Đối đầu Mỹ - Trung: 'Hòa bình nóng' có trở thành Chiến tranh Lạnh mới?

Tại hội thảo về an ninh gần đây ở Hà Nội, cạnh tranh Mỹ - Trung được liên tục nhắc đến trong các phiên thảo luận và được cho là sẽ tác động sâu rộng đến toàn khu vực.

Không chỉ gói gọn trong cuộc chiến thương mại, cạnh tranh giữa hai siêu cường đã trở nên toàn diện và chiến lược, trên nhiều mặt trận từ công nghệ, hàng hải, quân sự với các sáng kiến dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một số ý kiến ví cạnh tranh Mỹ - Trung như cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, còn việc Mỹ cấm cửa Huawei như “bức màn sắt kỹ thuật số” sắp sập xuống, chia thế giới công nghệ ra làm hai, gợi nhớ tới “bức màn sắt” của đối đầu Đông - Tây thế kỷ 20.

Bên lề hội thảo, được tổ chức bởi Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) ngày 5-6/12, các chuyên gia về an ninh khu vực đã chia sẻ với Zing.vn những đánh giá về cuộc đối đầu và ảnh hưởng của nó.

Hội thảo “Duy trì hòa bình trong thời kỳ biến động” được Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) tổ chức ngày 5-6/12 tại Hà Nội. Ảnh: Huyền Nguyễn/Học viện Ngoại giao.

Hội thảo “Duy trì hòa bình trong thời kỳ biến động” được Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) tổ chức ngày 5-6/12 tại Hà Nội. Ảnh: Huyền Nguyễn/Học viện Ngoại giao.

“Chiến tranh Lạnh” hay “hòa bình nóng”?

Tiến sĩ Li Li, từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng đối đầu Mỹ - Trung không giống Chiến tranh Lạnh từng diễn ra giữa Mỹ - Liên Xô, mà là hình ảnh của cục diện “hòa bình nóng”.

Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô có ba yếu tố: cạnh tranh ý thức hệ, chiến tranh ủy nhiệm, và chạy đua vũ khí hạt nhân, bà Li giải thích.

Trong khi đó, ý thức hệ không được coi là yếu tố thúc đẩy đối đầu Mỹ - Trung, và viễn cảnh chiến tranh ủy nhiệm giữa Washington và Bắc Kinh là khó xảy ra, theo bà Li.

Tiến sĩ Li Li, từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ảnh: Huyền Nguyễn/Học viện Ngoại giao.

Tiến sĩ Li Li, từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ảnh: Huyền Nguyễn/Học viện Ngoại giao.

“Hòa bình nóng là khi căng thẳng hiện hữu, nhưng khó dẫn đến chiến tranh”, tiến sĩ Li nói với Zing.vn. “Ngay cả khi có tranh chấp, các nước vẫn cố kiềm chế, cùng nỗ lực kiểm soát khủng hoảng”.

Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau trên nhiều mặt, vì vậy mọi xung đột nảy sinh đều sẽ tốn kém. Tuy nhiên, nếu sự phân ly kinh tế xảy ra, hai bên sẽ mất đi động lực để kiểm soát căng thẳng, và cục diện “hòa bình nóng” có thể trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh thực sự.

Các nước không bị ép buộc phải đứng về phe này hay phe kia, mà có nhiều cách ứng phó với cạnh tranh Mỹ - Trung, khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Trong khi căng thẳng vẫn gia tăng, Mỹ - Trung đều nói muốn đàm phán… và có nỗ lực để đạt thỏa thuận”, bà Li phân tích.

Ngày 13/12, phía Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, theo đó Mỹ sẽ giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa và hủy bỏ đợt tăng thuế vốn đã được lên lịch từ trước. Bắc Kinh đồng ý mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm tới và cam kết siết chặt luật sở hữu trí tuệ, tăng cường minh bạch tiền tệ, bảo vệ công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc.

Nhưng theo bà Li, kể cả khi đạt được thỏa thuận, cạnh tranh sẽ vẫn tiếp tục trên nhiều mặt.

