'Đối đầu' trong và ngoài Vương quốc Anh xung quanh Brexit 'cứng'

Giữa những bất đồng trong nước về việc Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) bất chấp có thỏa thuận hay không có thỏa thuận (còn được gọi là Brexit 'cứng'), thì động thái mới đây của Chính phủ Anh bị cáo buộc là đã đẩy Vương quốc Anh tới gần cuộc khủng hoảng Hiến pháp.

Cờ Vương quốc Anh và cờ EU tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: Getty

Cờ Vương quốc Anh và cờ EU tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: Getty

Ngày 28-8, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, Chính phủ sẽ lên kế hoạch cho bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth II khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội vào ngày 14-10. Điều này đồng nghĩa với việc lịch làm việc của Quốc hội dự kiến bắt đầu từ ngày 3-9 sẽ bị hoãn đến ngày 14-10, trong khi ngày 31-10 là hạn chót của Brexit. Tức là thời gian chống lại Brexit “cứng” bị rút ngắn lại rất nhiều.

Bất bình với Thủ tướng Johnson, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã gọi ngày 28-8 là “ngày đen tối với nền dân chủ nước Anh” và kêu gọi đồng lòng chống lại kế hoạch này. Lãnh đạo đảng đối lập Jeremy Corbyn gay gắt chỉ trích quyết định của Thủ tướng là “mối đe dọa đến nền dân chủ”, đồng thời khẳng định quyết tâm chặn đứng một Brexit không thỏa thuận. Cùng với đó, trang Guardian dẫn lời Chủ tịch Quốc hội John Bercow cáo buộc Thủ tướng vi phạm Hiến pháp một cách “trắng trợn”. Công đảng đối lập và đảng Tự do dân chủ khẳng định sẽ không để kế hoạch thành hiện thực. Một kiến nghị trực tuyến phản đối quyết định này đã được 200.000 người ký tên.

Nữ hoàng Elizabeth II đã chấp thuận đề xuất hoãn phiên họp Quốc hội của Chính phủ. Kế hoạch này diễn ra một ngày sau khi các Nghị sĩ tổ chức họp bàn để thảo luận về các biện pháp sử dụng quyền lực của Quốc hội để buộc Thủ tướng Johnson trì hoãn Brexit thêm lần nữa. Mặt khác, các cuộc bỏ phiếu trước đó tại Quốc hội đã cho thấy, biện pháp ngăn chặn Brexit “cứng” chiếm ưu thế. Chính vì vậy, kế hoạch hoãn thời gian làm việc của Quốc hội bị chỉ trích vì nhằm ngăn chặn Quốc hội cản trở Brexit “cứng” diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Phản pháo” làn sóng chỉ trích, Thủ tướng Johnson cho biết, Chính phủ cần lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước, vì vậy, lịch trình bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth II được ấn định là ngày 14-10. Đồng thời, Thủ tướng Johnson giải thích rằng, Chính phủ đang xây dựng một chương trình lập pháp mới, có đủ thời gian cho tất cả các nghị sĩ thảo luận về EU, về Brexit cũng như các vấn đề khác. Đặc biệt, các Nghị sĩ sẽ có thể bỏ phiếu về các chương trình lập pháp của Chính phủ vào khoảng ngày 21 và 22-10.

Trước đó, ông Jeremy Corbyn cảnh báo, Brexit “cứng” đồng nghĩa với việc giao vận mệnh Vương quốc Anh cho Tổng thống Donald Trump và các công ty của Mỹ. Báo Independent đăng tải bài viết của ông Corbyn chỉ ra rằng, cuộc chiến ngăn chặn Brexit “cứng” không phải là cuộc chiến giữa người muốn rời EU và người muốn ở lại mà là cuộc chiến chống lại “nhóm lợi ích” muốn lợi dụng kết quả trưng cầu ý dân để giành thêm quyền lực và tài sản.

Không chỉ trong nội bộ Vương quốc Anh, Thủ tướng Johnson còn đang phải đối đầu giằng co với EU nhằm tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit đã được nhất trí giữa EU và Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May, trong đó, đáng chú ý nhất là kế hoạch chốt chặn dự phòng nhằm tránh khả năng tái thiết lập đường biên giới “cứng” trên đảo Ireland, giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Thủ tướng Johnson cho rằng, Thỏa thuận Brexit được bà May ký từng bị Quốc hội Anh từ chối 3 lần, tức là “đã chết yểu từ trong trứng nước” và ông đang nỗ lực thay đổi thỏa thuận này, vậy nên sẵn sàng tiến hành đàm phán Brexit với EU đến phút chót.

Từ nay đến hạn chót ngày 31-10, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Boris Johnson – người chỉ vừa nắm quyền hơn 1 tháng, nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu bất chấp có thỏa thuận hay không có thỏa thuận. Những ngày căng thẳng này, Vương quốc Anh sẽ còn nhiều chính biến phức tạp hơn nữa với những cuộc “đối đầu” không khoan nhượng cả trong lẫn ngoài nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-dau-trong-va-ngoai-vuong-quoc-anh-xung-quanh-brexit-cung/