Đôi điều chia sẻ của giáo viên về một số đề kiểm tra Ngữ văn có 'sạn'
Để đánh giá được mục tiêu phẩm chất và năng lực của học sinh, khi thiết kế câu hỏi đọc hiểu, giáo viên cần tuân thủ một số nguyên tắc.
Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải một số bài viết nêu "sạn" trong đề kiểm tra Ngữ văn giữa học kì 1 và cuối kì 1 tại Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, người viết là giáo viên Ngữ văn xin được có đôi điều chia sẻ.
Từ đề kiểm tra giữa học kì 1
Ngày 5/11, Tạp chí điện tử Giáo dục điện tử Việt Nam đăng bài “Đề kiểm tra giữa HK1 Ngữ văn không rõ ràng, lãnh đạo THCS Võ Trường Toản nói gì?”.
Theo người viết, đề kiểm tra giữa học kì 1 lớp 9 Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản vi phạm nhiều tiêu chí:
Thứ nhất, nội dung tư tưởng không có tính giáo dục đối với học sinh lớp 9: Bài thơ “Có tuổi rồi nên tôi chọn bình yên” thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của những người “có tuổi rồi” không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh đang nhiều ước mơ. Đọc bài thơ, học sinh không cảm nhận được tâm trạng của người lớn nên khó làm bài. Vì thế, bài thơ không giáo dục học sinh theo hướng tích cực mà có tư tưởng ích kỷ, mặc kệ.
Thứ hai, cách ghi nguồn chưa đúng: Ngữ liệu không có nguồn gốc rõ ràng, được lấy từ trang mạng không được quản lý, kiểm duyệt của bất kỳ một cơ quan chức năng nào. Cách ghi nguồn không đúng theo quy định (tên tác phẩm, tác giả, ghi rõ đường link chứa tác phẩm, ngày truy xuất).
Thứ ba, hình thức trình bày có nhiều lỗi: Đoạn thơ có mở dấu ngoặc kép mà không có dấu đóng ngoặc kép. Nhan đề bài thơ không cho vào ngoặc kép hoặc in nghiêng.
Thứ tư, kiến thức kiểm tra không tương thích với Chương trình lớp 9: Yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt không có trong yêu cầu cần đạt của Chương trình lớp 9.
Thứ năm, dùng từ không thống nhất: Trong đề có 5 lần dùng từ “đoạn thơ”, nhưng trong câu hỏi 2 thì dùng từ “đoạn” không mang nghĩa tường minh.
Trả lời với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (4/11), cô Nguyễn Thị Ngân Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, là người duyệt đề kiểm tra này cho rằng: Đề kiểm tra này hoàn toàn không sai nhưng chưa bám sát với định hướng và yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa nằm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đề kiểm tra này có thể chưa hay, có câu hỏi có thể diễn đạt chưa rõ ràng, nhưng đã ra đúng định hướng ôn tập của giáo viên với học sinh trên lớp.
Cô chia sẻ: “Ngữ liệu của đề này được lấy từ bên ngoài, không lấy từ sách giáo khoa nên đã đúng quy định của Bộ và Sở. Năm nay là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh khối 9, nên sắp tới, trường sẽ tiếp tục nghiên cứu ra các đề kiểm tra hay hơn, rõ ràng hơn”. [1]
Đến đề kiểm tra cuối học kì 1
Không chỉ đề kiểm tra giữa kì, đến đề kiểm tra cuối kì lớp 6, những băn khoăn xung quanh đề Ngữ văn của trường lại được độc giả phản ánh đến Tạp chí.
Ngày 20/12, Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam đăng bài “Bạn đọc nêu đề kiểm tra Ngữ văn có 'sạn', lãnh đạo THCS Võ Trường Toản nói gì?”
Theo đó, đề có những hạn chế từ nội dung đến hình thức. Có thể tóm tắt như sau:
Thứ nhất, về mặt hình thức trình bày: Các ký hiệu được trình bày trong đề kiểm tra không thống nhất như dấu chấm, dấu hai chấm sau “Phần I”, “Phần II”; chữ số thập phân lúc thì dùng dấu chấm, lúc dùng dấu phẩy; chữ số tự nhiên chỗ thì có số 0, chỗ thì không có số 0 phía trước.
Thứ hai, về cách dùng từ: Ở phía trên đề kiểm tra dùng từ “văn bản”, phía dưới dùng từ “bài thơ”. Nhưng văn bản ngữ liệu chỉ là một đoạn trích, không phải là “bài thơ”.
Thứ ba, về cách trích dẫn: Câu hỏi 1 trích dẫn lại 2 câu thơ trong văn bản trong đề, nhưng thiếu dấu ba chấm ở cuối câu thơ.
