Đôi chàng gánh của mẹ

Mỗi lần nhìn đôi chàng gánh của mẹ dựng ở góc nhà bếp, tôi lại bồi hồi nhớ lại quãng đời nhọc nhằn của mẹ.

Đôi chàng gánh và đôi chàng gióng là hai vật dụng gắn liền với người nông dân quê tôi, nhưng khác nhau về vật liệu, hình thức và công năng sử dụng…

Còn nhớ, để làm đôi chàng gánh cho mẹ gánh lúa, gánh rau đi bán..., cha cần mẫn tháo bỏ những que gai trên thân dây kẽm rồi xoe xoắn hai sợi vào nhau tạo nên một sợi dây vừa chắc vừa đẹp. Riêng phần đáy, để có độ lớn thì cha “bện néo” thêm một sợi thép nữa trông rất chắc chắn và uốn thành vòng tròn có đường kính từ 15 đến 18cm. Sau đó, ông đo và phân đoạn thành bốn sợi dây kẽm. Mỗi sợi kẽm cha thắt quấn làm hai “tai chàng”, như vậy chiếc chàng gánh có bốn “tai chàng”, phần trên tiếp giáp với đầu đòn gánh cha còn làm cái móc, gọi đó là “mấu chàng gánh”.

Làm xong công đoạn nào, ông dừng tay ngắm nghía. Khi hoàn thành, cha bảo mẹ tôi lại và thử đặt lên vai xem có vừa chưa để biết chỉnh sửa và bảo: “Đôi chàng này bà gánh phải tới đời cháu chưa chắc hư”.

Suốt những năm tháng còn trẻ, mẹ cần mẫn làm lụng vất vả để nuôi con, hết gánh rau muống ở ruộng xa để lên bán ở chợ Ga, khi đến mùa lúa mẹ lại kĩu kịt trên vai những chàng mạ non hay những chàng lúa bó nặng để có thêm công điểm của hợp tác xã… Thời gian dần trôi, đôi chàng gánh của mẹ gỉ sét và lưng mẹ còng hơn, tóc mẹ thêm nhiều sợi bạc, đôi vai dày thêm vết chai sần…

Với tôi, đôi chàng gánh gánh trên vai gầy của mẹ, người đã dãi dầu mưa nắng để lo từng bữa ăn, quần áo và sách vở học hành… Dẫu biết gánh gồng là nặng nhọc nhưng trong từng bữa cơm, tôi chưa bao giờ nghe mẹ thở than một lời.

Có lần, tôi và đứa em gái út lúc đó chừng 4 tuổi được mẹ dẫn đi chợ thị trấn. Em út được ngồi trong chiếc thúng ở chiếc chàng trước, chiếc chàng phía sau mẹ chất rau muống ngọn và giỏ cà chua…; tôi lúp xúp đi sau, tay nắm sợi chàng cùng mẹ băng đồng lên chợ thị trấn. Bán xong rau cà, khi về mẹ cho tôi ngồi một đầu chàng gánh, trong tôi là một cảm giác rất vui…

Thời nay, đôi chàng gánh chỉ còn là vật kỷ niệm của gia đình tôi, nhưng thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp hình ảnh đôi chàng gánh mà những người mẹ, người chị vẫn vui vẻ lặng thầm với công việc của mình.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/236540/doi-chang-ganh-cua-me.html