Đôi mắt hình cánh xoan
Tôi có đôi mắt nhỏ và đượm buồn như những cánh hoa xoan cuối mùa rơi rụng. Người ta bảo, rồi sau này, số tôi sẽ lận đận hơn cả mẹ tôi...
Tôi có đôi mắt nhỏ và đượm buồn như những cánh hoa xoan cuối mùa rơi rụng. Người ta bảo, rồi sau này, số tôi sẽ lận đận hơn cả mẹ tôi. Hồi còn bé, mỗi lần nghe ai nói vậy, tôi lại chạy về hỏi ngoại, lận đận là gì? Ngoại kéo tôi vào lòng, tỉ mẩn bắt trứng chấy và tết tóc cho tôi, giọng buồn mênh mang như mặt sông một chiều trở gió: "Ai nói gì, mặc họ. Lời nói gió bay…".
Lớn hơn một chút, khi được học những bài ca dao về thân phận người phụ nữ xưa, tôi mới thấm dần nghĩa của từ lận đận. Ngoại tôi lận đận. Mẹ tôi lận đận. Ngoại sinh năm người con thì đến bốn người nhiễm chất độc màu da cam rồi dần dần bỏ ngoại mà đi. Mẹ tôi may mắn lành lặn.
Mười lăm tuổi, mẹ đã lân la đi giúp việc cho nhà người ta. Mười sáu tuổi, mẹ vác bụng bầu lùm lùm về làng trong lời ra, tiếng vào xì xào gièm pha của thiên hạ. Tôi chào đời trong cái ổ rơm xác xơ, ẩm mục. Tôi còn chưa biết mùi sữa mẹ thì mẹ để tôi lại cho ngoại rồi ngay trong đêm, theo chuyến tàu tốc hành ra Hà Nội. Có tin đồn, sau đó không lâu, mẹ tôi lấy một ông chồng hà khắc và sinh được một đứa con trai.
Tôi lay lắt lớn lên bằng bầu vú mướp quắt queo của ngoại, bằng những bát nước cơm sóng sánh pha đường. Nghe ngoại kể, năm tôi lên hai, mẹ trở về. Khi mẹ hôn lên má tôi, tôi còn đưa tay phủi mặt rồi khóc ré. Chỉ lúc tôi ngủ say, mẹ mới được ôm ấp và hôn tôi âu yếm. Mẹ về chưa đầy một tuần thì lại phải đi làm. Ngoại bế tôi tiễn mẹ ra gốc xoan đầu làng trổ hoa tím thao thức. Như thể có một sợi dây thiêng liêng ấp iu kết nối, chẳng hiểu sao lúc ấy, tôi chìa tay ra đòi mẹ bế và thắt thẻo gào lên:
- Mẹ! Mẹ!
