'Đội hình trong mơ' của ông Tập có giúp Trung Quốc vượt Mỹ?
Trong khi Mỹ dần rút lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây dựng đội ngũ đối ngoại được kỳ vọng sẽ giúp Bắc Kinh nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Sau 5 năm nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia hoạch định chính sách đối ngoại có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý các vấn đề với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để hiện thực hóa những tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Không giống các thế hệ lãnh đạo trước đây, Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới được công bố sau đại hội hồi tháng 10 năm ngoái có nhiều chuyên gia về đối ngoại, bao gồm Phó thủ tướng Uông Dương hay Vương Hỗ Ninh, học giả quan hệ quốc tế sau đó trở thành nhà lý luận về các vấn đề của đảng.
Nhân vật hàng đầu trong đội hình này có Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và là người được ông Tập tin tưởng nhất. Theo một số nguồn tin từ Trung Nam Hải, ông Vương nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm phó chủ tịch nước trong kỳ họp quốc hội sắp tới và sẽ đảm nhiệm vai trò lớn về đối ngoại trong lúc Bắc Kinh đang xem xét lại toàn bộ hệ thống cấp bậc ngoại giao.
Sự trở lại của trùm "đả hổ diệt ruồi"
"Ông Vương sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công tác đối ngoại những năm tới, đặc biệt là trong những vấn đề gai góc liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ", một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói.
Ông Vương trở lại chính trường đầy bất ngờ chỉ vài tháng sau khi rút lui khỏi cơ quan chống tham nhũng nơi ông để lại dấu ấn to lớn. Sự trở lại này được kỳ vọng mang đến sức bật cho quá trình ra quyết định về ngoại giao của Bắc Kinh tại những thời điểm then chốt, nhất là trong quan hệ đối thủ chiến lược ngày càng rõ ràng với Washington.
Vương Kỳ Sơn (giữa) được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong chính sách của Trung Quốc với Mỹ những năm tới. Ảnh: AP.
Việc bổ nhiệm ông Vương Kỳ Sơn làm phó chủ tịch nước sẽ chính thức được thông qua tại kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3. Kỳ họp này sẽ đưa ra các quyết định lớn về nhân sự, bao gồm các chức danh phó thủ tướng, ủy viên quốc vụ viện và bộ trưởng các bộ lớn.
Đã có những dấu hiệu cho thấy vai trò mới của ông Vương khi vài nguồn tin cho hay gần đây ông gặp các quan chức Mỹ và Nhật tại Bắc Kinh.
Như hầu hết nước khác, vị trí phó chủ tịch nước tại Trung Quốc chủ yếu mang tính hình thức và không có nhiều thực quyền khi đề cập đến các vấn đề chính sách thực tế. Song ông Vương có thể trở thành hình ảnh khác. Với quan hệ gần gũi với ông Tập, cựu tướng "đả hổ diệt ruồi", nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, vẫn thường xuất hiện trong các cuộc họp kín nhất của đảng, dù không có quyền bỏ phiếu.
Tương lai chính trị của ông Vương từng là trung tâm của những đồn đoán căng thẳng tại Trung Quốc năm qua. Trong một động thái đi ngược lại thông lệ chính trị tại Trung Quốc, nơi vốn có quy định bất thành văn về việc lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu ở tuổi 68, ông Vương trúng cử quốc hội hồi tháng trước, dọn đường cho vị trí phó chủ tịch nước.
Về cơ bản, việc này đã xác nhận tin đồn rằng Chủ tịch Tập đã quyết định giữ lại một trong những người thân cận mà ông tin tưởng nhất. Ông Vương có được niềm tin đó thông qua việc chỉ huy cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng trong 5 năm qua.
Các quan chức và chuyên gia Mỹ nhìn chung hoan nghênh vai trò phó chủ tịch nước mà ông Vương Kỳ Sơn có thể đảm nhận vì ông đã tham gia rất nhiều vụ việc với Washington trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế và thương mại.
