Đôi điều cảm nhận về Trung tướng Nguyễn Hữu Chính

Hơn 20 năm trước, tôi nhận quyết định về công tác tại Phòng Tuyên huấn, Tổng cục Kỹ thuật. Bên cạnh sự quan tâm của thủ trưởng các cấp, của đồng chí, đồng đội, may mắn cho tôi được gặp Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, người thầy, người anh, người đồng chí và đôi khi là bạn tâm giao của tôi.

Anh có dáng người vừa phải, vầng trán cao, mái tóc hơi xoăn và đôi mắt sáng. Ấn tượng ban đầu ở anh với tôi là phong cách sống rất giản dị nhưng lúc nào cũng gọn gàng và ngăn nắp. Tính cách thì điềm đạm, cởi mở. Ở anh luôn toát ra sự khẳng khái, khí chất của người lãnh đạo. Với riêng tôi, trong suốt quá trình công tác từ ngày ấy đến bây giờ luôn được anh quan tâm, chia sẻ, dìu dắt, nâng đỡ, trên mọi phương diện. Tình cảm anh dành cho tôi vẫn vẹn nguyên, không thay đổi theo thời gian hay địa vị công tác.

Sau khi học xong Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội), tôi được điều chuyển về công tác tại Phòng Tuyên huấn, khi ấy anh là Trung tá, Phó trưởng phòng. Do “cái tướng nghênh ngang” của tôi nên có thủ trưởng chưa đồng tình. Tại cuộc họp, trên cương vị là Phó trưởng phòng Tuyên huấn, anh đã phát biểu rằng: “Ở góc độ tổ chức, chúng tôi xin người về để làm việc, không chi phối bởi lý do ngoài chuyên môn. Nếu có những hạn chế, khuyết điểm thì cần phải dìu dắt, rèn luyện để anh em khắc phục, sửa chữa. Còn ở góc độ cá nhân, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Chính trị về trường hợp này”.

 Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.

“Lấy người về để làm việc” cũng chính là tư duy xuyên suốt quá trình làm công tác lãnh đạo của anh về sau. Trải qua nhiều chức trách khác nhau, dù trên bất cứ cương vị nào anh đều nói với chúng tôi rằng: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trước tiên chúng ta phải có một tập thể mạnh, cả chuyên môn và tinh thần đoàn kết. Và muốn có tập thể mạnh chúng ta cần phải có những cá nhân giỏi”. Chính vì vậy việc lựa chọn cán bộ về công tác tại nơi anh là chủ trì đều được sàng lọc kỹ càng, ưu tiên những người hội đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, không có chỗ cho những kẻ cơ hội, lười biếng, kém cả về năng lực và phẩm chất. Ở đâu có anh, ở đó luôn có một tập thể mạnh cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn tinh thần đoàn kết, nhờ đó mà kết quả thực hiện nhiệm vụ luôn ở mức tốt và xuất sắc.

Ở anh Nguyễn Hữu Chính có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc mình làm, không chỉ cho bản thân anh mà còn cho cả anh em trong Phòng Tuyên huấn. Tôi còn nhớ năm 2002, Tổng cục tổ chức Đại hội Phụ nữ, tôi được giao nhiệm vụ trang trí khánh tiết hội trường, tít chính có nội dung: “Đại hội Phụ nữ Tổng cục Kỹ thuật lần thứ 2, nhiệm kỳ 2002-2007”, phông chữ được thể hiện bằng chữ in hoa, số 2 được viết theo chữ số La Mã nên có vẻ hơi giống chữ số 11. Có người nêu ý kiến cho rằng phải sửa lại chữ số 2 đó, anh có ý kiến phản biện rằng: “Các anh phải biết đây là chữ số La Mã, đúng theo Điều lệnh. Vì vậy không có gì phải sửa, nếu sai, tôi thay mặt Phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Tổng cục”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại buổi bàn giao nhiệm vụ Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật năm 2015.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại buổi bàn giao nhiệm vụ Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật năm 2015.