Lực lượng không quân của Đài Loan tập trận vào tháng 1. Việc bán 66 máy bay chiến đấu cho Đài Loan là động thái cứng rắn chưa từng có của Mỹ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lực lượng không quân của Đài Loan tập trận vào tháng 1. Việc bán 66 máy bay chiến đấu cho Đài Loan là động thái cứng rắn chưa từng có của Mỹ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Mỹ - Trung chuyển hướng, dẫn tới đối đầu

Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Thái Bình Dương, viện chính sách đối ngoại ở Hawaii, đồng ý rằng cạnh tranh Mỹ - Trung chưa đến mức Chiến tranh Lạnh, nhưng đang đi tới đó. “Lãnh đạo hai bên nhất quyết chờ xem ai ‘chớp mắt’ trước”, ông nói.

Giải thích chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, ông cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Obama có cách tiếp cận là “hợp tác trên mọi mặt, và chống trả khi cần thiết” đối với Bắc Kinh. Giờ đây, dưới thời Trump, chính sách đó chuyển thành “chống trả bất cứ khi nào cần thiết, hợp tác khi có thể”.

Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện chính sách đối ngoại ở Hawaii.

Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện chính sách đối ngoại ở Hawaii.

“Nghe có vẻ giống nhau, nhưng ưu tiên rõ ràng đã thay đổi”, ông Cossa nói tiếp.

Đồng thời, Trung Quốc từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, thay bằng “giấc mơ Trung Hoa” dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, mà ông Cossa cho là một cách gọi khác của mong muốn “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

“Những hành động (của Trung Quốc) như trên Biển Đông là biểu hiện cụ thể của thay đổi đó”, ông Cossa nói. Trung Quốc táo bạo hơn, đẩy mạnh mưu tính của mình đối với Biển Đông, Đài Loan hay sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong các báo cáo chiến lược năm 2017, 2018 và gần đây là Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tháng 6 của Lầu Năm Góc đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

“So với chiến lược ‘Tái cân bằng’ của Obama, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đẩy mạnh cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, và việc chỉ đích danh Trung Quốc là mục tiêu sẽ buộc các nước trong khu vực phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh”, nhà nghiên cứu Wu Xinbo viết trong ấn phẩm Regional Security Outlook (Tầm nhìn An ninh Khu vực châu Á - Thái Bình Dương) mà CSCAP mới công bố.

“Washington đã tăng sức ép lên Bắc Kinh tại Biển Đông bằng các chuyến tuần tra tự do hàng hải chủ động hơn và táo bạo hơn, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, và tăng cường hợp tác an ninh với các nước trong khu vực như Việt Nam, Malaysia và Indonesia”.

Báo cáo chiến lược ngày 3/11 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Báo cáo chiến lược ngày 3/11 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Washington thống nhất việc cần cứng rắn với Bắc Kinh

Theo ông Cossa, Washington có thể chia rẽ về nhiều vấn đề quốc nội, nhưng không có nhiều tranh cãi trong việc cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Chính giới Mỹ có thể bất đồng về cách xử lý của Tổng thống Trump, nhưng họ ủng hộ lập trường đòi hỏi “có đi có lại” với Trung Quốc.

“Hướng đi cứng rắn hơn (của Mỹ) với Bắc Kinh bắt nguồn từ việc phân tích tỉnh táo hơn hành động của Bắc Kinh trong quá khứ”, ông Cossa phân tích. “Nhiều người, bao gồm cả tôi, không thích cách xử lý của ông Trump, nhưng những nguyên nhân mà ông ‘chẩn đoán’ ra là đúng”.

Washington nhìn nhận Bắc Kinh đã không giữ lời hứa khi vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là mở cửa thị trường và giảm dần vai trò các doanh nghiệp nhà nước, hay lời hứa năm 2002 không thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, không quân sự hóa các đảo đá - những hành vi trái với tinh thần của DOC (Tuyên bố của các bên về Biển Đông).

Vì vậy, Washington cho rằng việc áp thuế, chiến tranh thương mại là phản ứng thích đáng, cũng như việc điều tàu chiến qua Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải.

Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Planet Labs.

Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Planet Labs.

Washington cũng nhìn nhận việc “cấm cửa” Huawei là có lý, khi đặt cạnh việc Facebook và Google bị chặn từ lâu ở Trung Quốc.

Về Hong Kong, Washington cho rằng mình đã trao cho Hong Kong những ưu đãi thương mại vì quy chế “một quốc gia, hai chế độ” của thành phố này. Vì vậy, Mỹ coi việc đe dọa rút lại các ưu đãi là có lý, trước các cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy chế đó, theo ông Cossa.

