Đôi điều về thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai với các đơn vị hành chính dự kiến
Ngày 26/1/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND kèm theo bản Tóm tắt 'Đề án Thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế'.
Theo tài liệu này, Thành phố Huế (sau khi trực thuộc Trung ương) có diện tích tự nhiên: 4.947,10 km2, quy mô dân số là 1.380.000 người; có 09 đơn vị hành chính, gồm: 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; có 131 ĐVHC cấp xã (73 xã, 51 phường và 07 thị trấn (giảm 22 xã và tăng 12 phường). Thành phố Huế sẽ có 9 đơn vị hành chính trực thuộc:
1- Quận Phú Xuân (Quận phía bắc sông Hương), có 127,00 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 229.649 người với 13 phường.
2- Quận Thuận Hóa (Quận phía nam sông Hương), có 139,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 313.800 người với 19 phường.
3- Thị xã Hương Trà có 392,57 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 79.843 người với 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 phường và 03 xã.
4- Thị xã Hương Thủy có 427,48 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 107.468 người với 08 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường và 01 xã.
5- Thị xã Phong Điền, có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 121.554 người với 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường và 06 xã.
6- Huyện Phú Lộc có 1.368,23 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 213.803 người với 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã và 04 thị trấn (Lăng Cô, Phú Lộc, Lộc Sơn và Khe Tre).
7- Huyện Phú Vang, có 235,31 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 151.842 người với 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 01 thị trấn.
8- Huyện Quảng Điền, có 162,89 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 108.094 người với 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 01 thị trấn.
9- Huyện A Lưới, có 1.148,49 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 54.436 người với 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 01 thị trấn.
Như vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi mới là Thành phố Huế vẫn có 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) trực thuộc. Thành phố Huế cũ sẽ được tách thành 2 quận là Phú Xuân và Thuận Hóa. Huyện Phong Điền trở thành Thị xã Phong Điền. Huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc.
Đây là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị Thừa Thiên Huế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong mấy năm qua, cùng sự đóng góp tâm huyết, nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hội đồng hương Huế và những người yêu Huế ở trong và ngoài nước.
Trong quá trình xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về tên gọi của Thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai cũng như các đơn vị hành chính (cấp huyện), UBND tỉnh đã rất cầu thị và thực hiện một cách bài bản, chu đáo. Chắc chắn sẽ có những ý kiến khác nhau, tùy theo góc nhìn và quan điểm cá nhân nhưng về cơ bản những tên gọi đã được lựa chọn (Thành phố Huế, quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa) đều đạt được sự ủng hộ rất cao của người dân. Điều này cũng cho thấy đại đa số nhân dân Thừa Thiên Huế đều rất yêu quý và coi trọng các địa danh hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất.
Về tên gọi “Huế” của thành phố trực thuộc trung ương, tuyệt đại đa số các ý kiến đóng góp đều tán thành (chiếm 88,9%)[1], đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi, Huế là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi đã từng được gọi là “phên dậu phương Nam” của Đại Việt thời quân chủ phong kiến trước thời Nguyễn. Địa danh Huế thường được dùng với hai ý nghĩa, một là mang nội hàm văn hóa, thường chỉ chung toàn bộ vùng văn hóa gắn liền với địa bàn châu Hóa xưa, bao gồm phần đất từ Quảng Trị đến phía bắc sông Thu Bồn của Quảng Nam; và hai là mang tính hành chính địa phương, thường để chỉ riêng địa bàn thủ phủ Kim Long- Phú Xuân thời các Chúa Nguyễn, hay kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn và Nguyễn, tương đương với thành phố Huế ngày nay. Địa danh Huế xuất hiện rất sớm, năm 1651, giáo sĩ A. De Rhodes (1591-1660) đã dùng từ Kẻ Huế để gọi thủ phủ Kim Long của chúa Nguyễn, một thủ phủ- đô thị được thành lập từ năm 1636, cũng là năm được xem là mốc thành lập đô thị Huế. Từ đó về sau, dần dần Kẻ Huế, rồi Huế được dùng để chỉ đô thị, một trung tâm về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa hàng đầu của Đàng Trong qua nhiều giai đoạn. Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ban dụ lập thị xã Huế; ngày 30/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y đạo dụ này; và ngày 12/12/1929, thị xã Huế được nâng cấp thành thành phố Huế.
Trong lịch sử, Huế là một trong ba trung tâm lớn đánh dấu sự phát triển đất nước và của các đô thị của Việt Nam: “Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Địa danh Huế rất nổi tiếng, có tính lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; nhờ những giá trị văn hóa đặc sắc được kế thừa từ một vùng đất đã từng là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và kinh đô của các triều đại Tây Sơn, triều Nguyễn trong hơn 300 năm (1636-1945). Trong đời sống, từ “Huế” được sử dụng rất phổ biến: “Tiếng Huế”, “Nếp sống Huế”, “Ẩm thực Huế”, Áo dài Huế”, “Ca Huế”, “Nhà vườn Huế”, “Festival Huế”...đều đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Vì vậy, việc chọn danh từ “Huế” để đặt tên cho thành phố trực thuộc trung ương bao gồm toàn bộ phạm vi tỉnh hiện nay sẽ có giá trị lịch sử - văn hóa, tính lan tỏa cao và thuận lợi trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Tên gọi “Phú Xuân” của quận bắc sông Hương cũng được đa số ý kiến tán đồng (chiếm 71,9%)[2]. Phú Xuân vốn là tên một làng/xã, năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ từ Kim Long về đây thì địa danh này bắt đầu trở nên nổi tiếng bởi gắn liền với thủ phủ của nhà chúa. Năm 1744, phủ Phú Xuân được chúa Nguyễn Phúc Khoát nâng cấp lên thành Đô thành phú Xuân, rồi thời Tây Sơn (1788-1801) và thời Nguyễn (1802-1945) trở thành kinh đô của nước ta. Chính vì vậy, Phú Xuân không chỉ là một địa danh thông thường mà hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.