Trong vai trò phó thủ tướng, ông từng là người đại diện và nhà thương thuyết hàng đầu của Trung Quốc tại cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế giờ đây đã chấm dứt với Mỹ từ năm 2009 đến năm 2012.
Các nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ mô tả ông là một đảng viên kỳ cựu với tầm nhìn toàn cầu, một người ủng hộ cải cách kinh tế và người đứng ra giải quyết trục trặc, hiểu được tầm quan trọng của việc điều hướng quan hệ Mỹ - Trung trong một thế giới ngày càng hỗn loạn và bất định.
Một nhà ngoại giao nước ngoài từng gặp ông Vương nói ông là một người rõ ràng và là người mà Chủ tịch Tập tin cậy giao phó giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, phạm vi quyền lực hoặc vai trò chính xác của ông trong quá trình ra quyết định đối ngoại vốn chủ yếu theo hình thức tập trung tại Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng.
"Đại tu" hệ thống cấp bậc ngoại giao
Trong số những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, người từng là ngoại trưởng và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, được kỳ vọng trở thành nhà ngoại giao quyền lực nhất Trung quốc kể từ thời Phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham. Ông Tiền cũng từng là ngoại trưởng trước khi trở thành phó thủ tướng và ông Dương được cho là đang đi đúng con đường này sau đại hội 19.
Một số nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh nói rằng ngày càng có những dấu hiệu cho thấy ông Vương Nghị sẽ thay thế ông Dương Khiết Trì trong vai trò ủy viên quốc vụ viện (vị trí dưới phó thủ tướng, trên bộ trưởng), và đồng thời cũng sẽ tiếp tục giữ vai trò ngoại trưởng.
Ông Dương là trưởng thư ký Tổ lãnh đạo Trung ương về Công tác Đối ngoại và ông Vương Nghị là một thành viên của tổ này. Có những đồn đoán rằng ông Dương sẽ được đề bạt làm phó tổ trưởng thứ hai của nhóm này, cùng với phó chủ tịch nước, trong khi ông Vương Nghị kế nhiệm làm trưởng thư ký. Nguồn tin khác nói ông Dương vẫn tiếp tục trưởng thư ký. Trong bất cứ kịch bản nào, ông Vương Nghị vẫn sẽ tiếp tục làm việc dưới quyền ông Dương.
Ngoại trưởng Vương Nghị (ảnh trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì (ảnh phải, bên trái) là những nhân vật chủ chốt của ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Kyodo, AP.
Tuy nhiên, một số quan chức và chuyên gia nói rằng nếu Vương Nghị trở thành ủy viên quốc vụ viện, ông Dương sẽ không trở thành phó thủ tướng đầu tiên phụ trách vấn đề đối ngoại, kể từ khi ông Tiền Kỳ Tham từ nhiệm vào năm 2003 như phỏng đoán trước đây, vì việc chỉ định như thế này rất hiếm.
Lần cuối cùng Trung Quốc chính thức có cả phó thủ tướng, thường là ủy viên Bộ Chính trị, và ủy viên quốc vụ viện, người trên cấp bộ trưởng, cùng phụ trách chính sách đối ngoại là ngay sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Song khi đó, Phó thủ tướng Ngô Học Khiêm hầu như bị "cho ra rìa" còn ông Tiền được đề bạt làm ủy viên quốc vụ viện vào năm 1991 khi vẫn đang là ngoại trưởng, trước khi thay ông Ngô làm phó thủ tướng hai năm sau đó. Trong 5 năm tiếp theo, ông Tiền vừa là ngoại trưởng vừa là phó thủ tướng.
Theo giới quan sát, việc điều chỉnh thứ bậc quan chức ngoại giao thể hiện sự nóng lòng của ông Tập trong việc đưa Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế chính trị bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương tại thời điểm mà Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, dần rút khỏi vai trò dẫn dắt thế giới.
