khác, công việc chân lấm tay bùn của nghề nông càng thêm vất vả nên càng ngày mẹ càng héo quắt, héo queo. Mẹ chả bao giờ được ngủ trưa, khi cái nắng như đổ lửa mùa hè, cả làng chìm trong mệt nhọc sau buổi làm đồng thì mẹ lại bảo anh em chúng tôi đi đổ đó lấy cá bống cho mẹ đi bán.

Ngày ấy con sông Chảy dạt dào tôm cá, hằng ngày cứ tinh mơ là đi đổ đó. Cái bống, com tôm là vật cứu cánh cho bao nhà dọc hai bờ sông Chảy. Cái đó là vật dụng đánh bắt tôm, cá vô cùng hiệu quả, được đan bằng tre hay nứa cứ chiều tối đặt xuống theo dòng nước chảy, hai bên xếp đá tạo dòng để cho tôm ngược dòng nước đi lên và chui vào đó. Sáng hôm sau, sau khi vớt đó lên đổ tôm ra thì lại đặt đó vào dòng nước chảy ấy đánh bắt cá bống.

Hằng ngày, mỗi nhà dọc hai bờ sông sáng nào cũng có tôm và trưa thì có cá bống, trung bình mỗi đêm đánh được đến vài cân tôm và vài cân cá bống. Chả hiểu sao hay ông trời thương mà cho con sông nhiều tôm, cá đến vậy. Nhiều đến nỗi bán chả ai mua nên chủ yếu phải phơi khô để dành.

Tôm, cá nhiều, dẫu ít người mua nhưng trưa nào mẹ vẫn cần mẫn theo con đường rải đá cấp phối cắp rổ tôm, rổ bống đi bán. Mà mẹ không bán thì làm gì có tiền cho dù chỉ vài nghìn bạc lẻ cho anh em chúng tôi mua sách, mua bút và đóng học cho nhà trường. Có hôm mẹ đi hơn mười cây số, lên tận Cầu Treo mà vẫn không bán được mớ tôm, mớ bống, thế là lại phải đem về nhà phơi. Để có thêm tiền trang trải cho bảy miệng ăn, cứ đến thứ bảy hằng tuần mẹ lại thức trắng làm bánh, làm bún để sáng mai sang chợ Hiên bán.

Có hôm cả nhà chờ mẹ về để có vài lạng thịt mỡ xào rau mà tới tận hai giờ chiều mẹ mới về. Mẹ bảo chợ hôm nay ế quá, mẹ phải quẩy gánh hàng đi bán rong từng nhà bên Cây Quýt (ấy là cái làng bên kia sông thuộc đất Tuyên Quang). Nhìn đôi dép nhựa vá chằng, vá đụp trong cái mủng, hỏi sao mẹ không đi mà đi chân đất, mẹ bảo dép còn để dành đi gần, còn đi xa mẹ quen đi chân đất rồi. Nói thế thôi tôi biết ngay mẹ chả dám đi dép lâu vì sợ hỏng. Gánh nặng mưu sinh đã làm cho đôi chân mẹ càng ngày càng mỏng, ngón chân cái thì càng ngày càng choãi ra theo gốc tích của người Giao Chỉ.

Hôm đưa mẹ đi chữa bệnh ở Hà Nội đúng hôm trời rét như cắt da cắt thịt, chuẩn bị lên bàn mổ, mà mẹ vẫn chân không. Tìm trong cái tay nải quần áo mẹ mang theo để tìm đôi tất mà không thấy. Hỏi ra thì mẹ rơm rớm “các anh các chị có thấy bầm đi tất bao giờ không, bầm không quen”. Chạy vội sang bên kia đường mua được vài đôi tất. Nói mãi mẹ mới cho xỏ vào. Nhìn đôi chân mẹ khô, gầy gùa, xương xẩu, hai bàn chân mỏng dính nổi lên những đường gân xanh nhằng nhịt, hai bàn chân lạnh cóng chỉ còn những đường gân xanh là nóng. Tôi chợt nhận ra rằng, đôi bàn chân lạnh ấy có những đường gân xanh ấy là dòng máu nóng vẫn không ngừng chảy và dòng máu ấy đã cả đời nâng đỡ, gánh cuộc đời mẹ và chăm bẵm cho con.

Lê Kiểm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/doi-chan-cua-me-z8n2019081409263879.htm