Cũng như Phú Xuân, tên gọi “Thuận Hóa” của quận nam sông Hương cũng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của khá đông đảo người tham gia ý kiến (chiếm 41,2%)[3]. Tên gọi Thuận Hóa chính thức có từ năm 1307, sau khi quốc vương Champa dâng đất hai châu Ô, Lý/Rí cho Đại Việt làm món quà sính lễ để kết hôn với công chúa Huyền Trân của nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ:
“Đinh Mùi, (Hưng Long) năm thứ 15 (1307), (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên hai châu đó”[4].
Cuối thế kỷ 14, nhà Trần lập lại trấn Thuận Hóa gồm 7 huyện: Trà Kệ, Lợi Bồng, Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh với khoảng trên 40 làng, ấp, thôn, trại, sách[5].
Thời Hồ, đổi gọi trấn Thuận Hóa là lộ Thuận Hóa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại sự kiện, năm 1402 “Hán Thương đổi bổ An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa”[6].
Năm 1407, thời Thuộc Minh, chính quyền đô hộ mới đổi lộ Thuận Hóa thành phủ Thuận Hóa, rồi sang thời Lê đổi thành Thừa tuyên Thuận Hóa, Xứ Thuận Hóa... Như vậy, danh xưng Thuận Hóa đã ra đời cách đây hơn 700 năm, là một tên gọi lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, đồng thời là một phần ký ức của đô thị di sản Huế và cũng như các tên gọi Phú Xuân, Huế, rất cần được lưu giữ, tôn vinh.
Cần phải khẳng định rằng, việc lựa chọn các địa danh Huế, Phú Xuân, Thuận Hóa để đặt tên cho thành phố Huế (trực thuộc trung ương) và hai quận bắc, nam sông Hương đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế. Và có thể nói là thuận lòng dân. Cũng có một số ý kiến đề xuất khác, chẳng hạn như đề xuất chọn các biểu tượng của vùng đất Huế như Hương Giang, Ngự Bình… để đặt tên hai quận mới, tuy nhiên các phương án này lại không nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều người. Có thể họ cho rằng, các biểu tượng này là những thực thể tự nhiên, vốn đã tồn tại bền vững, dẫu đặt hay không đặt tên chúng cho các địa danh mới của Huế thì các biểu tượng đó vẫn tồn tại lâu dài trong tâm thức cộng đồng. Còn các địa danh lịch sử như Thuận Hóa, Phú Xuân, nếu không được lưu giữ, bảo tồn thì sẽ rất dễ bị mai một, thậm chí là biến mất nhanh hoặc sẽ dần dần chìm vào quên lãng… Cũng không nên e ngại rằng việc lấy các tên gọi Thuận Hóa, Phú Xuân để đặt cho các quận mới sẽ làm giảm đi giá trị, tầm vóc của các địa danh này, vì trên thực tế đã có một số địa phương trong nước làm điều tương tự để tránh đánh mất các địa danh lịch sử, chẳng hạn quận Hà Đông của thành phố Hà Nội hiện nay vốn được đặt theo tên của phủ Hà Đông/tỉnh Hà Đông có quy mô rất lớn. Tại Thừa Thiên Huế, từ năm 1930, thị xã Huế cũng từng được gọi là thị xã Thuận Hóa, Đảng bộ thành phố Huế khi đó được gọi là Thị ủy Thuận Hóa[7].
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ càng mọi mặt để sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/12/2019. Trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống, thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Sau gần 720 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Thuận Hóa- Phú Xuân- Huế chắc chắn sẽ vươn cao và bay xa.
Phan Thanh Hải
[1] Các tên gọi khác đạt được tỉ lệ ủng hộ như sau: Thành phố Thừa Thiên Huế 10,7%, phương án khác: 0,4%.
[2] Các tên gọi khác đối với quận bắc sông Hương dành được số phiếu ủng hộ với tỉ lệ như sau: Quận Thuận Hóa 11,5%, quận Hương Giang 14,8%, phương án khác 1,8%.
[3] Các tên gọi khác đối với quận nam sông Hương dành được số phiếu ủng hộ với tỉ lệ như sau: Quận Thừa Thiên chiếm 32,1%, Quận Ngự Bình 24,6%, phương án khác 2,2%.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Bản dịch của Viện Sử học, Bản in Nội các quan bản, 1697, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tập 1, trang 568.
[5] Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế- phần Lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 49).
[6] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), sđd, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tập 1, trang 733.
[7] Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Huế (2010), Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế (1930-2000), Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 77)…