Tuổi thơ, tôi suốt ngày quanh quẩn bên ngoại, bên những gốc xoan mòn mỏi đợi chờ. Ngoại bảo lúc nào hoa xoan nở, mẹ sẽ lại về. Hoa xoan thường bung tím mỗi độ Giêng Hai. Đó là lúc Tết đã hết, công việc ít đi, tiền vé xe lại rẻ hơn một nửa so với những ngày cao điểm đầu năm. Thường thì năm nào, mẹ cũng về khoảng chừng nửa tháng. Mỗi lần mẹ về, tôi thấy mẹ già đi nhiều so với tuổi. Mu bàn tay có nhiều vết sẹo mờ mờ. Mẹ không đi đâu cả, chỉ tranh thủ thời gian giúp ngoại làm những việc lặt vặt và chơi với tôi…
Nhưng có những Giêng Hai, khi hoa xoan đã tưng bừng đong đầy cả một góc trời quê xốn xang thương nhớ, mẹ tôi không về. Những buổi chiều riêu riêu gió rét, tôi thường thơ thẩn ra gốc xoan đầu làng nhặt cánh hoa xâu qua sợi tóc thành từng chuỗi buộc vào cổ tay và âm thầm khóc. Mùi hoa hăng nồng còn theo về trong những giấc mơ thấp thoáng bóng hình của mẹ. Người ta nói rằng, ai đó khóc nhiều dưới cây xoan, đôi mắt sẽ nhỏ đi và cong cong như những cánh xoan sắp sửa rụng rơi. Vậy, hẳn ngày xưa, mẹ tôi, ngoại tôi cũng từng khóc dưới một gốc xoan mùa xuân nào đó…
Mặc kệ ngoài kia vũ vần giông tố, tôi cứ thế lớn lên trong sự bao bọc, chở che của ngoại. Càng lớn, mắt tôi càng buồn, cái buồn u hoài và sâu thẳm. Tôi đã không tin những điều người ta nói về đôi mắt của mình cho đến một ngày, tôi trượt đại học vì viết nhầm hai màu mực trong bài thi môn Văn. Dù chỉ tính riêng điểm Sử và Địa, cộng với điểm vùng nữa, tôi đã thừa nửa điểm. Điểm 0 môn Văn đột ngột chặn đứng con đường đưa bước chân tôi tiến vào giảng đường ngôi trường sư phạm.
Giấc mơ trở thành cô giáo dạy Văn đành gác lại. Ngoại bảo, đầy người tốt nghiệp sư phạm bằng đỏ, bằng xanh rồi thất nghiệp nhan nhản. Cháu bị trượt có khi lại là may mắn. Ngoại luôn thế, luôn nói những điều thẳng như ống nứa. Hiểu tính ngoại, tôi chẳng giận nhưng không làm cách nào kìm nước mắt được. Tôi trùm chăn kín đầu, ru rú trong góc giường, khóc dầm dề từ ngày này sang ngày khác…
Thằng Sơn, bạn từ thời cởi truồng tắm mưa cùng tôi, cũng trượt đại học. Đôi mắt nó rất to và tròn. Nhưng rồi, nó cũng lận đận như tôi. Biết tôi buồn, nó thường sang thăm tôi và không quên mang theo những món quà nho nhỏ, khi thì chùm ổi rừng chua ngọt, lúc thì đóa sim tím dịu dàng. Thi thoảng, nó còn giúp ngoại tôi hái lá me chua nấu canh rô đồng rồi ở lại ăn cơm cùng. Trong bữa cơm, nó luôn tay gắp thức ăn vào bát tôi và liến thoắng bông đùa để tôi vui. Có lần, tôi phì cười, suýt phụt cơm vào mặt nó. Ngoại dặn tôi là con gái phải biết giữ ý tứ mới lấy được chồng. Sơn chữa cháy ngay, nếu chả con ruồi nào thèm bu cháu gái của bà thì để cháu xung phong chống ế cho ạ. Tôi đặt bát cơm đấm vào lưng thằng Sơn thùm thụp. Nhìn hai đứa trêu chọc nhau, ngoại cười hiền hậu, hai đứa mày mà lấy nhau rồi hàng xóm phải mua bông nhét vào lỗ tai bảo vệ màng nhĩ.
Sau mỗi bữa cơm, thằng Sơn đều xắn tay áo rửa bát cùng tôi, thao thao kể chuyện phim ảnh. Sự quan tâm ân cần của ngoại và Sơn giống như ngọn gió mát làm dịu vết thương lòng và thắp lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt. Tôi bắt đầu dọn dẹp cái góc nhỏ cạnh cửa sổ, kê lại bàn học, mua thêm sách vở tính sẽ tập trung ôn luyện để thi lại trong năm tới. Tôi hỏi Sơn:
- Mày có tính thi lại không?
Sơn gãi gãi đầu:
- Ừ… tao vẫn chưa nghĩ tới.