Thứ tư, về hệ thống câu hỏi: Câu hỏi 3 yêu cầu học sinh nêu tác dụng của 2 trạng ngữ trong 2 câu văn xuôi, không liên quan đến văn bản thơ đề cho.
Thứ năm, sử dụng câu hỏi “đóng”: Câu hỏi số 4 yêu cầu học sinh “Nhận xét nét độc đáo khi tác giả sử dụng từ ngữ “dịu dàng” để miêu tả trong câu thơ “Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng” là buộc học sinh phải nghĩ theo hướng câu hỏi nêu ra, không được nghĩ theo hướng khác?
Thứ sáu, về cách ghi nguồn: Nếu ngữ liệu văn bản là đoạn trích thì nên rõ: trích trong… (tên tác phẩm), tên tác giả, in trong… (tên quyển sách chứa tác phẩm), tên nhà xuất bản, năm xuất bản, trang trích dẫn”.
Có thể nói, từ những hạn chế về dấu câu, từ ngữ,… đã nêu dẫn đến những câu hỏi chưa tường minh về mặt nội dung, có thể gây khó khăn cho học sinh trong quá trình tư duy để làm bài.
Sau khi nhận thông tin của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay trong sáng ngày 19/12, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân Hà, tổ trưởng tổ chuyên môn) và các giáo viên đang dạy Ngữ văn lớp 6 của trường đã họp để xem xét những nội dung có liên quan đến đề kiểm tra này và đồng ý nhất trí với các ý kiến như sau:
Về hình thức: Trường sẽ rút kinh nghiệm trong việc sử dụng các ký hiệu, sử dụng từ ngữ nhất quán trong đề kiểm tra.
Về mặt nội dung: Trường khẳng định, đề kiểm tra bám sát định hướng chuyên môn, ma trận, đặc tả của hội đồng bộ môn Quận 1 thống nhất. Câu hỏi tích hợp kiến thức tiếng Việt theo đúng yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đề kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực của học sinh. Đề không đánh đố hay yêu cầu học sinh trả lời những gì thiên về cả bài thơ. [2]
Nội dung phản hồi của trường chưa thuyết phục
Dù nhà trường phản hồi rất nhanh về thông tin của Tạp chí Giáo dục Việt Nam nhưng đứng ở góc nhìn của một giáo viên dạy Ngữ văn, tôi chưa thấy thỏa đáng về nội dung trao đổi của lãnh đạo nhà trường.
Thứ nhất, khắc phục về hình thức trình bày không khó nhưng vẫn còn quá nhiều lỗi so với đề kiểm tra giữa học kì 1.
Thiết nghĩ, người biên soạn đề ngoài kiến thức còn đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận; người thẩm định ngoài những tố chất của người biên soạn còn phải nhạy bén, chuyên môn vững.
Đề kiểm tra với quy mô toàn trường nên hạn chế ít nhất lỗi không đáng có như lỗi dùng ký hiệu thường gặp, lỗi trình bày văn bản đề kiểm tra hay lỗi dấu câu,…
Tất cả đều phải đảm bảo tính chuẩn xác để giáo dục học sinh vì trong Chương trình, học sinh được học ý nghĩa và cách sử dụng những ký hiệu, dấu câu.
Đối với môn Ngữ văn, một ký hiệu, một dấu câu đều có khả năng khơi gợi một cách hiểu nào đó.
Chẳng hạn, một số ký hiệu học sinh được học ở các lớp như sau:
Lớp 3: “3.3. Công dụng của dấu gạch ngang (đặt ở đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật); dấu ngoặc kép (đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp hoặc lời đối thoại); dấu hai chấm (báo hiệu phần giải thích, liệt kê).”
Lớp 4: “3.5. Công dụng của dấu gạch ngang (đặt ở đầu dòng để đánh dấu các ý liệt kê); dấu gạch nối (nối các từ ngữ trong một liên danh); dấu ngoặc kép (đánh dấu tên của một tác phẩm, tài liệu); dấu ngoặc đơn (đánh dấu phần chú thích).”
Lớp 6: “2.3. Công dụng của dấu chấm phẩy (đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một chuỗi liệt kê phức tạp); dấu ngoặc kép (đánh dấu cách hiểu một từ ngữ không theo nghĩa thông thường).”
Lớp 7: “2.3. Công dụng của dấu chấm lửng (phối hợp với dấu phẩy, tỏ ý nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết; thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng; làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm).”
Thứ hai, khắc phục lỗi dùng từ ngữ không khó, nếu người biên soạn đề cẩn thận hơn. Trong đề kiểm tra/ đề thi, thường có những yêu cầu viết “đoạn văn”, “bài văn”.
