Dôi dư nhà công sản sau sáp nhập đơn vị hành chính
Tình trạng trụ sở, nhà đất công sản dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính bị bỏ hoang diễn ra nhiều năm tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi. Các đơn vị, địa phương ở tỉnh này đang loay hoay tìm giải pháp xử lý
Cổng ngõ, tường rào của nhiều nhà công sở bị gỉ sét, mục nát; Sân nền bong tróc, cỏ dại um tùm; Trần nhà cũ nát, mưa dột; Tường nhà ẩm thấp, rêu mốc… là thực trạng chung của nhiều trụ sở các cơ quan, đơn vị ở huyện Tây Trà cũ, tỉnh Quảng Ngãi sau khi huyện này sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Hơn 3 năm nay, trụ sở Huyện ủy, UBND huyện, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Bảo hiểm Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên…của huyện Tây Trà cũ bỏ hoang, xuống cấp.
Ông Hồ Ngọc Minh, người dân ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng bày tỏ bức xúc: “Huyện Tây Trà nhập hết vô huyện Trà Bồng, trụ sở cơ quan làm giờ không ai ở, bỏ hoang hết. Dân thấy lãng phí. Nhà nước nghiên cứu thế nào chứ để vậy thấy lãng phí quá.”
Tháng 4/2020, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập vào huyện Trà Bồng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Sau khi sáp nhập, UBND huyện Trà Bồng lên phương án sử dụng 302 cơ sở nhà, đất của 82 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Địa phương này đã điều chuyển 46 cơ sở nhà, đất của 29 cơ quan, tổ chức, đơn vị về các cơ quan, đơn vị sử dụng; số cơ sở nhà đất còn lại chưa sử dụng, bỏ hoang nhiều năm. Địa phương đã rất cố gắng sắp xếp nhưng do số lượng các trụ sở, nhà cửa dôi dư quá nhiều sau sáp nhập, nhất là tài sản của các ngành và Trung ương nên chưa sử dụng hết:
“Tất cả các tài sản thuộc thẩm quyền cấp huyện, đến nay, chúng tôi đã cơ bản sắp xếp cho các cơ quan cần sử dụng, vừa quản lý công trình. Bây giờ, một số công trình của tỉnh và của Trung ương đóng trên địa bàn giao về cho huyện, đây là một khó khăn lớn”- Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng nói.
Tại thành phố Quảng Ngãi, từ năm 2014 đến nay, sau khi sáp nhập vào thành phố, nhiều trụ sở của thị trấn Sơn Tịnh cũ đến nay vẫn còn bỏ hoang, xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị. Hầu hết các tài sản là nhà, đất công bỏ trống có diện tích đất lớn vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến xử lý gặp vướng mắc và kéo dài thời gian. Mặt khác, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, vị trí đất không còn đắc địa sau khi sáp nhập. Tại huyện miền núi, việc bán đấu giá trụ sở, nhà đất công càng khó khăn vì vướng nhiều quy định và nhu cầu mua cũng rất thấp…
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan về những quy định trong quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất nhà nước, còn có nguyên nhân chủ quan của các cơ quan chức năng trong quản lý.
“Đối với những tài sản thuộc ngành dọc quản lý hiện tại vẫn chưa được bàn giao cho tỉnh. Sắp tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành kiến nghị sớm giải quyết bàn giao theo đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục xử lý, sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn”- Ông Đặng Ngọc Huy nói./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doi-du-nha-cong-san-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-post1014724.vov