Đối đầu Iran-Israel và sự khó lường của chiến sự Gaza

Cuộc chiến ở Gaza diễn biến ác liệt và khó lường trong bối cảnh căng thẳng Iran-Israel leo thang nguy hiểm.

Việc lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran hôm 31-7 không chỉ thổi bùng căng thẳng giữa Iran và Israel mà còn tác động to lớn tới cục diện cuộc chiến ở Gaza hiện nay, đặc biệt liên quan thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin.

Giới quan sát nhận định vụ ám sát ông Haniyeh - một bên đối thoại quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza - có thể phá hoại hoặc đẩy nhanh một thỏa thuận ngừng bắn, theo kênh Al Jazeera.

Số phận thỏa thuận ngừng bắn đi về đâu?

Ngày 6-8, Hamas bổ nhiệm lãnh đạo của nhóm này ở Dải Gaza - ông Yahya Sinwar làm người đứng đầu bộ phận chính trị của nhóm, kế nhiệm ông Haniyeh. Ông Sinwar (61 tuổi) bị Israel cáo buộc là “kẻ chủ mưu” đằng sau vụ tấn công ngày 7-10 của Hamas vào Israel.

 Tân lãnh đạo chính trị Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: REUTERS

Tân lãnh đạo chính trị Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: REUTERS

Việc ông Sinwar trở thành lãnh đạo chính trị của Hamas khiến triển vọng về lệnh ngừng bắn và đàm phán con tin giữa Hamas với Israel trở nên khó đoán, theo đài CNN. Ông Sinwar được coi là người theo đường lối cứng rắn và việc bổ nhiệm ông làm gia tăng thêm sự bất ổn cho các cuộc đàm phán ngừng bắn vốn đã bị xáo trộn sau vụ ông Haniyeh bị ám sát.

Ông Basem Naim - một thành viên của ban chính trị Hamas - nói rằng việc ông Sinwar thay thế ông Haniyeh có nghĩa Israel “đã chọn ám sát những người đàm phán, và chúng tôi chọn người có thể buộc [Israel] phải ký thỏa thuận”.

Giới quan sát cho rằng trong khi quan điểm của ông Sinwar luôn có ảnh hưởng quan trọng trong các cuộc đàm phán ngừng bắn Gaza, thì khó khăn của ông trong việc giao tiếp với thế giới bên ngoài có nghĩa chi tiết đàm phán với các nhà trung gian từ Qatar và Ai Cập đã rơi vào tay các quan chức Hamas khác, đứng đầu là ông Haniyeh cho đến khi ông bị ám sát vào tuần trước, theo đài CNN.

Ông Esmat Mansour - người từng ngồi tù nhiều năm với ông Sinwar ở Israel - nói rằng vai trò mới của ông Sinwar có thể sẽ gây rắc rối cho bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai. “Đối với Israel, đây không phải là tin tốt về thỏa thuận, vì họ coi cánh quân sự và ông Sinwar là những người theo đường lối cứng rắn. Bây giờ mọi quyết định đều nằm trong thẩm quyền của ông ấy, cả quân đội cũng như các quyết định chính trị, và quyết định [có nên tổ chức] các cuộc đàm phán hay không” - ông Mansour nói.

Ông Mansour nói thêm rằng mối quan hệ chặt chẽ của ông Sinwar với Iran có nghĩa là các bên đàm phán khác như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước có mối quan hệ tốt với Mỹ - "mất khả năng tác động đến thỏa thuận, hoặc ít nhất là làm suy yếu khả năng tác động của họ".

Tuy nhiên, ngày 7-8, quan chức cấp cao Hamas - ông Osama Hamdan khẳng định Hamas sẽ tiếp tục đàm phán ngừng bắn ở Gaza, theo hãng thông tấn AA. “Tiến trình đàm phán sẽ tiếp tục. Vấn đề không phải là Hamas, mà là Israel, [Thủ tướng Benjamin] Netanyahu và Mỹ, những nước không chân thành trong việc làm trung gian hoặc trong nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn” - ông Hamdan nói.

Ông Hamdan cho biết Hamas sẽ vẫn cam kết nỗ lực ngừng bắn ở Gaza, yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, chấm dứt cuộc bao vây, tái thiết Gaza và trao đổi con tin và người Palestine bị giam ở các nhà tù Israel.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cho rằng việc Hamas chọn ông Yahya Sinwar làm lãnh đạo chính trị của nhóm không thay đổi bất cứ điều gì về các cuộc đàm phán con tin đang diễn ra. “Ông Sinwar luôn là người ra quyết định chính khi nói đến các cuộc đàm phán trong suốt [10] tháng qua, vì vậy trên thực tế, không có gì thực sự thay đổi về vấn đề đó” - ông Kirby nói.

