Đối diện hình phạt nào?
Theo luật sư, đối tượng đánh người đàn ông tử vong sau va chạm giao thông ở Bình Dương sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nghi phạm đánh người đàn ông tử vong sau va chạm giao thông
Hành hung do va quẹt xe
Ngày 4/1, CATP Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm tử thi, tiếp tục điều tra làm rõ vụ người đàn ông bị đánh chết não do va quẹt xe. Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân Nguyễn Tiến B (39 tuổi, trú tại TP Bến Cát) đã tử vong vào chiều 3/1. Thi thể nạn nhân được bệnh viện giao cho Cơ quan điều tra khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân. Sau khi hoàn tất các thủ tục, gia đình đã đưa thi thể anh B về nhà ở phường Thới Hòa, TP Bến Cát để lo hậu sự. Anh Nguyễn Tiến B là nạn nhân bị đối tượng Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê tỉnh An Giang) đánh do va quẹt xe trên đường Mỹ Phước Tân Vạn vào tối ngày 30/12/2024.
Như đã thông tin trước đó, khoảng 19h ngày 30/12/2024, anh B. điều khiển xe máy trên đường đi đá bóng về. Tới giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8, phường Thới Hòa, TP Bến Cát thì xảy ra va quẹt xe máy của Lê Văn Hiền. Hai người đàn ông lao vào đánh nhau, Hiền quật ngã anh B xuống đường, rồi dùng tay, chân, nón bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu anh anh B làm nạn nhân bất tỉnh. Hiền lấy xe máy rời khỏi hiện trường và trốn về An Giang, sau đó ra đầu thú.
Tại CQCA, bước đầu Hiền khai do nạn nhân đánh mình trước nên xảy ra xô xát. Nạn nhân B được đưa tới bệnh viện, chẩn đoán dập não, huyết áp tụt, hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa do chết não, tới nay thì tử vong.
Xử nghiêm hành vi coi thường pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người, được quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm: làm chết người; gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Theo chuyên gia pháp lý, trường hợp, trong quá trình điều tra, xác minh nếu phát hiện có dấu hiệu của tội “Giết người” và có đủ cơ sở, Cơ quan điều tra có thể khởi tố đối tượng về tội “Giết người” theo quy định Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2025, với khung hình phạt tù có thể từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cũng cho biết, việc liên tục xảy ra các vụ việc đánh người nơi công cộng do vi phạm giao thông… đó là một vài cá nhân có ý thức coi thường pháp luật, chỉ vì cái tôi cá nhân, vì cho rằng lợi ích của mình bị xâm phạm mà sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, hành vi đánh người nơi công cộng là hành vi trái pháp luật, không chỉ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.
“Những người thực hiện hành vi nêu trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đánh người nơi công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên phân tích.
Vị chuyên gia luật cho biết rằng, để giảm thiểu những vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cơ quan chức năng cần phải ang cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Đồng thời, cần rằng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích.
“Nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng khi mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông thường chỉ do những va chạm nhỏ. Tuy nhiên người trong cuộc thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi dẫn đến động tay động chân. Hành vi này sẽ bị xem xét là hành vi mang tính côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực. Tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doi-dien-hinh-phat-nao-406361.html