Đối mặt cái chết
Hàng tỷ người đã sống và chết, đã đặt hy vọng vào thế giới bên kia.
Lời hứa của Thiên đàng (Thiên chúa giáo), thần điện Valhalla (trong thần thoại Bắc Âu), luân hồi trong đạo Phật, Elysium (là thiên đường trong thần thoại Hy Lạp) và thuyết tái sinh làm cho cái chết nhẹ nhõm hơn, và chất chứa nhiều hy vọng hơn. Nhưng đối với những người vô thần, ngược lại, cái chết có thể chẳng là gì ngoài sự kết thúc đơn thuần.
Vì sao chúng ta sợ chết?
Hãy bắt đầu bằng một ví dụ. Charlie Parker, một trong những nhạc sĩ Jazz vĩ đại nhất trong lịch sử, qua đời vì viêm phổi ở tuổi 34. Đó rõ ràng là một thảm kịch với chính anh và những người yêu nhạc Jazz, nhưng không dễ để đánh giá chính xác rằng cái chết ấy đau đớn đến độ nào.
Câu trả lời có lẽ nằm trong những điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta còn sống: anh ta sẽ sống thêm được bao lâu, và sử dụng thời gian thêm ấy của mình như thế nào?
Có thể là sau khi thoát khỏi bệnh viêm phổi, với lối sống bừa bãi và sức khỏe kém, Parker sẽ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo khác và chết không lâu sau đó.
Có thể là anh ta sẽ thay đổi lối sống và bỏ rượu sau khi vượt qua được trải nghiệm cận tử, để rồi tiếp tục vụt sáng và đóng góp cho âm nhạc thập niên 1940-1950 nhiều hơn nữa. Cũng có thể sau cơn bạo bệnh, anh không thể hát được nữa, sống một cuộc đời bình lặng hơn, nhưng kéo dài hơn.
Nhưng cái chết đã chấm dứt mọi khả năng có thể xảy ra ấy. Con người sợ cái chết không chỉ với tư cách sợ một thứ gì đó "bị" dán nhãn xấu xa, mà còn lớn hơn thế nhiều.
Cái chết sẽ cướp đi tương lai, bao gồm tất cả những điều tốt đẹp, xấu xa, và cả trung tính. Vì thế, các tôn giáo xuất hiện để giúp con người tin vào sự sống sau cái chết, để kéo dài tương lai, và cung cấp thêm hy vọng để sống.
Và may mắn thay, cũng không ít bộ óc vĩ đại trong lịch sử đã suy nghĩ về cách đối mặt với cái chết mà thậm chí không cần phải vin vào một lời hứa ở bên kia thế giới.
Rất nhiều triết gia tin vào thánh thần, như Epicurus (người Hy Lạp, sống từ 341-270 trước Công nguyên), nhưng không tin vào thế giới bên kia. Trong khi chấm dứt sự tồn tại làm họ bối rối, thì ý niệm về cái chết lại không như vậy.
Mark Twain, một văn hào tin vào thần thánh, đã viết trong cuốn tự truyện của mình thế này: "Sự hủy diệt chẳng có gì đáng sợ đối với tôi, bởi tôi đã trải qua nó trước khi tôi được sinh ra - một trăm triệu năm - và tôi đã chịu đựng nhiều hơn thế một giờ, của cuộc sống này, hơn là những gì ký ức của tôi vẫn còn sót lại về sự chịu đựng trong hằng trăm triệu năm gộp lại".
Đơn giản là khi cái chết ập đến, bạn ngừng tồn tại và không thể bị làm phiền bởi bất cứ điều gì. Bởi đâu còn một "cái tôi" nào nữa để mà bị làm phiền?
Ý tưởng của Epicurus tương tự như thế: "Cái chết không là gì đối với chúng ta cả; bởi vì những thứ gì tan biến đi, thì cũng không còn cảm giác, và thứ gì không có cảm giác thì chả là gì với chúng ta hết".
Tư tưởng của Epicurus tập trung vào sự sống, hơn là cái chết, và những học trò của ông đều cố gắng không sợ hãi trước cái chết.
Cho đến nay, tư tưởng của Epicurus vẫn đứng vững: khoa học vẫn chưa thể chứng minh được rằng có gì sau cái chết hay không. Thậm chí, lĩnh vực thần kinh học còn khẳng định luôn rằng chết não sẽ hủy diệt ý thức và đưa chúng ta vào miền hư vô mãi mãi.
