Đội đèn đi cấy lúa đêm

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung xuống đồng cấy lúa mùa cho kịp thời vụ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ ban ngày ở mức cao nên người dân ở nhiều địa phương chọn cách tránh nắng, đội đèn cấy lúa đêm, bảo đảm khung thời vụ sản xuất vụ mùa.

Nông dân xã Văn Nhuệ (Ân Thi) đội đèn cấy đêm

Chiều muộn, bà Trần Thị Dung, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) mới ra đồng cấy lúa mùa. Bà Dung cho biết: Vài năm trở lại đây, gia đình tôi đã quen việc cấy lúa mùa lúc đêm tối. Gia đình tôi tranh thủ thời tiết mát mẻ trong khoảng thời gian 18 - 21 giờ tối và 2 – 7 giờ sáng để cấy, vừa giúp tránh được nắng nóng, bảo đảm sức khỏe cho mọi người mà cây lúa non cấy xuống không bị héo. Cấy đêm giúp cây lúa phát triển tốt hơn so với lúa cấy vào thời tiết nắng nóng, tuy nhiên, cấy đêm không đủ ánh sáng nên lúa cấy hơi thưa, sau cấy chúng tôi phải đi kiểm tra đồng ruộng và dặm bổ sung.

Bước vào những ngày gieo cấy lúa mùa, giờ sinh hoạt của gia đình chị Đinh Thị Hạnh ở xã Nhân La (Kim Động) bị đảo lộn. Ban ngày, khi nhiệt độ ngoài trời ở mức cao, gia đình chị làm các công việc nhà và nghỉ ngơi. Từ 17 giờ chiều, cả gia đình lại tập trung ra đồng nhổ mạ rồi chuyển mạ ra ruộng, rắc phân bón lót rồi mới cấy lúa. Chị Hạnh chia sẻ: Gia đình tôi cấy trên 2 mẫu ruộng. Xác định công việc nhà nông chỉ bận rộn vào ngày mùa nên gia đình tôi tranh thủ thời gian cấy đêm để bảo đảm tiến độ. Cấy đêm tuy vất vả, lúa cấy không được thẳng hàng do thiếu ánh sáng nhưng bù lại cây lúa bén rễ, phát triển nhanh hơn so với diện tích lúa cấy vào thời điểm nắng nóng.

3 giờ sáng, những ánh đèn chiếu rọi, tiếng nói râm ran của những người nông dân đang tranh thủ cấy lúa mùa tạo nên không khí lao động sôi nổi ở các xứ đồng của xã Văn Nhuệ (Ân Thi). Bà Nguyễn Thị Hải, người dân xã Văn Nhuệ chia sẻ: Thời tiết nắng nóng thế này, mạ lại đến ngày cấy nên chúng tôi chọn cách cấy đêm để bảo đảm thời vụ. Cấy đêm tuy mát nhưng do thời gian làm việc bị đảo lộn nên cơ thể cũng uể oải. Do đó, chúng tôi vừa cấy vừa đùa vui rằng cái thời “ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” của ông bà ta ngày xưa đã trở lại. Tuy nhiên, thay vì mò mẫm cấy dưới ánh trăng thì nay chúng tôi có đèn pin hỗ trợ, đỡ tối và chủ động hơn nhiều.

Đồng chí Nguyễn Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhuệ cho biết: Vụ mùa này, toàn xã có kế hoạch gieo cấy 362 ha. Những ngày qua, việc tranh thủ thời tiết mát vào buổi tối và sáng sớm để ra đồng cấy lúa mùa được nhiều người dân trong xã thực hiện, cách làm này còn giúp nhiều người dân làm công nhân ở các doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ ra đồng cấy lúa cùng với gia đình. Để người dân có nước làm đất, cấy lúa mùa đúng khung thời vụ, địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Ân Thi điều tiết nguồn nước, thông báo cho người dân thời điểm bơm nước để chủ động dẫn nước vào ruộng, đặc biệt là các ruộng đã cấy, tránh để chân ruộng khô khiến lúa non sẽ chết do nắng nóng. Đến nay, toàn xã đã cấy được trên 30% diện tích.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người dân ở một số địa phương còn tranh thủ đi cấy đêm thuê, tăng thu nhập gia đình. Chị Đặng Thị Dân, xã Bắc Sơn (Ân Thi) chia sẻ: Tranh thủ mấy ngày mùa, tôi nhận ruộng của người dân trong thôn để cấy tối. Mấy năm gần đây, do người dân ở một số địa phương đi làm công ty nhiều, không mặn mà với đồng ruộng nên công thợ cấy tăng cao. Vụ mùa này, giá công cấy trung bình hiện là 400 nghìn đồng/ngày, nếu nhận cấy theo tiếng là 50 nghìn đồng/tiếng. Tuy vất vả nhưng sau mỗi vụ cấy, chúng tôi cũng có thêm vài triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa mùa, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chỉ nên cấy khi mạ gieo đủ ngày; nên tập trung cấy vào thời điểm mát mẻ trong ngày, tránh cấy khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao để bảo đảm sức khỏe, giúp cây lúa ít bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm cung cấp nguồn nước tưới, người dân nên chủ động be bờ, giữ nước trong ruộng để lúa mới cấy không bị héo, tiến hành bón phân bảo đảm đúng lượng, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202106/doi-den-di-cay-lua-dem-fb4479f/