Nhà thằng Sơn nghèo hơn nhà tôi. Bố nó lại bị ung thư nữa. Chẳng qua vì Sơn là con trai độc đinh trong một gia đình có đến sáu chị gái nên nó mới được cưng chiều hơn chút. Năm vừa rồi, theo ý nguyện của bố, thằng Sơn đăng ký thi vào một trường Quân đội. Cái trường nó chọn mấy năm liền chỉ lấy mười chín, hai mươi điểm. Năm nay, đùng một cái, mức chuẩn nhảy vọt thêm bốn điểm khiến ba điểm bảy của nó trở nên thật nhỏ bé. Ấy vậy nó không buồn, trái lại còn rất tưng tửng. Nó thi cho bố vui lòng thế thôi chứ thực ra vài năm nay, nó vẫn ấp ủ đam mê theo đuổi con đường nghệ thuật.
Trước khi cả hai bước vào kỳ thi đại học, thằng Sơn nói, nếu trượt trường Quân sự, nó sẽ tìm cách gia nhập showbiz bằng thực lực như nhiều ngôi sao khác chứ không cần phải qua một trường lớp đào tạo nào cả. Tôi tỏ vẻ hiểu biết, làm nghệ thuật cốt ở năng khiếu và chút xíu may mắn nữa.
Ngoài miệng tôi nói như bà cụ non thế thôi chứ trong lòng tôi hơi băn khoăn, cả vùng này, từ trước đến nay đã ai làm diễn viên đâu? Nghe nói showbiz là thế giới đầy hào quang và cũng lắm cạm bẫy. Ước mơ của nó liệu có quá xa xỉ? Và cuối cùng thì bây giờ, hai đứa chúng tôi vẫn đang ngồi đây, dưới vòm me xanh lưa thưa những đốm nắng, Sơn chưa là diễn viên, và tôi cũng chưa là cô giáo.
Nhặt lấy một que củi khô, thằng Sơn vẽ nghêu ngao trên mặt đất. Đàn kiến đang hành quân tha mồi về tổ dự trữ thức ăn dù mùa bão hãy còn khá xa. Tôi mượn hình ảnh sinh động ấy để nói với Sơn những lời triết lý:
- Loài kiến luôn có sự tính toán và chuẩn bị chu đáo từ trước. Chứ không như chúng ta, đợi chờ nước đến chân mới nhảy. Đã xác định thi lại thì phải ôn ngay thôi…
- Tao không biết nên làm thế nào nữa…
- Mày nên thi Quân sự thêm một lần nữa. Nhà tao và nhà mày đều nghèo. Nếu tao không đỗ sư phạm và mày không đỗ Quân sự thì lấy tiền đâu đóng học phí? Ước mơ làm diễn viên của mày cứ tạm gác lại đó đi, sau này còn đầy cơ hội.
Mạnh mồm thế thôi chứ thực ra, tôi rất cần một người cùng ôn thi để có đủ niềm hứng khởi và dũng khí bước tiếp. Hơn nữa, thằng Sơn cũng học khối C. Hai đứa cùng nhau ôn luyện, trao đổi chắc chắn sẽ dễ thuộc hơn. Chứ nghĩ đến những cuốn sách dày cộm, nhâm nhít chữ và chi chít các mốc sự kiện, tôi đã nôn nao như say sắn. Sơn xin tôi cho nó thời gian ba ngày để suy nghĩ.
Trong ba ngày đó, tình huống được đảo ngược, tôi mò sang nhà Sơn thường xuyên với những lời nài nỉ chân thành. Và rồi, nó gật đầu đồng ý mà cái mặt méo xệch méo xẹo. Ngay chiều sau đó, trên con xe đạp cà tàng cọc cạch, thằng Sơn đèo tôi lên thị trấn tìm lớp học thêm. Đường xa lại gặp cơn mưa bất ngờ, chúng tôi ướt lướt thướt như chuột lột. Sau lần ấy, tôi bị ốm một trận li bì không biết gì trời đất. Ngoại đành cho tôi ở trọ. Nghe thằng con trai độc đinh trình bày nguyện vọng và quyết tâm thi lại trường Quân sự, bố thằng Sơn mừng hơn đào được vàng, liền ôn tồn nói: "Con nên ở trọ để tiện đường đi lại. Nhưng phải hết sức cẩn thận, con nhé".