Ngay từ khi là trợ lý, anh đã sớm bộc lộ là người có tư duy sáng tạo, vừa có tâm, có tầm và phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo. Anh có sức hút kỳ lạ trước đám đông. Cứ mỗi lần anh đứng bục, khi là giảng nghị quyết, lúc là thông báo thời sự đều tạo được sự hứng khởi cho người nghe. Anh có thể biến buổi học tập nghị quyết khô khan thành buổi sinh hoạt chính trị sôi nổi và cởi mở. Cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận vấn đề khác với những lối mòn. Lối giảng bài và cách diễn thuyết như người kể chuyện, kéo người nghe lại gần gũi hơn, anh thường đưa những ví dụ thực tiễn và mang tính thời sự vào các vấn đề vừa nêu.

Năm 2001, sau khi Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại của Mỹ bị khủng bố, chỉ 2 ngày sau, ngày 13-9, Tổng cục tổ chức thông báo thời sự nhanh về sự kiện trên. Anh được giao nhiệm vụ thông báo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên khối cơ quan Tổng cục những thông tin chính xác, đầy đủ và chính thống. Cứ tưởng rằng mọi người đều đã nắm bắt được vì các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trước đó. Nhưng không, bằng khả năng của mình, với các luồng thông tin đa chiều anh đã có một bài nói chuyện hết sức cô đọng và súc tích, với phương pháp trình bày dễ nghe, dễ hiểu giàu thông tin và tính thời sự. Ngay cả cái tiêu đề của bài nói chuyện cũng đã khiến người nghe phải tò mò xem ở trong đó nói cái gì? Như thế nào? Và bài này anh đặt nó với tên: “Nước Mỹ bị tấn công”.

Buổi thông báo thời sự hôm đó có thời lượng là 90 phút, cái khoảng thời gian đủ để cho mỗi người nếu không có việc gì thì cũng đã ngủ được một giấc no nê. Tôi nhớ rất rõ, sau khi ổn định công tác tổ chức, đến phần thực hiện của anh, cả hội trường im phắc, chỉ còn giọng của anh phát ra từ hai cái loa ở hai góc hội trường. Ngày ấy chưa có hệ thống âm thanh tốt như bây giờ, tuy không được to lắm nhưng cũng đủ để mọi người nghe. Giọng anh lúc trầm, lúc bổng, khi cần nhấn mạnh vấn đề anh nhắc lại một vài lần cho người nghe nhớ kỹ hơn. Không có phương tiện hỗ trợ trình chiếu, video clip minh họa như bây giờ nhưng anh khiến mọi người ngỡ mình đang đứng trước tòa nhà Trung tâm Thương mại ấy, như đang được chứng kiến tận mắt cảnh tượng kinh hoàng, tấn thảm kịch mà khủng bố vừa gây ra cho người dân nước Mỹ. Suốt từ đầu đến cuối buổi nói chuyện thời sự ấy, người nghe đi từ sự bất ngờ này sang bất ngờ khác. Để rồi kết thúc, mọi người ra về với tâm trạng cực kỳ phấn chấn, bàn tán xôn xao: Ồ! Hóa ra những thông tin mà mình nghe và xem được trước đó còn quá ít. Cũng vì lẽ đó mà mọi người thường gọi anh là “Lưỡi vàng” của Tổng cục.

Để có được những thông tin như vậy đến với người nghe, ngoài những tư liệu trên cung cấp, anh dành nhiều thời gian cho việc đọc các loại sách, báo, tổng hợp, xâu chuỗi thông tin. Trong phòng làm việc của anh bên cạnh các loại tủ tài liệu bao giờ cũng có một tủ sách các loại, từ lịch sử, văn học đến khoa học công nghệ, giải trí... Vì anh cho rằng sách chính là kho tàng kiến thức của nhân loại, là người thầy vĩ đại nhất. Nhờ vậy mà anh có lượng kiến thức đồ sộ, khi nói vấn đề gì anh đều có những dẫn chứng cụ thể. Cũng phải nói rằng anh có trí nhớ tuyệt vời, nhiều thông tin vậy mà anh vẫn nhớ vanh vách, không sai từ mốc thời gian, câu chữ.