Đối với những người theo chủ nghĩa hiện sinh, đặc biệt là Martin Heidegger, chấp nhận cái chết là một phần quan trọng của cuộc sống. Khi đối mặt với cái chết, thì mọi lựa chọn trong cuộc sống đều trở nên quan trọng.
Chủ nghĩa hiện sinh lấy kết thúc của sự tồn tại như một động lực để coi trọng tồn tại hơn nữa, thúc đẩy bạn chấp nhận sự tan biến không thể tránh khỏi của bạn, ghi nhớ nó và sử dụng điều đó nhưng một lý do để hiện hữu với cuộc sống từng phút giây. Một quan điểm tích cực hiếm thấy về sự lãng quên vĩnh cửu.
Triết gia Luc Bovens mang đến cho chúng ta một cái nhìn hiện đại hơn về cách thức đối mặt cái chết, với một giả định thú vị, trong cuộc phỏng vấn với tờ Big Think: "Còn vũ trụ thì sao? Ý tưởng rằng vũ trụ vẫn quan tâm đến tôi sau khi chết nghe có vẻ hay, liệu tôi có thể có điều đó không nếu tôi từ bỏ thuyết thế giới bên kia?".
Khoa học cũng trợ lực cho chúng ta ý tưởng rằng "chết là hết" cũng có thể mang lại những lời an ủi.
Nhà vật lý kiêm… diễn viên hài người Mỹ Aaron Freeman đã viết một cuốn sách có tựa đề "Điếu văn từ một nhà vật lý" cho thấy thế giới quan của cái chết từ góc nhìn khoa học, với lời an ủi dành cho đám tang của một bà mẹ mất con: "Không có năng lượng nào tự nhiên sinh ra, và cũng không có gì mất đi. Bạn hẳn muốn mẹ của bạn hiểu rằng mọi xung năng của bạn, từ nhất cử nhất động, đến từng BTU (đơn vị nhiệt Anh) của hơi ấm, và những làn sóng rung động của từng tế bào đã cấu thành nên đứa con yêu dấu của bà vẫn ở lại với bà, trên thế gian này".
Tinh thần của phát ngôn này là ngay cả khi chúng ta không bất tử, thì có nhiều yếu tố cấu thành nên chúng ta vẫn còn sống mãi. Ngay cả khi chúng ta qua đời, thì một phần trong ta vẫn sẽ ở lại, ảnh hưởng đến cuộc sống này, vũ trụ này, sau khi chúng ta tan vào hư vô. Đó là cái nhìn dễ chịu nhất mà khoa học có thể cung cấp để chúng ta sẵn sàng đối diện với cái chết.
Một phần cơ yếu của cuộc đời
Khi triết gia Khắc kỷ Seneca bị bạo chúa Nero khép tội chết, bạn bè của ông đã than khóc dậy đất, nhưng bản thân ông thì lại rất bình thản: "Sau khi giết mẹ và anh trai, hắn sẽ phải giết nốt thầy giáo và gia sư của mình (Senaca chính là thầy của bạo chúa Nero).
Seneca bị ra lệnh phải tự sát, và đó là một quá trình hết sức đau đớn: sau khi cắt động mạch ở gót chân và sau đầu gối, máu vẫn không chảy đủ nhanh để ông có thể ra đi thanh thản. Seneca uống thêm một cốc thuốc độc, nhưng cũng… không có tác dụng. Rốt cục, ông phải vào bồn tắm hơi, và chết trong hơi ngạt.
Trước khi trải qua cái chết khủng khiếp đó, cuộc đời Seneca là một bể khổ trầm luân. Ông đã sống và chứng kiến hai thảm họa: núi lửa chôn vùi Pompeii cùng 2.000 người, và vụ hỏa hoạn phá hủy 2/3 thành Rome.
Ông sống trong một chế độ chính trị tồi tệ và hà khắc của Nero bạo chúa. Bản thân ông bị bệnh lao khi mới ngoài 20 tuổi, và bệnh tật giày vò ông đến mức có lúc muốn tự tử. Trước khi bị ép chết, Seneca đã từng bị lưu đày suốt 8 năm.
Và quan điểm của Seneca về cái chết có tính dấn thân hơn bất kỳ ai, có lẽ vì cuộc đời đầy đau khổ ấy: ông muốn mỗi ngày con người đều phải tự nhắc nhở mình về Định mệnh (Fortune).
