Đôi giày vải 'nhây mát' của người Nùng An - tín vật tình yêu
Nghề nhuộm và thêu hoa văn truyền thống trên vải chàm không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa quý giá mà còn tạo nên những nét độc đáo riêng trên bộ trang phục của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Ngoài bộ trang phục truyền thống, đôi giày vải được làm thủ công bằng tay của người phụ nữ Nùng An còn là 'tín vật tình yêu', là sản phẩm gắn liền với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng tâm linh của người Nùng.
Giày vải (tiếng dân tộc Nùng An là “nhây mát”), là tín vật tình yêu của các đôi trai gái. Theo quan niệm xưa của người Nùng An, khi trai gái phải lòng nhau, họ sẽ trao cho nhau những tín vật định tình. Người con trai sẽ trao cho người con gái những tín vật như con dao, cái liềm, đòn gánh...; người con gái trao lại cho người con trai những tín vật như đôi giày vải, pì pọc, bộ quần áo Nùng, túi thổ cẩm, trong đó giày vải được coi như một tín vật tình yêu độc đáo nhất. Khi đã xác nhận hẹn hò, cô gái Nùng sẽ về nhà để khâu một đôi giày vải. Sau khi khâu xong, họ thầm hẹn nhau, cô gái Nùng trao đôi giày vải là “tín vật tình yêu” cho người con trai mình yêu mến.
Khi người con trai cầm lấy đôi giày vải cô gái trao tặng, hai người tìm hiểu nhau một cách kín đáo để tiếp tục vun đắp tình cảm. Sau đó, nếu tình cảm đôi trai gái vẫn phát triển tốt đẹp, lúc này bố mẹ người con trai cho người sang xin “mệnh” của người con gái. Khi nào xem mệnh hợp thì mới mang sang một cân đường đỏ để xin nhà gái định ngày đồng ý cho con kết hôn theo phong tục địa phương.
Chị Hoàng Thị Yến, xã Phúc Sen chia sẻ: Để làm ra một đôi giày vải, người phụ nữ Nùng An thường làm trong 5 ngày. Đôi giày vải được người con gái Nùng chế tác công phu và hàm ẩn những ý nghĩa sâu sắc, tế nhị. Mỗi đôi giày vải gồm có 2 lớp vải và được làm hoàn toàn bằng vải chàm tự nhuộm, hoa văn trên những đôi giày vải được thêu tỉ mỉ, cẩn thận qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Hoa văn trên đôi giày của người con gái sẽ khác với người con trai. Trên đôi giày vải của người con trai thêu họa tiết hoa lê, tiếng dân tộc gọi là “vả lầy”, mỗi chiếc giày gồm có 2 bông hoa lê được thêu đối xứng hai bên mũi giày, cạnh bên mỗi chiếc giày thêu hình ngọn lửa, biểu tượng trong nghề rèn truyền thống của người con trai Nùng An. Mỗi chiếc giày có một đường vải xanh ở giữa, kéo dài từ mũi giày đến gót, đường vải xanh lam này để trang trí, làm nổi bật hơn cho chiếc giày. Ngược lại đôi giày của người phụ nữ Nùng thường thêu họa tiết hoa “vả tum” và cũng được thiết kế giống như đôi giày của nam.
Đế của giày được làm bằng một lớp vải cứng dựa trên kích thước của chân sẽ đo, cắt và khâu khác nhau. Để nối phần đế với phần thân giày, người phụ nữ đều thực hiện hoàn toàn thủ công với từng đường kim, mũi chỉ.
Giày vải trước khi là tín vật định tình thì được dùng thay thế tất đi vào chân bởi ngày xưa còn khó khăn, không có giày để đi, người Nùng An đã sáng tạo tấm vải chàm thành những đôi giày vải mang thay tất. Sau này, giày vải trở thành vật dụng không thể thiếu theo các bộ phận của bộ trang phục truyền thống nên được trọng dụng trở thành “sợi dây tơ hồng” kết nối tình yêu đôi lứa.
Ngày nay, người phụ nữ Nùng An vẫn lưu giữ nghề truyền thống nhuộm vải, cắt thêu thủ công trang phục truyền thống. Đôi giày vải tuy không còn là “tín vật tình yêu” nhưng vẫn là một trong những vật dụng độc đáo, đặc sắc gắn với bộ trang phục truyền thống của dân tộc.