 Trung tướng Nguyễn Hữu Chính (ngoài cùng, bên trái) cùng các bạn đồng ngũ tại quê hương Kim Bảng, Hà Nam.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính (ngoài cùng, bên trái) cùng các bạn đồng ngũ tại quê hương Kim Bảng, Hà Nam.

Đối với cấp dưới, anh thường xuyên nhắc nhở mọi người cần phải tự học, tự nghiên cứu từ đó mới có kiến thức để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong công việc anh hết sức nghiêm túc, trong sinh hoạt anh rất hòa đồng, vui vẻ với mọi người. Nếu có ai đó mắc phải khuyết điểm gì, một mặt anh nghiêm khắc chấn chỉnh, chỉ ra cái sai và nguyên nhân để khắc phục sửa chữa, một mặt anh ân cần động viên, an ủi để người đó biết được khuyết điểm của mình, tránh được sai phạm những lần sau.

Dù là người lãnh đạo cao nhất của Tổng cục, bận rất nhiều việc nhưng anh cũng dành nhiều thời gian để đi kiểm tra, nắm bắt đơn vị cơ sở, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, những nơi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt. Thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình chính sách, gia đình có công trên địa bàn đơn vị đóng quân, xây dựng mối đoàn kết quân dân, từ đó tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin đối với Quân đội nói chung, với các đơn vị của Tổng cục nói riêng, tạo dựng hàng rào lòng dân, là điểm tựa vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Đời sống cán bộ, nhân viên khối các nhà kho của Tổng cục Kỹ thuật ngoài việc khó khăn về kinh tế, điều kiện sinh hoạt còn một khó khăn rất tế nhị. Đó là đa số nhân viên làm công việc bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật đều là nam giới. Chính vì vậy mà việc xây dựng gia đình của các nhân viên nam ở đây vô hình trung trở thành một vấn đề khó khăn. Năm 2002, sau nhiều ngày tháng trăn trở, anh đã đề xuất với thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật và được đồng ý cho nghiên cứu đề tài khoa học với tiêu đề: “Công tác tư tưởng ở các kho vũ khí trang bị kỹ thuật trong Tổng cục Kỹ thuật”.

Đồng chí Đại tá Lê Văn Lai, Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục làm chủ nhiệm đề tài, anh và một số anh em khác là thành viên. Đề tài này nêu ra các nhóm giải pháp khắc phục sự khó khăn của cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật ở các kho vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trước hết phải ổn định về mặt tư tưởng. Ở đây cán bộ, nhân viên đã thiếu thốn đủ thứ, ấy vậy mà cái chuyện riêng tư cũng chẳng dám nghĩ đến, có nghĩ đến cũng không có cách nào giải quyết được, thử hỏi làm sao có thể yên tâm công tác.

Thấu hiểu được điều kiện ấy, đề tài đã nêu ra mấy vấn đề cần phải giải quyết khắc phục tình trạng ấy, trong đó tập trung vào việc: “Làm thế nào để anh em có thể xây dựng hạnh phúc riêng ngay trong đơn vị, hoặc nơi địa bàn đóng quân của mình”. Nhiều biện pháp đã được đưa ra như: Hằng năm cần tăng cường tuyển dụng chiến sĩ, công nhân viên nữ vào các kho; giao lưu, kết nghĩa với các đoàn thể của địa phương nơi đơn vị đóng quân, luân chuyển cán bộ, nhân viên, những người đã lớn tuổi vẫn chưa lập gia đình về nơi có điều kiện thuận lợi hơn... Thông qua đề tài này đã giải quyết được phần nào sự khó khăn ấy, cũng chính đề tài này đã góp phần làm ổn định công tác tư tưởng ở các nhà kho vũ khí, trang bị kỹ thuật trong những năm qua.