Seneca cho rằng những điều xui xẻo, như là cái chết, tai họa, nếu đã giáng xuống, thì đó là định mệnh.
Ta không thể làm điều gì khác để chống lại nó, thì hãy nghĩ về nó mỗi ngày, để rồi khi định mệnh gọi tên, có thể thanh thản ra đi: "Hãy để chúng ta tiếp tục suy nghĩ thật nhiều về cái chết của chính mình, cũng như của tất cả những người chúng ta yêu thương… Giờ là lúc để các vị suy ngẫm, không chỉ về chuyện tất cả mọi thứ đều phải diệt vong, mà còn về tính bất định và không theo quy luật nào của nó. Bất cứ điều gì có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra vào ngay hôm nay".
Văn hóa của loài người cơ bản là luôn cố gắng tránh né sự xui xẻo, và chúng ta thậm chí còn nhắc nhau khi có ai đó buột miệng nói về cái chết: "Phủi phui cái miệng".
Nhưng điều này tạo thêm rất nhiều gánh nặng cho cuộc đời nhỏ bé của chúng ta: cái chết đem đến nỗi sợ hãi, khiến chúng ta sống bất an, và nghĩ về nó với tâm lý tránh né khiến cho ta không thể tập trung vào những gì tốt đẹp phơi bày trước mắt.
Đấy là điều mà các tôn giáo thường định nghĩa là trạng thái vô minh: con người không hiểu gì cả về thế giới này, hoặc có biết đấy, mà không thể chấp nhận được những điều sẽ là tất yếu, không bao giờ thay đổi. Cái chết là điều bình đẳng nhất trong xã hội bị thống trị bởi bất bình đẳng của loài người.
Ngay cả những người giàu có và quyền lực nhất rồi cũng phải chấp nhận rằng tuổi trẻ là phù du, sức khỏe sẽ sớm suy kiệt, và tất cả tài sản sẽ trở thành vô nghĩa sau vài thập kỷ.
Sự thật là những người khá giả sẽ sống lâu hơn người nghèo (năm 2017, một khảo sát ở Anh cho thấy người giàu có tuổi thọ nhiều hơn 7-9 năm so với người nghèo), nhưng điều này chủ yếu là bởi người nghèo phải tiếp xúc với nhiều yếu tố rút ngắn tuổi thọ hơn, như môi trường bệnh tật, chế độ ăn uống tồi tệ, và thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Còn không ai có thể đi xa hơn giới hạn tuyệt đối của tuổi thọ hiện tại (con người không thể sống quá 52 năm sau khi cán cột mốc 70 tuổi), hoặc nếu có thì cũng là hy hữu nhờ vào may mắn và di truyền, chứ không phải tiền bạc và địa vị.
Thực tế không thể chối cãi này đã định hình sâu sắc xã hội, văn hóa và tôn giáo của chúng ta, giúp thúc đẩy ý thức về tính chia sẻ của nhân loại. Chúng ta có thể ghen tị với các đặc quyền cuộc sống của những người giàu, nhưng tất cả đều có thể đồng cảm với nỗi sợ chết và đau khổ của họ khi mất đi người thân.
Tuy nhiên, việc chấp nhận cái chết không đồng nghĩa với sự vô cảm, và lãng quên đi tính người.
Tử Hạ, một trong những học trò của Khổng Tử, đã "chép lại tinh thần" của người thầy trong Luận ngữ: "Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên" (Sống chết có số, giàu sang tại trời). Khổng Tử là người hiểu cái chết vô thường hơn ai hết, nhưng khi học trò Nhan Hồi qua đời, ông khóc lóc rất thảm thiết và nhắc đi nhắc lại: "Trời hại ta, trời hại ta".
Một người khôn ngoan sẽ chấp nhận cái chết như một lẽ thường, nhưng sự khôn ngoan cũng không thể chống lại nỗi buồn. Chúng ta đến với chính mình thông qua vô số người khác, bản sắc của chúng ta hình thành trong mối quan hệ với người khác, và tình cảm trên đời này luôn trớ trêu như thế.
Như Ernerst Becker đã viết trong cuốn "Phủ nhận cái chết" (The Denial of Death): "Sống trọn vẹn là sống với nhận thức về thanh âm của sự khủng khiếp đã đặt nền tảng cho cuộc đời này".
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/doi-mat-cai-chet-549551/