Dôi dư trụ sở hành chính cấp xã sau sáp nhập tại Bắc Kạn và Cao Bằng
Việc tiếp tục sử dụng một phần hoặc đóng cửa trụ sở hành chính để chờ phương án của cả Bắc Kạn và Cao Bằng đều đang dẫn tới một thực trạng, đó là nhiều phòng làm việc không sử dụng đến, dẫn tới nguy cơ hư hỏng, xuống cấp các hạng mục công trình.
Sau thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tháng 2/2020, tỉnh Bắc Kạn giảm được 14 đơn vị hành chính cấp xã, 13 công trình trụ sở hành chính bị dôi dư. Phần lớn trụ sở đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng đủ yêu cầu phòng làm việc của các xã trước khi sáp nhập. Ông Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn cho biết, ngoài một trụ sở đã cũ, xuống cấp được phá đi để làm sân vận động, 12 trụ sở còn lại đều đang tiếp tục được duy trì sử dụng.
“Hiện nay có 7 đơn vị dùng cả 2 bên, có nghĩa là một bên chính thức, có thể họ bố trí một bên đảng, một bên chính quyền, hoặc tất cả cùng về trụ sở chính, còn trụ sở còn lại vẫn để làm nơi giao dịch thủ tục hành chính cho công dân ở xã cũ. Có 4 đơn vị dùng trụ sở cũ để cho lực lượng Công an chính quy cấp xã còn 1 trụ sở được sử dụng làm trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện”, ông Yên nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Cao Bằng, năm 2020 cũng là năm có bước đột phá về sắp xếp lại các đơn vị hành chính khi địa phương này đã giảm tới 3 huyện và 38 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trụ sở hành chính cấp xã dôi dư lên tới con số gần 40.
Tỉnh Cao Bằng đã giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, lên phương án bố trí, sử dụng sao cho hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, Cao Bằng vẫn chưa đưa ra được phương án cuối cùng nhằm sử dụng có hiệu quả các công trình này. Ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết, riêng huyện Trùng Khánh sau sáp nhập giảm tới 8 xã, tuy nhiên, hiện các xã chỉ tập trung về làm việc tại một nơi, trụ sở dôi dư vẫn để trống.
“Các trụ sở dôi dư vẫn đang để như vậy, có bảo vệ trông coi và đợi phương án. Hầu hết phương án đó là sử dụng cho trường học, thứ hai nếu trụ sở xã nào gần trung tâm huyện thì để cho các cơ quan huyện, phương án thứ ba đó là để bán đấu giá, tuy nhiên thực tế trụ sở xã rất khó bán”.
Việc tiếp tục sử dụng một phần hoặc đóng cửa để chờ phương án của cả Bắc Kạn và Cao Bằng đều đang dẫn tới một thực trạng đó là nhiều phòng làm việc không sử dụng đến, dẫn tới nguy cơ hư hỏng, xuống cấp các hạng mục công trình. Do đó, các địa phương này cần sớm có phương án sử dụng tối ưu, tránh tình trạng lãng phí một cách đáng tiếc./.