Sau này, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật anh vẫn thường xuyên sâu sát đơn vị cơ sở, luôn tìm hiểu xem anh em bên dưới có khó khăn gì cần phải giải quyết. Bằng hình thức đối thoại dân chủ, khách quan, qua đó giúp cho cá nhân anh cũng như các Thủ trưởng Tổng cục đề ra các chủ trương, biện pháp giải quyết tận gốc của vấn đề, giải quyết được những khúc mắc, ổn định tình hình chính trị nội bộ, để mỗi cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, xây dựng đơn vị.

Trong việc giải quyết các mối quan hệ từ trên xuống dưới, anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội trong và ngoài cơ quan anh đều có thái độ ôn tồn, luôn lắng nghe, suy xét, giải quyết mọi tình huống đều thấu tình đạt lý. Có những việc tưởng chừng khó khăn nhưng đến tay anh trở nên rất nhẹ nhàng, do đó anh được coi như hạt nhân của sự đoàn kết.

Gia đình quân nhân của đồng chí Nguyễn Hữu Chính.

Gia đình quân nhân của đồng chí Nguyễn Hữu Chính.

Hơn 40 năm công tác trong Quân đội, từ anh lính Binh nhì đến khi là Trung tướng-người chủ trì hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở một tổng cục quan trọng của Bộ Quốc phòng, cuộc đời anh cũng trải qua biết bao thăng trầm trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Anh luôn nói với chúng tôi, để có được ngày hôm nay, ngoài ý chí, nghị lực của bản thân anh còn có sự yêu thương, che chở của cha mẹ, những người đã sinh ra và nuôi nấng anh, dạy dỗ anh nên người. Vì vậy đối với cha mẹ, anh một lòng hiếu kính và tôn trọng. Bên cạnh đó anh có một người vợ tuyệt vời, hội đủ phẩm chất “Tam tòng tứ đức”, luôn biết lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, hết mực yêu thương chồng con, luôn bên cạnh anh, động viên, chia sẻ, cùng anh gánh vác những công việc khó khăn. Chị thực sự là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Ngoài ra, còn có những người bà con làng xóm, quê hương nơi anh sinh ra, những người thầy, người cô đã cho anh cái chữ, cho anh kiến thức, rồi anh em, bạn bè, đồng chí đồng đội của anh cũng luôn bên anh, đùm bọc, nâng đỡ anh. Chính vì vậy anh thường nói: “Bây giờ là lúc mình phải làm cái gì đó để đền đáp công ơn ấy, cho dù có làm gì đi chăng nữa thì cũng chưa bao giờ là đủ với những gì mình đã nhận được”.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Hữu Chính trực tiếp hỗ trợ gạo cho đồng bào gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, năm 2021.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Hữu Chính trực tiếp hỗ trợ gạo cho đồng bào gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, năm 2021.

Với riêng tôi, từ những ngày đầu về công tác tại Phòng Tuyên huấn, anh đã là người dìu dắt, nâng đỡ tôi, luôn quan tâm, giúp đỡ những lúc tôi gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngay cả những lúc ốm đau, bệnh tật phải nằm viện anh vẫn bên cạnh động viên, chia sẻ. Khi tôi cưới vợ, chính anh là chủ Lễ thành hôn của vợ chồng tôi. Khi con tôi ốm cũng vẫn là anh (cả chị nữa) đến tận nhà thăm hỏi. Mẹ tôi dù ở quê xa nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về anh đều gửi quà chúc Tết. Những nghĩa cử ân tình ấy cả đời tôi không bao giờ quên. Tôi luôn coi anh là một tấm gương sáng để mình học tập và noi theo. Tôi luôn lấy hình ảnh của anh, gia đình anh từ lối sống, quan hệ ứng xử đến phương pháp giáo dục con cái làm hình mẫu để áp dụng cho cuộc sống của bản thân tôi và gia đình.

ĐÀM ĐỨC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/doi-dieu-cam-nhan-ve-trung-tuong-nguyen-huu-chinh-736557