*
Phòng tôi và phòng Sơn nằm sát vách nhau. Bức vách thưng bằng những tấm cót nứa, lổ đổ các lỗ thủng nên mọi động tĩnh bên này, bên kia đều biết hết. Mấy ngày đầu xa ngoại, đêm nào tôi cũng khóc. Tôi nhớ ngoại thao thiết. Thèm được ôm ngoại ngủ và ngửi mùi hương cỏ hoa đồng nội vương trên áo người. Thèm được bê bát canh rô đồng me chua ngoại nấu trong chái bếp bập bùng củi lửa...
Ấy vậy mà mới đầu tuần trước, tôi đã thích thú và khao khát ở trọ đến nhường nào. Không biết vì nhớ nhà hay lý do nào khác, thằng Sơn cũng thường ngủmuộn. Hễ nghe tiếng tôi thút thít, nó lại trở dậy, gõ nhẹ vào bức vách rồi hỏi han tôi đủ điều. Tôi ghìm chặt mũi mình để không làm phát ra những tiếng sụt sịt, vờ như đã ngủ. Nhưng tai tôi vẫn còn nghe rõ mồn một những lời đầy lo lắng nó khẽ nói với tôi mà như đang thủ thỉ với bức vách. Tôi càng xúc động hơn và nước mắt lại cứ thế ứa ra nhòa nhện.
Rồi tôi cũng dần quen với cuộc sống trọ học xa nhà. Đến tuần thứ ba, phòng trọ của Sơn có thêm một người bạn mới xin ở cùng cho vui. Cậu ấy tên Hiến. Hiến khá trầm tính và lạnh lùng. Buổi chiều, tôi mang bánh rán đường sang phòng Sơn. Sơn đi vắng và Hiến thì ngồi lắc lư đầu theo một điệu nhạc tiếng Anh phát ra từ chiếc điện thoại màu bạc. Tôi mở lời trước:
- Này bạn, thằng Sơn không ở nhà à?
- Dạ? - Hiến hơi ngơ ngác. - Cậu ấy đang đi tắm, chị ạ.
Tôi đặt đĩa bánh xuống bàn, lấn lướt:
- Trông tôi già lắm à?
- Sơn có kể qua về chị cho em nghe rồi. Chị hơn chúng em một tuổi đúng không?
Chắc thằng Sơn lại bép xép chuyện tôi đúp lớp 1 do trèo cây me ngã gãy tay đây mà. Tôi cười nhẹ:
- Thôi, từ này cứ xưng hô cậu - tớ cho tôi đỡ ngại.
Chúng tôi nói với nhau những câu xã giao một lát thì Sơn đi tắm ở cái giếng tập thể về. Tóc nó rỏ nước tong tỏng. Với bản tính hài hước, Sơn đóng vai MC giới thiệu bài bản về tên tuổi, quê quán, tính cách, ước mơ của từng đứa. Thật bất ngờ khi Hiến có chung ước mơ với tôi. Không giấu nổi niềm hân hoan, Hiến chủ động chìa bàn tay ra, hóm hỉnh:
- Xin được bắt tay người đồng chí.
- Cậu định thi sư phạm gì?
- Chúng ta có cùng chí hướng, nhưng không phải là đối thủ của nhau. - Hiến cười hiền. - Tớ thi sư phạm Địa lí.
- Sao chỉ riêng tôi một mình một ngựa thế này? - Thằng Sơn tinh quái. - Tôi tống cổ anh chị về ở chung một phòng đấy nhé.
Tiếng nói cười vang lên rộn ràng một góc phòng trọ.