Nếu học sinh không phân biệt được nghĩa của 2 từ này thì chắc chắn điểm số sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Vì thế đề cần xác định cách viết đúng là “đoạn thơ” hay “bài thơ”, không thể trong cùng đề kiểm tra lúc dùng từ “đoạn thơ” lúc dùng từ “bài thơ” làm ảnh hưởng đến tư duy của học sinh.
Trong Chương trình Ngữ văn 2018, học sinh được học và rèn luyện về từ, cách dùng từ. Chẳng hạn:
Từ lớp 1 đến lớp 5 đều có dạy: “2.1 Vốn từ theo chủ điểm.”
Lớp 4: “2.5. Tác dụng của việc lựa chọn từ ngữ trong việc biểu đạt nghĩa.”
Lớp 5: “2.2. Từ điển: cách tìm từ, nghĩa của từ, cách dùng từ và tra cứu thông tin khác.”
Thứ ba, lãnh đạo trường Võ Trường Toản khẳng định câu hỏi tiếng Việt hoàn toàn đúng vì nội dung có trong Chương trình Ngữ văn 2018: “Trạng ngữ: đặc điểm, chức năng liên kết câu”. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là câu hỏi chưa gắn với ngữ liệu văn bản trong đề, chưa khai thác đặc điểm nghệ thuật để hiểu nội dung bài thơ. Hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá năng lực học sinh chưa tập trung khai thác ngữ liệu.
Câu hỏi văn học cần khai thác đặc trưng của thể loại văn bản, câu hỏi tiếng Việt cũng cần khai thác trong ngữ liệu trong đề nhằm tạo ra một hệ thống câu hỏi liên kết chặt chẽ với nhau; từ đó, giúp học sinh hiểu nội dung, nghệ thuật văn bản theo đặc trưng thể loại.
Một số kỹ năng xây dựng câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh
Để đánh giá được mục tiêu phẩm chất và năng lực của học sinh, khi thiết kế câu hỏi đọc hiểu, giáo viên cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Một là, câu hỏi phải dựa vào chỉ báo trong bản đặc tả, mỗi chỉ báo chỉ nên xây dựng 1 câu hỏi. Hạn chế viết quá 1 câu hỏi cho 1 chỉ báo vì như thế hệ thống câu hỏi sẽ không phủ rộng kiến thức trong đề kiểm tra.
Hai là, hệ thống câu hỏi khoảng 5 – 6 câu (với đề tự luận), trong đó, tích hợp đánh giá kiến thức tiếng Việt trong đọc hiểu. Các câu hỏi phải tương ứng với ma trận đề theo các cấp độ từ biết – hiểu – vận dụng.
Ba là, câu hỏi cần bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình và bao quát các yếu tố thuộc về nội dung cũng như hình thức của văn bản (bám sát ngữ liệu văn bản đọc hiểu) bởi Chương trình dạy theo đặc trưng thể loại.
Khi đặt câu hỏi đọc hiểu, giáo viên cần tránh 9 hạn chế sau: Thứ nhất, câu hỏi diễn đạt mơ hồ, không rõ mức độ tư duy và không rõ đáp ứng yêu cầu cần đạt nào; Thứ hai, câu hỏi chỉ tập trung khai thác khía cạnh nội dung hoặc hình thức của văn bản;
Thứ ba, câu hỏi khai thác nội dung chỉ tập trung hỏi vào những yếu tố thuộc về tiểu tiết của văn bản; Thứ tư, câu hỏi vận dụng tách rời văn bản; Thứ năm, câu hỏi đánh giá những yêu cầu cần đạt ứng với các cấp lớp thấp hơn cấp lớp cần đánh giá;
Thứ sáu, câu hỏi tiếng Việt có nhiều hơn 1 đáp án đúng; Thứ bảy, câu hỏi mang tính áp đặt hoặc mang tính đánh đố hoặc “gài bẫy” học sinh;
Thứ tám, câu hỏi mở mà học sinh có thể đoán trước câu trả lời hoặc trả lời một cách sáo rỗng, khiên cưỡng; Thứ chín, câu hỏi có đáp án trùng lặp hoặc gợi ý đáp án cho câu hỏi khác.
Tóm lại, đề kiểm tra định kỳ cần chuẩn xác từ hình thức trình bày; ngữ liệu có tính giáo dục, thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh; hệ thống câu hỏi phải bám sát ngữ liệu, hướng vào đặc trưng thể loại văn bản và đánh giá được năng lực, phẩm chất người học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/de-kiem-tra-giua-hk1-ngu-van-khong-ro-rang-lanh-dao-thcs-vo-truong-toan-noi-gi-post246734.gd
[2] https://giaoduc.net.vn/ban-doc-neu-de-kiem-tra-ngu-van-co-san-lanh-dao-thcs-vo-truong-toan-noi-gi-post247965.gd