Đôi điều với 'gốc nông dân'
Cái căn tính nông dân cũng cần được thể hiện một cách hợp lý trong điều kiện của thành thị, chứ không sẽ trở thành lạc điệu, dị hợm và bị mọi người xem thường
Tôi chưa thấy một thống kê chính thức nào cho biết tỉ lệ người sống ở các thành thị là người có nguồn gốc hoặc xuất thân từ nông dân. Thống kê này thực chất có ý nghĩa về mặt xã hội: nó gợi ý hoặc điều chỉnh một số chính sách và cung cách quản lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Bởi những người có nguồn gốc hoặc xuất thân từ nông dân thường có "căn tính nông dân" (chữ của GS Trần Quốc Vượng) và cái căn tính đó ít nhiều có điểm khác với người đô thị; vì vậy, cũng cần có sự ứng xử phù hợp với họ.
Ấm tình quyến thuộc, hàng xóm
Trên Facebook, anh bạn tôi lâu lâu lại khoe vài hình ảnh: một gốc bưởi ra hoa, một dây mướp trổ nụ, một chậu mồng tơi, mấy gốc hành, đôi cây ớt… được anh trồng ở khoảnh sân nhỏ chưa đầy 20 m2 trước nhà. Anh quê ở miền Trung, trước khi đi học đại học là một nông dân thực thụ, nên luôn lấy việc trồng trọt vài thứ cây, rau gì đó như hồi ở quê là một niềm tự hào. Tôi hay gọi đùa anh là "có đầu óc nông dân" và anh xem đó là một lời khen, bởi anh tin là tôi đang khen anh cần cù, chăm chỉ, chất phác... Nhiều bạn bè trên Facebook cũng lấy việc giới thiệu những rau quả tự trồng ở nhà là một "thành tích", xem đó là một thú vui thật tao nhã mà cũng rất thiết thực.
Vợ chồng em gái tôi đều là công chức, dĩ nhiên cũng vừa rời khỏi đời sống nông dân từ ngày đi học, đi làm. Vậy mà mỗi lần gặp nhau, cậu em rể lại khoe với tôi là nuôi được bao nhiêu con heo rừng, thả bao nhiêu gà, thu được bao nhiêu ký hạt điều... trong mảnh vườn khoảng 1.000 m2 ở một thị tứ. Vợ chồng còn tính mua đất rẫy để làm vườn nhưng khi tôi hỏi thời gian nào làm và lấy ai trông thì cả hai chỉ cười trừ. Đó là hai người còn chưa kể tôi nghe chuyện mấy lần nuôi gà bị lỗ do gà bị cúm, còn heo rừng thì cũng đôi lần bị trộm. Nhưng thực ra tôi hoàn toàn chia sẻ niềm vui được làm vườn dù không ra dáng nông dân lắm của em tôi. Và càng thấy ấm áp tình quyến thuộc, cả sự hồi tưởng thuở còn làm nông dân trước khi tôi sống ở thành phố, mỗi khi gặp nhau, em gửi tặng tôi mớ mướp, đậu rồng hay cặp gà ta...
Vì vậy, tôi rất quý mấy người hàng xóm cặm cụi gieo và chăm chút mấy cây ớt, vài bụi bạc hà, mấy luống lá lốt... ở khoảng đất trống trong con hẻm gần nhà chúng tôi, cũng như trân trọng cái chậu lá quế, chậu tía tô, chậu hành của mấy chị gần nhà. Họ trồng, họ chăm sóc và họ mời mọi người cùng thụ hưởng thành quả đó và không xem đó là của riêng mình. Bởi vậy, tôi càng chia sẻ câu chuyện của anh đồng nghiệp thường kể: Cạnh nhà anh (ở huyện Nhà Bè) còn một cái nền đất bỏ trống, nhà anh và nhà bên cạnh đã cùng nhau "canh tác" với 2 cây đu đủ, dăm cây cà chua, mấy luống rau dền, rau muống, rồi cùng nhau thu hoạch, cùng nhau mời những người hàng xóm khác hưởng mỗi lần thu hái... Ở đây, thành quả lớn hơn nhiều giá trị của sản vật bởi nó có giá trị tinh thần, giá trị cộng đồng, giá trị nhân văn...
Cũng có những phiền toái
Nhưng cái "gốc nông dân" thể hiện quá dày ở thành thị không phải là không có phiền toái. Số là trước đây, cách nhà tôi mấy căn, chủ nhà cho một gia đình miền ngoài vào thuê ở; kể ra anh chị ấy cũng tử tế, chỉ có việc hay nuôi gà thả rông là hết sức phiền. Đám gà ấy hay phóng uế ở con hẻm trước nhà trong khi nhà nào cũng có trẻ con, rồi sục vào mấy chậu kiểng của nhà tôi mà bươi đất và tìm chỗ tránh nắng... Nhắc khéo mấy lần không được, mãi khi tổ trưởng dân phố đến yêu cầu tiêu hủy vì lúc có dịch cúm gia cầm, "vấn nạn gà" mới được giải quyết.
Còn một anh bạn tôi thì mỗi lần gặp đều than chuyện nhà hàng xóm nuôi chó, tuy giữ được vệ sinh nhưng nó cứ hay... sủa làm con anh sợ và anh thì hay mất ngủ!...
Dù gì, tôi cũng nghĩ giữ được "gốc nông dân" ở giữa đô thị là cách để giữ gìn gốc gác và xuất thân của mình. Cùng với nguồn gốc ấy là chuyện kể, thói quen sinh hoạt, ca dao, hò vè... mà một phần đã trở thành văn hóa. Phần nhiều bạn bè tôi đều tự hào với nguồn gốc nông dân và luôn truyền tinh thần đó cho con cái mà không chút tự ti, mặc cảm. Bởi, chúng tôi tuy là nông dân, con nhà nông dân nhưng đã nỗ lực rất nhiều để sống được và sống có ích giữa thành phố, điều đó có gì phải đáng tránh né chứ!
Dẫu vậy, cái "căn tính nông dân" cũng cần được thể hiện một cách hợp lý trong điều kiện của thành thị, chứ không sẽ trở thành lạc điệu, dị hợm và bị mọi người xem thường. Kể ra cũng không khó thực hiện, bởi ông bà ta đã dạy: Ăn theo thuở ở theo thời. Nên cứ thế mà sống!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/doi-dieu-voi-goc-nong-dan-202302122208034.htm