Đòi lại quyền lợi cho cán bộ Công đoàn bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh thuộc (Liên đoàn Lao động tỉnh) vừa bảo vệ thành công tại tòa cho 1 cán bộ Công đoàn bị mất quyền lợi do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đó là chị Lưu Thanh Trúc, từng làm việc tại Công ty TNHH May mặc T. (thành phố Biên Hòa).

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh trao đổi các nội dung liên quan đến pháp luật lao động với chị Lưu Thanh Trúc. Ảnh: CĐ

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh trao đổi các nội dung liên quan đến pháp luật lao động với chị Lưu Thanh Trúc. Ảnh: CĐ

Năm 1995, chị Trúc vào làm việc tại Công ty TNHH May mặc T. Công việc của chị Trúc là nhân viên thẩm định bộ phận IE. Năm 2009, chị Trúc được bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty và luôn phát huy tốt vai trò của cán bộ Công đoàn.

Năm 2010, công ty thay đổi chủ sử dụng lao động và thực hiện nhiều chính sách mới, trong đó có việc cắt giảm quyền lợi của người lao động. Chị Trúc cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty không đồng ý với các chính sách này, khiến công ty có nhiều hành vi phân biệt đối xử với chị.

Tháng 12-2016, công ty yêu cầu chị bàn giao công việc chuyên môn cho người khác và chỉ làm công tác Công đoàn. Sau đó, công ty chuyển chị về bộ phận IE và yêu cầu chị thực hiện công việc không thuộc chuyên môn.

Tuy nhiên, chị Trúc từ chối vì những công việc này không đúng với hợp đồng lao động đã ký. Đến tháng 9-2020, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với chị Trúc và tiếp tục ban hành quyết định nghỉ việc.

Không đồng ý với quyết định này, chị Trúc tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ và làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, yêu cầu công ty bồi thường tiền lương nghỉ việc trái pháp luật.

Cuối tháng 12-2024, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã mở phiên tòa xét xử buộc công ty bồi thường cho chị Trúc số tiền gần 627 triệu đồng (bao gồm tiền lương trong những ngày không được làm việc và tiền bồi thường 2 tháng lương do công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật).

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, theo Điều 192 Luật Công đoàn 2012, khi người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, phải có sự thỏa thuận bằng văn bản với Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, 2 bên phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và chỉ sau 30 ngày mới được quyền quyết định. Trường hợp chị Trúc, công ty không có thỏa thuận nào bằng văn bản và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202501/doi-lai-quyen-loi-cho-can-bo-cong-doan-bi-doanh-nghiep-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-ebb3967/