Và ba chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân từ đó, cùng nhau hàn huyên chia sớt vui buồn, cùng nhau nhóm bếp nấu những bữa cơm thanh đạm, cùng nhau trèo tường vào lớp mỗi lần ngủ nướng trễ học, cùng nhau ôn thi quên cả thời gian. Hiến bảo, trên thành phố, gần nhà cậu không thiếu lò luyện thi. Nhưng cậu xin bố mẹ về đây để thoát ra khỏi cái kén bao bọc quá chặt của gia đình và học cách sống tự lập. Tôi thấy lời giải thích đó hoa mỹ, song chưa thuyết phục.
Căn vặn mãi, Hiến mới bộc bạch một lý do khác mà vốn dĩ cậu đã định giấu kín là để tránh xa đám bạn hư hỏng suốt ngày rủ rê bar sàn, bố mẹ gửi Hiến cho người cô ruột là bà chủ dãy trọ này. Bà chủ thấy thằng Sơn hiền lành, chất phác nên mới bàn với nó cho Hiến ở cùng. Tôi thắc mắc, bar sàn là gì? Bắt trúng luồng sóng, Hiến lưu loát làm hẳn một bài thuyết trình về những quán bar lấp lánh sắc màu, rộn ràng tiếng nhạc, về những thú vui của một thành phố đầy náo nhiệt và sinh động.
Niềm háo hức trỗi dậy trong lòng tôi. Thế mà mẹ tôi bảo, thành phố chẳng có gì ngoài sự ồn ã và bon chen. Tôi mong thời gian trôi qua thật nhanh để sớm được đặt chân đến thành phố. Và Hiến chắc chắn sẽ giữ lời hứa thuê xích lô đưa tôi đi vòng quanh Hà Nội và mời tôi ăn những món đặc sản nổi tiếng nhất…
Sức hấp dẫn trong những câu chuyện về Hà Nội của Hiến khiến tôi và Hiến ngày càng gắn bó với nhau, đồng nghĩa tình bạn giữa tôi và Sơn ngày càng xa cách. Sơn lặng lẽ và ít nói hơn. Những đêm tôi sáng đèn học bài muộn, Sơn không còn ghé miệng vào lỗ thủng trên bức vách nhắc tôi đi ngủ. Thay vào đó, đêm đêm, Hiến thường sang phòng giúp tôi củng cố bài vở bằng cách đố qua, đố lại. Ai không trả lời được sẽ bị búng tai. Cái đầu tôi phản xạ rất chậm trong khi Hiến thuộc thơ làu làu, nhớ vanh vách các sự kiện lịch sử, mốc số liệu địa lí. Sau mỗi đáp án, Hiến còn giảng giải về những kiến thức mở rộng ngoài sách vở. Tôi chỉ còn nước phục sát đất.
Hiếm hoi lắm, tôi mới được búng tai Hiến một lần. Còn lại, phần thắng luôn thuộc về Hiến nhưng ngón tay cậu búng vào tai tôi nhẹ như gãi ngứa. Cứ đến lúc kim giờ và kim phút cùng chỉ đến số 12, trò chơi ôn thi sẽ kết thúc. Hiến về phòng, mùi nước hoa trên áo cậu còn vương lại, phảng phất. Đã thành một thói quen, tôi phải trằn trọc nghĩ về Hiến một lúc rồi mới miên man chìm vào giấc ngủ. Nhiều hôm, tôi vừa thiêm thiếp thì bị đánh thức bởi tiếng giội nước tắm của Sơn ngoài cái giếng tập thể. Tiếng dội nước ràn rạt như xói vào cơn mơ vừa chớm của tôi, thổn thức, cồn cào…
Sau những câu chuyện về đề tài Hà Nội là chuyện về gia đình. Ngồi bên nhau hằng tiếng đồng hồ, Hiến chậm rãi trải lòng về những năm tháng tuổi thơ nhiều biến cố. Bố cậu là giám đốc một công ty bánh kẹo. Mẹ cậu ở nhà quán xuyến việc nội trợ. Hằng tháng, mẹ cậu đều phải ngửa tay xin tiền bố cậu để trang trải hàng chục khoản chi tiêu lặt vặt. Những lúc vợ chồng mâu thuẫn, bố thường lấy đó làm cái cớ chì chiết, khinh thường mẹ. Mẹ cậu cam chịu và kiệm lời.