Ric Smith, đồng Chủ tịch tại chi nhánh Australia của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), đồng tình với đánh giá của ông Cossa. “Trung Quốc có nhiều khoản đầu tư ở Australia và các nước khác, Australia hầu như mở cửa hoàn toàn cho đầu tư, nhưng các công ty Australia lại không thể hoạt động tương tự ở Trung Quốc”, ông Smith nói.

Người biểu tình tuần hành đêm 28/11 ăn mừng việc Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Người biểu tình tuần hành đêm 28/11 ăn mừng việc Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Biến chuyển của tam giác Mỹ - Nga - Trung

Tiến sĩ Alice Ekman, nhà phân tích châu Á, Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu, chỉ ra rằng sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc sẽ tác động lớn tới cạnh tranh Mỹ - Trung. Hợp tác giữa hai bên đã tiến xa trong những năm gần đây, nhất là sau khi Nga bị Mỹ trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014.

Nga mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vostok 2018, lớn nhất của Nga từ trước đến nay (300.000 lính Nga - 1/3 lực lượng vũ trang), ở phía đông nước này. Sau đó một năm, Trung Quốc và Nga tiếp tục cùng 5 nước khác tham gia tập trận lớn 6 ngày ở Siberia, có 128.000 binh sĩ tham gia.

Trước đó, hai bên từng tập trận chung nhiều lần trên biển, như ở Địa Trung Hải năm 2015, Biển Đông năm 2016, biển Baltic năm 2017. Bán những công nghệ quân sự mới nhất cho Trung Quốc - tên lửa đất đối không S-400 cùng máy bay chiến đấu SU-35 - Nga muốn gửi thông điệp rằng nước này không coi Trung Quốc là mối đe dọa.

Trong chuyến thăm Moscow năm 2018, người sau này lên làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, thẳng thắn tuyên bố: “Phía Trung Quốc đã tới đây để cho người Mỹ thấy quan hệ thân cận giữa quân đội Trung Quốc và Nga”.

Tổng thống Putin (phải) bắt tay một sĩ quan quân đội Trung Quốc tại tập trận Vostok 2018. Ảnh: AP.

Tổng thống Putin (phải) bắt tay một sĩ quan quân đội Trung Quốc tại tập trận Vostok 2018. Ảnh: AP.

Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ toan tính “đẩy Huawei khỏi thị trường thế giới một cách trơ trẽn” khi gặp Chủ tịch Tập tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St. Petersburg hồi tháng 6. Sau cuộc gặp đó, Huawei giành được quyền triển khai 5G ở Nga. Hai lãnh đạo ký tuyên bố chung ghi rõ “quan hệ Nga - Trung đã bước vào thời đại mới, đứng trước cơ hội phát triển hơn”.

Hai bên cũng hợp tác trong việc xây dựng các cơ chế an ninh khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), “được thúc đẩy nhờ quan hệ cá nhân tốt giữa ông Putin và ông Tập”, theo bà Ekman.

Các chuyên gia nhìn nhận lập trường của Nga và Trung Quốc về an ninh trong khu vực tương đồng với nhau, cùng e ngại trật tự thế giới mà họ cho là do phương Tây áp đặt.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 3/11 về hai năm đi theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ trích Nga và Trung Quốc là "những cường quốc xét lại… đang tìm cách thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi của mình bất chấp lợi ích của những nước khác". Báo cáo nêu ra sự cạnh tranh giữa "tầm nhìn tự do” của Mỹ và một trật tự khác mang tính “cưỡng ép”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh Washington đặt mục tiêu xây dựng "mạng lưới các đối tác an ninh cùng chí hướng". “Bộ tứ Kim cương” Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ được coi là có vai trò lớn trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Tàu chiến ven biển LCS 8 của Mỹ trong cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân các nước ASEAN vào tháng 9. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu chiến ven biển LCS 8 của Mỹ trong cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân các nước ASEAN vào tháng 9. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ngày 13/12, phát biểu trước một ủy ban Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận xét Trung Quốc và Nga là thách thức hàng đầu.

"Cả hai quốc gia đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình… (bao gồm) lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng”, ông Esper nói. “Bắc Kinh và Moscow không chỉ vi phạm chủ quyền các nước nhỏ hơn, mà còn làm suy yếu luật pháp và các quy tắc quốc tế để có lợi cho mình", ông nhận xét.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/doi-dau-my-trung-hoa-binh-nong-co-tro-thanh-chien-tranh-lanh-moi-post1025749.html