Đối đầu lưỡng đảng Mỹ và giờ khắc 0h01 của Nhà Trắng
Trong bối cảnh Hạ viện Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung về dự luật ngân sách, Nhà Trắng chỉ còn chưa đầy 1 ngày trước khi phải đóng cửa vì không có kinh phí hoạt động, qua đó khiến xứ sở cờ hoa đối diện với nguy cơ mới.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có quyền quản lý và phê duyệt ngân sách hoạt động cho chính phủ trước ngày 1/10 hàng năm. Do đó, Quốc hội sẽ gói một số hoặc tất cả 12 dự luật chi tiêu lại với nhau thành một dự luật chi tiêu "tổng hợp" và thông qua dự luật đó.
Năm tài chính 2024 của chính phủ bắt đầu vào ngày 1/10. Nhưng nếu Quốc hội không thể thông qua các dự luật chi tiêu cần thiết hoặc một nghị quyết tài trợ ngắn hạn, thì lệnh đóng cửa sẽ chính thức được ban hành vào lúc 0h01 sáng ngày 1/10.
Vậy điều gì đã ngăn Quốc hội Mỹ thông qua dự luật và xứ cờ hoa sẽ hứng chịu hệ quả ra sao trước viễn cảnh Nhà Trắng tạm thời ‘hết hạn sử dụng’?
Lằn ranh chia rẽ Hạ viện
Ngày 26/9, Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật tài trợ ngắn hạn nhằm duy trì hoạt động của Nhà Trắng đến ngày 17/11 với tỷ lệ bỏ phiếu 77-19. Đồng thời, các thượng nghị sĩ còn thông qua gói tài trợ khoảng 6,15 tỷ USD cho Ukraine.
Đây là nỗ lực mới nhất của Thượng viện nhằm thúc đẩy Hạ viện thông qua dự luật. Tuy nhiên, phương án này vấp phải sự phản đối bởi các hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, những người đang tận dụng nguy cơ đóng cửa này như một đòn bẩy cho chính sách mà họ mong muốn.
Trước khi đồng ý phê chuẩn dự luật tài trợ, các hạ nghị sĩ tuyên bố họ muốn được đáp ứng một số yêu cầu, bao gồm việc hủy bỏ gói tài trợ cho Ukraine, thông qua đạo luật bảo đảm biên giới phía Nam nhằm hạn chế dòng người tị nạn.
Thậm chí, nhà lập pháp bảo thủ của bang Georgia Marjorie Taylor Greene còn khẳng định, bà sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ gói tài trợ nào nếu như không tiến hành luận tội Tổng thống Joe Biden.
Một trong số những nhân vật nổi bật chống lại dự luật ngân sách là Hạ nghị sĩ Matt Gaetz. Ông nhất quyết không phê duyệt đạo luật trên vì cho rằng ngân sách cần được cắt giảm sâu trong bối cảnh nợ của Mỹ tiếp tục tăng.
Theo CNN, chỉ trong vòng 3 tháng, tổng số nợ quốc gia đã tăng tới mức báo động là 1.000 tỷ USD. Chính con số khủng khiếp này đã đào sâu chia rẽ giữa hai đảng cầm quyền Mỹ. Một mặt, đảng Cộng hòa cho rằng các chương trình chi tiêu liên bang của ông Biden đề ra là quá đắt đỏ. Mặt khác, đảng Dân chủ khẳng định việc cắt giảm thuế do đảng Cộng hòa hậu thuẫn đã làm giảm doanh thu.
Những hệ lụy
Tùy vào lượng thời gian chính phủ đóng cửa, hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội Mỹ sẽ gánh chịu mức độ hậu quả khác nhau. Nếu Nhà Trắng chỉ dừng hoạt động trong thời gian ngắn thì tác động sẽ tương đối nhỏ, nhưng nếu thời hạn đóng cửa diễn ra dài hơn thì thiệt hại sẽ tăng dần.
Theo ước tính của Vox, khoảng 4 triệu nhân viên dân sự và quân sự liên bang sẽ bị ảnh hưởng trên khắp đất nước. Đồng thời, họ buộc phải làm việc không lương hoặc nghỉ việc tạm thời.
Ở cấp độ kinh tế quốc gia, chính quyền liên bang sẽ thắt chặt chi tiêu và kéo theo năng suất lao động giảm. Thống kê của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, nếu không có dự luật tài trợ mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,2% mỗi tuần.
Các doanh nghiệp làm việc trực tiếp với chính phủ liên bang nhiều khả năng đối diện với suy thoái, chẳng hạn như nhà thầu liên bang hoặc dịch vụ du lịch quanh các công viên quốc gia. Theo Hiệp hội Công nghiệp du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu ngừng hoạt động.
Chính phủ Mỹ đóng cửa là một rủi ro hoàn toàn không cần thiết đối với một nền kinh tế vốn đã được chứng minh là rất kiên cường. (Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard)
Trên phương diện xã hội, chương trình dinh dưỡng bổ sung đặc biệt dành cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em sẽ bị hoãn và ảnh hưởng tới khoảng 7 triệu người. Ngoài ra, một số phúc lợi dành cho cựu chiến binh, chẳng hạn như bồi thường khuyết tật có thể chịu tình trạng gián đoạn.
Song một số chương trình khác vẫn được tiếp tục rót kinh phí vận hành. Trong đó có 3 chương trình An sinh xã hội, Medicare và Medicaid, vốn thuộc khuôn khổ chi tiêu bắt buộc mà chính phủ liên bang đã cam kết, do đó không bị ảnh hưởng bởi quy trình phân bổ ngân sách hàng năm.
Các cuộc truy tố liên bang sẽ duy trì tiến trình, bao gồm cả vụ cáo buộc liên quan tới cựu Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, các bộ phận trọng yếu như Quốc hội, Hội đồng An ninh quốc gia và Tổng thống sẽ tiếp tục làm việc và được trả lương.
Tóm lại, lưỡng đảng tại Thượng viện đã nhất trí ủng hộ dự luật ngân sách, song lưỡng đảng tại Hạ viện lại xảy ra bất đồng về hàng loạt vấn đề và trực tiếp khiến chính phủ đối diện nguy cơ đóng cửa. Những tranh cãi giữa các hạ nghị sĩ thuộc hai đảng diễn ra trên nhiều mặt trận, từ vấn đề bảo vệ biên giới cho tới cuộc luận tội Tổng thống Joe Biden.
Đáng chú ý, một trong những mâu thuẫn then chốt nhất nằm ở vấn đề tăng nợ khiến cho ngân sách quốc gia giảm, do đó các nhà chức trách phải cân bằng và tính toán kỹ lưỡng số tiền tài trợ cho chính phủ.
Hàng loạt thách thức sẽ nảy sinh trước viễn cảnh Nhà Trắng tạm thời đóng cửa. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm và ngành du lịch chịu thiệt hại lớn, cùng với đó là hàng triệu lao động có nguy cơ mất thu nhập. Thứ hai, các chương trình phúc lợi xã hội quan trọng bị gián đoạn và tác động tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ, trẻ em và thương binh. Mặt khác, một số chương trình xã hội và cơ quan nhà nước trọng yếu vẫn sẽ được chi tiền và duy trì hoạt động.
Việc chính phủ đóng cửa không phải là điều bất thường tại Mỹ. Lần đóng cửa gần đây nhất, lần thứ 21 trong 5 thập kỷ, kéo dài 35 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019. Đó là lần đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, do bất đồng về yêu cầu của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, về việc tài trợ cho bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư trái phép.