Một vài năm, bà lại đi du lịch đâu đó, một mình. Trong những ngày mẹ đi vắng, bố công khai mang bồ nhí về nhà. Ngột ngạt, Hiến sinh thói đổ đốn, theo bạn bè ăn chơi đàn đúm khắp nơi. Hết tiền, cậu lững thững mò về nhà. Bố cậu vung roi định đánh cậu thì mẹ cậu đưa tay ra đỡ. Bố đánh cả mẹ, tới tấp, dồn dập. Hai mẹ con ôm nhau, quặn đau, xa xót. Hiến đã định bỏ mặc mọi thứ để đi bụi đời. Nhưng vì thương mẹ nên cậu đã dặn lòng cố mà học…
Kể đến đó, Hiến bật khóc như một đứa trẻ. Tôi chìa bờ vai nhỏ dẻ để cậu tựa đầu vào. Rồi tôi cũng kể câu chuyện của tôi. Và đến lượt tôi thút thít. Hoàn cảnh nhà Sơn cũng rất buồn. Nếu có Sơn ở đây lúc này thì ngày hôm nay ba đứa sẽ ôm nhau mà khóc thật to. Sơn từ lâu đã thay đổi đồng hồ sinh hoạt trái chiều với tôi và Hiến. Sơn thường ngủ khi chúng tôi học bài và thức dậy xối nước soàn soạt rồi thui thủi học bài lúc chúng tôi ai về phòng nấy soạn sửa đi ngủ. Tôi hỏi sao Sơn không học chung với hai đứa tôi như trước cho vui thì Sơn cáu kỉnh: "Học chung ồn ào, khó thuộc".
*
Trước ngày bước vào kỳ thi đại học, Hiến hẹn gặp tôi tại một quán cóc ven đường. Tôi đến trước, lòng bồi hồi trông ngóng. Chắc cậu ta lại định tạo ra một bất ngờ nào đây? Hoặc có thể đây là trò đùa và tôi sẽ bị leo cây? Mà nếu Hiến trêu tôi thật, chắc tôi cũng không giận nổi cậu ấy. Bao lần bị Hiến chê óc củ chuối khi quên béng những cột mốc lịch sử quan trọng, tôi thường tỏ vẻ phụng phịu dỗi hờn để được nghe Hiến hạ giọng vỗ về, năn nỉ.
Lâu lâu, không được nghe Hiến mắng, tôi thường hay kiếm cớ cãi nhau. Và rốt cục, Hiến luôn là người phải nhận sai trước. Một thứ cảm xúc khó gọi thành tên lớn dần trong trái tim tôi. Những ý nghĩ về Hiến choán hết tâm trí, dù hai đứa chỉ cách nhau một bức vách cót nứa, đến mức tôi quên viết thư về hỏi thăm ngoại và giật mình nhận ra, rất lâu rồi, tôi chưa ngồi nghe Sơn tâm sự như những ngày còn ở quê nhà. Vừa đợi, vừa lan man hồi tưởng một lúc thì Hiến đến với bó hồng nhung rực rỡ trên tay:
- Tặng Thanh này?
- Vì lý do gì? - Tôi nhíu mày.
- Màu đỏ là màu may mắn. Chúc Thanh may mắn.
Tôi e ấp đón lấy bó hoa, lòng chộn rộn niềm vui. Khi bó hoa đã nằm nguyên trong vòng tay tôi, Hiến láu lỉnh, nửa đùa nửa thật:
- Truyền thuyết kể rằng, ai ôm lấy bó hoa vào lòng thì phải chấp nhận lời tỏ tình của người trao tặng. Thanh làm bạn gái Hiến nhé?