Tình hình thực địa vẫn căng

Mặc dù đang nỗ lực chuẩn bị đối phó khả năng Iran và lực lượng Hezbollah (Lebanon) tấn công sau vụ lãnh đạo chính trị Hamas bị ám sát, lực lượng Israel vẫn tiếp tục hoạt động quân sự ở Gaza.

Ngày 7-8, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel - Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố lực lượng Israel sẽ “tìm ra [ông Sinwar] và tấn công ông” và buộc Hamas phải thay lãnh đạo mới. Điều này cho thấy mục tiêu của Israel nhằm tiêu diệt hoàn toàn bộ máy lãnh đạo Hamas vẫn không thay đổi.

Theo kênh Al Jazeera, những ngày qua, lực lượng Israel đã tấn công phía nam TP Khan Younis và các khu vực khác ở Dải Gaza, khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng và ban hành lệnh sơ tán mới ở Beit Hanoon và Beit Lahiya (phía bắc Gaza).

 Người dân Gaza đứng trước đống đổ nát tại TP Khan Younis (miền nam Gaza). Ảnh: REUTERS

Người dân Gaza đứng trước đống đổ nát tại TP Khan Younis (miền nam Gaza). Ảnh: REUTERS

Quân đội Israel cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục chiến binh Hamas trong những ngày gần đây. Hôm 7-8, quân đội Israel tấn công các cơ sở sản xuất vũ khí tại quận Deir al-Balah ở trung tâm Gaza. Xe tăng Israel cũng đã pháo kích Nuseirat và Bureij - hai trong tám trại tị nạn ở Dải Gaza. Israel cho biết các chiến binh Hamas sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự để làm nơi ẩn náu và che giấu các hoạt động quân sự và kho vũ khí. Hamas phủ nhận điều này.

Ngày 6-8, quân đội Israel đã tiêu diệt 45 chiến binh Hamas sau cuộc giao tranh ác liệt mà Hamas cho biết đã phá hủy hai xe bọc thép chở quân của Israel trong một cuộc phục kích gần TP Rafah, theo hãng tin Reuters. Israel nói rằng một thành viên Hamas phụ trách các hoạt động buôn lậu vũ khí nằm trong số những người thiệt mạng và cái chết của ông ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đưa vũ khí và thiết bị quân sự vào Gaza. Trước đó một ngày, Israel tuyên bố tiêu diệt ông Abdul Fattah Al-Zeriei - nhân vật phụ trách vấn đề tài chính, ngân sách của Hamas. Hamas cũng đã xác nhận cái chết của nhân vật này.

Trong khi đó, các nhóm vũ trang ở Gaza cho biết họ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công phục kích vào quân đội và xe bọc thép Israel bằng thiết bị nổ, và phóng một loạt tên lửa vào Israel, theo hãng tin Reuters. Hôm 6-8, nhóm vũ trang Jihad - một đồng minh thân cận của Hamas - cho biết đã bắn tên lửa vào Israel để đáp trả những gì mà nhóm này gọi là "cuộc thảm sát dân thường" của Israel ở Gaza.

Quân đội Israel cho biết trong tuần qua, Hamas đã bắn tên lửa từ các bệ phóng được đặt gần hai kho viện trợ nhân đạo và phân phối quốc tế, bao gồm Cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Lực lượng Israel cho hay đã tấn công các địa điểm đó.

Mỹ cần gây áp lực lên Israel về thỏa thuận ngừng bắn Gaza

Hai quan chức Ả Rập đến từ các nước trung gian trong xung đột Israel-Hamas nói với tờ The Times of Israel rằng một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin giữa Israel và Hamas sẽ không thể thực hiện được trừ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gây thêm áp lực lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Các quan chức cáo buộc ông Netanyahu là trở ngại chính cho việc đạt được thỏa thuận ở giai đoạn đàm phán này.

Theo một quan chức trên, Washington là bên duy nhất có đủ ảnh hưởng đối với Israel để tác động đến ông Netanyahu, nhưng cho đến nay vẫn chưa khai thác hết vai trò của mình với tư cách là nhà bảo trợ an ninh chính của Israel. Theo đó, một cách để gây áp lực lên ông Netanyahu là Mỹ công khai đổ lỗi cho thủ tướng Israel về việc không đạt được thỏa thuận.

THẾ VINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-dau-iran-israel-va-su-kho-luong-cua-chien-su-gaza-post804242.html