Đối đầu nảy lửa giữa Pantsir-S1 và UAV Thổ Nhĩ Kỳ: Kết quả hoàn toàn bất ngờ, chưa từng có
Cuộc đối đầu giữa các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo và UAV Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya là vô tiền khoáng hậu, chưa từng có trong chiến tranh hiện đại.
Pantsir-S1 từ "sát thủ"...
Trước khi tham chiến ở Libya, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo là "ngôi sao sáng" khi chứng minh được hiệu quả cực tốt trong thực chiến tại chảo lửa Syria.
Nếu như trong tay phòng không Syria, Pantsir-S1 "tốt 5" thì trong tay Nga "tốt 10", tổ hợp được mệnh danh là sát thủ của những mục tiêu bay tầm thấp có diện tích phản xạ radar rất nhỏ như máy bay không người lái (UAV) hay tên lửa hành trình.
Sở dĩ nói "tốt 10" là vì lưới lửa của Pantsir-S1 Nga bảo vệ các đầu não của Quân đội Nga tại sân bay quân sự Khmeimim và quân cảng Tartous ở Syria đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ khi chưa để lọt bất cứ mục tiêu nguy hiểm nào khi chúng lao vào tập kích.
Nên nhớ, UAV tự chế của phiến quân làm từ nhiều vật liệu như gỗ, composit và mút xốp không phản xạ radar lại với kích cỡ rất nhỏ khiến chúng chẳng khác mấy những mục tiêu "tàng hình", vậy mà vẫn bị tiêu diệt, không kịp gây hại cho các lực lượng Nga.
Tất nhiên, góp công lớn vào thành tích này là nhờ Nga có nhiều phương tiện trinh sát tối tân, đủ sức cảnh báo sớm và chỉ thị mục tiêu chính xác cho các tổ hợp phòng không, trong đó có Pantsir-S1 chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu kịp thời và khai hỏa tiêu diệt.
Còn với phòng không Syria thì Pantsir-S1 chỉ "tốt 5" mà thôi, vì mặc dù nhiều lần lập công, đặc biệt là trong trận đối đầu nảy lửa với tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của liên quân Mỹ-Anh-Pháp tháng 4/2018, nhưng phòng không Syria vẫn để mất ít nhất 2 tổ hợp Pantsir-S1 vào tay UAV cảm tử của Israel.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố tiêu diệt tới 8 tổ hợp loại này của phòng không Syria tại Idlib, tuy vậy Bộ Quốc phòng Nga lập tức bác bỏ khi khẳng định, ở khu chiến, chỉ có tổng cộng 4 tổ hợp Pantsir-S1 mà thôi và xác nhận 2 trong số đó bị hư hại nhưng sau đó đã nhanh chóng được sửa chữa để quay lại chiến đấu.
Đó là những vết đen khiến hình ảnh của Pantsir-S1 Nga bớt "long lanh", nhưng nói gì thì nói, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không này xứng đáng với biệt danh "sát thủ UAV" và nổi lên như một ngôi sao sáng, trong làng vũ khí chống mục tiêu bay tầm thấp khiến nhiều nước quan tâm đặt mua.
.... biến thành "con mồi", bị tận diệt
Cách đây vài ngày, trnag tin Defense Express của Ukraine tiết lộ một thống kê gây sốc, đó là các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy ít nhất 23 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo, trong đó có 8 tổ hợp ở chiến trường Syria, số còn lại là ở Libya. Nếu tính cả "thành tích" của Israel thì sẽ còn lớn hơn nữa.
Tuy nhiên, có thể thấy con số mà Defense Express đưa ra không khả tín vì họ cũng chẳng dẫn được bất cứ minh chứng cụ thể nào về thiệt hại của Pantsir-S1 ở Libya, trong khi con số 8 tổ hợp bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy ở Syria thì đã bị Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ ngay lập tức và chỉ thừa nhận có 2 tổ hợp bị hư hại và đã được sửa chữa chứ không phải bị phá hủy.
Rõ ràng trang tin Ukraine này cố tình "dìm hàng" Nga bởi những bất đồng hết sức nghiệm trọng của 2 quốc gia láng giềng từng là anh em một nhà.
Nhưng phải khẳng định việc Pantsir-S1 bị phá hủy, thậm chí là bị bắt sống với số lượng lớn ở Libya là có thật. Thống kê dựa trên những hình ảnh được các bên công bố cho ta thấy con số có lẽ là mới và gần chính xác nhất, với khoảng 10 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 bị tiêu diệt, trong đó có 2 ở Syria và 8 ở Libya.
Đổi lại Pantsir-S1 cũng tiêu diệt hàng chục chiếc UAV tối tân của Thổ Nhĩ Kỳ cả ở Libya và Syria. Thậm chí máy bay trinh sát RF-4 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải nếm mùi đau khổ.
Cuộc chiến giữa UAV và Pantsir-S1 chưa bao giờ quyết liệt như thế, tổn thất với mỗi bên đều lớn, đó là tất yếu, chiến tranh là vậy. Tuy nhiên, ở Libya, việc Pantsir-S1 bị thiệt hại nặng như vậy không hẳn là do tính năng của nó kém, mà phần lớn là do những sai lầm về chiến thuật sử dụng của các kíp chiến đấu.
Với chiến thuật "bầy UAV" ồ ạt của Thổ Nhĩ Kỳ, bên phòng thủ (Lực lượng LNA do tướng Haftar chỉ huy) đã không ứng phó hiệu quả, một phần là do lực lượng mỏng, lại phân tán nên các tổ hợp Pantsir-S1 thường độc lập tác chiến mà không hỗ trợ, bọc lót cho nhau hay cùng lúc khai hỏa diệt mục tiêu với số lượng lớn để phá vỡ chiến thuật của đối phương.
Bên cạnh đó, công tác ngụy trang, phòng tránh, đánh trả không được chú trọng nên Pantsir-S1 dễ bị phát hiện và cái giá phải trả là rất đắt.
Cuộc chiến giữa "mâu và thuẫn" còn dài, ngay từ lúc này người Nga đã nhận thấy những điểm yếu của Pantsir-S1 qua thực chiến tại Syria và Libya để khắc phục, nâng cấp và cho ra đời phiên bản mới tiên tiến hơn. Rồi đây chúng sẽ ra trận với diện mạo mới, "chất" hơn và uy lực hơn.
Nga dù có lo sốt vó thì cũng phải chấp nhận "sự thật đắng lòng" mà không thể cải thiện tình hình trong một sớm một chiều, bởi sẽ còn thêm nhiều Pantsir-S1 bị diệt ở Libya và thậm chí là cả ở Syria nữa.
Trông mong vào việc các quốc gia Ả-rập và Bắc Phi làm rạng danh vũ khí Nga trên chiến trường là vô vọng, những tấm gương tày liếp từ vài chục năm trước vẫn đang tiếp tục được nối dài.