Đôi điều về ngoại giao của Trung Quốc thời COVID-19

Trung Quốc đang tranh thủ đại dịch COVID-19 để xây dựng hình ảnh của một lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm. Tuy nhiên, kế hoạch này có đạt hiệu quả như mong đợi hay không là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Một cường quốc lớn đầy tham vọng như Trung Quốc chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội tạo dựng hình ảnh, phát huy sức mạnh mềm và đảm nhận vai trò dẫn dắt thế giới khi đại dịch COVID-19 đang xảy ra. Mục tiêu khác là giảm bớt hình ảnh tiêu cực và ghi điểm trong cuộc chiến truyền thông với Mỹ - đối thủ địa chính trị hàng đầu của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chiến dịch ngoại giao và tuyên truyền nói trên hiện đang diễn ra một cách không hề suôn sẻ, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng.

Trước hết, khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc, dù là được xuất khẩu hay viện trợ, đều không qua được các bài kiểm tra chất lượng quốc tế. Các bộ dụng cụ xét nghiệm của Trung Quốc ở một số nơi bị xem là có độ chính xác rất thấp, ở nơi khác thì hoàn toàn… không sử dụng được.

Một lô hàng vật tư y tế Trung Quốc viện trợ cho Ý (Ảnh chụp hồi tháng 3-2020). Ảnh: AFP

Một lô hàng vật tư y tế Trung Quốc viện trợ cho Ý (Ảnh chụp hồi tháng 3-2020). Ảnh: AFP

Tình trạng xấu hổ này đặc biệt nổi bật ở châu Âu, khu vực hiện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Lục địa già cũng đang trở thành một chiến trường để truyền thông Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng tạo ảnh hưởng địa chính trị lên châu Âu và đang tích cực truyền tải thông điệp rằng “không giống Mỹ, Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn một “kỹ thuật tuyên truyền” khác. Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới liên tục mở hàng loạt tài khoản Twitter trong vòng sáu tháng gần đây. Mục đích của họ là gì? Buộc tội và chỉ trích hàng loạt những tổ chức và cá nhân nước ngoài, những người mà họ xem là đã “phỉ báng” Trung Quốc.

Thậm chí, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên còn ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng chính quân đội Mỹ đã đưa dịch bệnh tới Vũ Hán. Phương Tây gọi đó là chiến lược “ngoại giao Chiến Lang” (Wolf Warrior diplomacy).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trở thành biểu tượng của "ngoại giao Chiến Lang" đặt nặng tinh thần dân tộc và lợi ích của Trung Quốc. Ảnh minh họa: REUTERS

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trở thành biểu tượng của "ngoại giao Chiến Lang" đặt nặng tinh thần dân tộc và lợi ích của Trung Quốc. Ảnh minh họa: REUTERS

Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn đi xa hơn khi khai thác ngay lập tức thông tin từ một nhà khoa học Ý tên Giuseppe Remuzzi rằng “một bệnh viêm phổi lạ” đã xuất hiện ở Ý từ tháng 11-2019. Họ cho đó là bằng chứng chứng minh COVID-19 có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc. Người Ý dĩ nhiên hết sức tức giận. Qua động thái này, Trung Quốc dường như sẵn sàng hy sinh quan hệ song phương để đạt được lợi ích về mặt tuyên truyền.

Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại. Không phải tất cả hàng viện trợ y tế của Trung Quốc đều không thể sử dụng được và Bắc Kinh cũng rất nhanh chóng ra các quy định siết chặt chất lượng vật tư y tế xuất ra nước ngoài.

Dù nhiều ý kiến có thể lo ngại về ý định thật sự của Bắc Kinh, việc đánh đồng hoàn toàn hoạt động viện trợ này với tham vọng bá chủ thế giới mà không đặt chúng trong bối cảnh và lịch sử của viện trợ nhân đạo có thể khiến chúng ta không nhìn thấy được bản chất thật sự của vấn đề. Viện trợ nhân đạo là viện trợ nhân đạo, quốc gia nào chẳng muốn cải thiện hình ảnh của mình khi khủng hoảng xảy ra.

Tuy nhiên, cung cấp khẩu trang, máy thở hay các bộ xét nghiệm nhiều khả năng sẽ không giúp gì nhiều trong việc cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong mắt phần còn lại của thế giới, đặc biệt khi các “chiến lang” còn đang bận rộn hoạt động không ngừng nghỉ trên mạng xã hội.

Lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm không phải là một danh xưng dễ dàng đạt được. Trong ngắn hạn, các nước có thể cám ơn Trung Quốc về những hỗ trợ của Bắc Kinh trong đại dịch. Tuy nhiên, về dài hạn, thật khó để các quốc gia vốn đã nghi ngại từ trước các hành vi khác như tranh chấp lãnh thổ, công nghệ, hay bẫy nợ sẽ đột nhiên thay đổi thái độ chỉ vì Trung Quốc đã viện trợ khẩu trang hay máy thở.

(*) Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

ThS. NGUYỄN THẾ PHƯƠNG*

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/doi-dieu-ve-ngoai-giao-cua-trung-quoc-thoi-covid19-908959.html