Đôi điều xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 20/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh ký ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND về Tổ chức triển khai Phong trào thi đua 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2025. Nội dung của Phong trào thi đua có 5 điểm cơ bản; thời gian thi đua bắt đầu ngay từ tháng 12 này đến quý IV năm 2025 sẽ tiến hành tổng kết.

Sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực để nhiều hộ dân đã làm được nhà ở vững chãi, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực để nhiều hộ dân đã làm được nhà ở vững chãi, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Thực hiện phong trào thi đua, các cấp, các ngành, các địa phương phải vào cuộc hết sức khẩn trương bởi đó là khoảng thời gian không dài, trong khi chúng ta còn nhiều việc rất quan trọng của năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động giữa tháng 4/2024.

Phong trào được khẳng định là phù hợp với tình hình thực tế đất nước, là bước hiện thực hóa Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 539/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025". Ngày 6/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 102/CĐ-TTg, tiếp đó là Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.

Tìm hiểu về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được biết, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 chính sách liên quan đến hỗ trợ nhà ở. Đầu tiên phải kể đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo và cận nghèo trong thời gian từ 2022 - 2025. Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ được hơn 35.000 hộ. Tiếp đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 18.500 hộ nghèo thực hiện từ năm 2021 - 2025. Chương trình đã hỗ trợ được hơn 8.000 căn nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước đó, tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Trong 6 năm, cả nước đã hỗ trợ cho 339.176 hộ, đạt tỷ lệ 96,7% so với số liệu thực tế. Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Chính sách không hỗ trợ trực tiếp mà hộ gia đình được vay mức tối đa 25 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi 3%/năm; kết quả đã hỗ trợ nhà ở cho hơn 117.000 hộ nghèo, đạt tỷ lệ khoảng 50% so với Đề án. Một hỗ trợ nữa được thực hiện theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung…

Với các hình thức hỗ trợ đối với người nghèo đó, trong những năm qua, trên cả nước đã có hơn 1,7 triệu ngôi nhà mới được hoàn thành, đáp ứng tiêu chuẩn ba cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Đóng góp vào những kết quả ấy, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm, hưởng ứng và thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng: "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 9.000 nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025. Trong triển khai, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực, đến nay, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu làm 3.022 căn nhà theo kế hoạch.

Tổng giá trị hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh theo đề án đạt trên 369 tỷ đồng, bằng 2,5 lần so với mức dự kiến của đề án; trong đó, huy động từ ngân sách chỉ chiếm 22,1%. Kết quả đó, đã minh chứng sự đúng đắn từ chủ trương đến phong trào, nhận được sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cộng đồng; trong đó, có trách nhiệm của hệ thống chính trị, những tấm lòng hảo tâm và người dân Yên Bái. Theo Chỉ thị số 42/CT-TTg, năm 2025 chúng ta phải hoàn thành 3 việc là: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, đảm bảo nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng cũng như các tiêu chí về quy mô diện tích, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, bảo đảm tuổi thọ ngôi nhà 20 năm. Dự kiến với mức hỗ trợ 50 triệu đồng đối với nhà xây mới, 25 triệu đồng với sửa chữa nhà ở thì cả nước cần trên 6.500 tỷ đồng. Tính toán của chuyên môn là thế, trong bối cảnh giá cả vật tư, nhân công như hiện nay, kinh phí để xây dựng nhà kiên cố chắc chắn sẽ lớn hơn.

Yên Bái được xếp vào nhóm 4, cùng những tỉnh có huyện nghèo, có xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, nhu cầu kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên 300 tỷ đồng, có điều kiện kinh tế - xã hội ở mức thấp và chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3. Tỉnh ủy Yên Bái đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban; Tổ giúp việc cũng đã thành lập và triển khai nhiệm vụ; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái đã được ban hành.

Vì thế, triển khai Phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân; đồng thời, kêu gọi các tập thể, cá nhân cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát đúng kế hoạch và đạt chất lượng cao.

Theo kinh nghiệm của lãnh đạo UBND xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, công tác tuyên truyền, vận động đối với gia đình có nhà tạm, nhà dột nát là việc hết sức quan trọng, bởi nhiều trong số đó là những gia đình yếu thế, hoặc rơi vào hoàn cảnh rất đặc biệt. Làm sao để họ bớt đi sự tự ti, để bà con hiểu chính sách mà mạnh dạn dỡ bỏ ngôi nhà cũ nát, làm sao để họ có thể dám vay thêm chút kinh phí là vấn đề mà cấp cơ sở phải vào cuộc. Rồi tuyên truyền thế nào để gia đình, họ hàng và cộng đồng cùng vào cuộc để xây lên mái ấm bền vững.

Thêm nữa, là sự vào cuộc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ làm nhà, nhất là thủ tục về đất ở của các hộ; đôn đốc, kiểm tra, giám sát công trình, làm sao để ngôi nhà xây dựng trên đó thực sự vững chãi, khẳng định phong trào đạt hiệu quả thực chất, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Phát biểu tại chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các địa phương, nhân dân hãy chung tay tiếp tục Phong trào thi đua tăng tốc hơn nữa, tích cực hơn nữa với hoạt động này. Tinh thần thực hiện là "Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.

Quang Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/344052/doi-dieu-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-.aspx