Ngoài ra, ông Tập cũng muốn chấm dứt tình trạng vai trò của bộ ngoại giao trong hệ thống phân quyền ra quyết định ngoại giao tại Trung Quốc bị xói mòn trong thập kỷ qua.
Những nhân vật không thể thay thế
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc sửa đổi cấu trúc chính sách đối ngoại có thể giúp giải quyết các vấn đề lâu đời như tranh cãi và phối hợp yếu kém giữa các quan đảng và chính phủ cũng như sự không thống nhất giữa những gì họ nói và những gì họ làm.
Ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, ông Dương Khiết Trì, 67 tuổi và ông Vương Nghị, 64 tuổi, đều đã vượt quá hoặc đang gần đến tuổi nghỉ hưu theo thông lệ đối với quan chức cấp cao. Song theo giới quan sát, ông Tập lúc này dường như xem họ là những nhân vật không thể thay thế trong việc triển khai những chính sách đối ngoại quyết đoán cũng như giám sát các lợi ích của Trung Quốc trên toàn cầu.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Vương sẽ phối hợp thế nào với các lãnh đạo đảng và các nhà ngoại giao hàng đầu khác, đặc biệt là Dương Khiết Trì, Vương Nghị và Tống Đào, người đứng đầu cơ quan quan hệ quốc tế của đảng, phụ trách quan hệ với các đảng phái chính trị của nước ngoài.
"Mặc dù việc có thêm người có chuyên môn ngoại giao và kinh nghiệm quản trị là điều tích cực, vẫn còn quá sớm để khẳng định họ có thể làm việc ăn ý hay không vì chuyện thiếu phối hợp hiệu quả từ lâu đã cản trở quá trình ra quyết định và thực hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc", Pang Zhongying, một chuyên gia về đối ngoại tại Bắc Kinh, cho hay.
Ông cho rằng việc này có thể đặt ra những thách thức và tình thế tiến thoái lưỡng nan mới đối với việc phối hợp nội bộ, cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan quân sự và dân sự.
Trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Vương Hỗ Ninh, người được biết đến là kiến trúc sư trưởng của cái gọi là "Trung Quốc mộng" (giấc mộng Trung Quốc), là cố vấn chính sách đối ngoại và thường tháp tùng ông Tập trong những chuyến công du nước ngoài.
Vương Hỗ Ninh (trái) được coi là người đứng đằng sau các học thuyết, lý luận của ông Tập. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia Pang nói ông Vương Hỗ Ninh là một trong những người Trung Quốc đầu tiên chuyển ngữ và giới thiệu khái niệm về sức mạnh mềm tại nước này hồi đầu thập niên 1990. Đây là khái niệm được giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard đưa ra vào những năm 1980 để mô tả năng lực thuyết phục và thu hút của một quốc gia thông qua con đường văn hóa.
Ông Vương Hỗ Ninh cũng là nhà lý luận về đảng đầu tiên trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ sau Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc. Ông được kỳ vọng đóng vai trò lớn trong việc chỉ ra những điều không tương xứng giữa bộ máy tuyên truyền lỗi thời của Bắc Kinh và những mục tiêu chính sách lớn lao của họ.
Một thành viên khác của Thường vụ Bộ Chính trị, ông Uông Dương, là đại diện của Trung Quốc trong các cuộc đối thoại về kinh tế với Mỹ trong suốt 5 năm nhiệm kỳ đầu của ông Tập.
"Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu, chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, thái độ hoài nghi và sự chống đối từ các nước khác. Vẫn chưa rõ liệu đội ngũ lãnh đạo mới có dốc sức với nhiệm vụ biến đất nước thành một cường quốc thế giới có trách nhiệm và đảm bảo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển trong nước hay không", ông Pang nói.
Bảy lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc ra mắt Bảy thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19 được công bố hồi tháng 10/2017 là những nhân vật quan trọng nhất lãnh đạo đất nước này trong 5 năm tới.
Đông Phong