Sững sờ, tôi nhìn Hiến. Môi Hiến cười tinh nghịch nhưng mắt cậu long lanh ánh lên cái sự chân thật đáy lòng chứ không hề đùa cợt. Tôi vờ quắc mắt lườm lườm Hiến:
- Thôi đi ông tướng, lo dồn hết công lực cho kỳ thi ngày tới đi này.
Sau sự chộn rộn niềm vui khi đón lấy bó hồng là cảm giác lâng lâng như say rượu. Hiến kéo chiếc ghế nhựa ngồi sát tôi hơn rồi luồn những ngón tay gỡ mấy đốm lá phượng vàng ươm đậu trên mái tóc tôi, khẽ khàng, tình tứ. Những đốm lá phượng gợi nhắc đến cây me tôi và Sơn ngồi bàn chuyện thi lại trong một buổi trưa đượm nắng. Tôi cứ ngồi yên như vậy. Không gian và thời gian ngưng đọng trong khoảnh khắc thoang thoảng hương hoa hồng. Giọng Hiến nhẹ hơn tiếng gió lao xao trong vòm phượng:
- Hiến nói thật đấy!
*
Kết quả kỳ thi đại học làm tôi không trọn vẹn sướng vui khi tôi và Hiến đã vượt vũ môn thành công trong khi Sơn thiếu đúng nửa điểm trong gang tấc. Thế rồi, Sơn chán nản từ bỏ luôn giấc mơ showbiz, về quê mua một bầy vịt thả đồng chiêm. Tôi và Hiến tiếp tục những năm tháng vật lộn với sách vở, chữ nghĩa. Tình yêu nồng ấm và sự quan tâm chu đáo của Hiến khiến tôi luôn được sống trong hạnh phúc. Hiến đưa tôi đến những nơi nổi tiếng, xa hoa cho đến những ngõ ngách bình dị nên thơ của Hà Nội. Hiến chiêu đãi tôi bằng kem, phở, bún chả, bún thang, bánh cuốn, bánh đa nem… Mỗi ngày một món ngon mà tôi không làm cách nào nhớ tên hết được. Thời gian trôi qua lặng lẽ và ngọt ngào, ít biến cố nhưng êm đềm kỷ niệm. Năm cuối đại học, ôn thi kịch liệt, tôi vẫn tăng cân nhanh. Tôi nũng nịu bắt đền Hiến:
- Hiến biến Thanh thành con lợn mất rồi. Thế này thì Thanh ế chồng mất.
- Ơ, Hiến đã cam đoan từ đầu là dù Thanh có hóa thành sư tử hay lợn sề thì Hiến vẫn nguyện cả đời làm nô bộc của Thanh rồi còn gì.
- Hiến chỉ được cái lẻo mép!
Hiến bỗng dưng nghiêm túc:
- Hôm nay, bố Hiến đi công tác nước ngoài rồi, Thanh về ra mắt mẹ Hiến nhé?
Tôi về nhà Hiến. Căn nhà bốn tầng nằm ngay mặt đường lớn có những dây hoa giấy leo quanh, tím dịu dàng, thơ mộng. Hiến vừa mở cửa thì gặp ngay một tờ giấy nhó màu vàng: "Mẹ có việc phải đi xa vài tuần. Thức ăn đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, con tự phục vụ mình nhé". Hiến hơi thất vọng:
- Chán quá. Hiến không lường trước được tình huống này.
- Không sao mà…
Chiều hôm đó, tôi cùng Hiến vào bếp nấu những món ăn nhẹ rồi vừa nhấm nháp, vừa xem phim. Và, không kìm nổi dòng khát khao đã gìn giữ cho nhau suốt bốn năm đại học, chúng tôi đi quá giới hạn của một nụ hôn. Tôi nằm ngoan ngoãn trong vòng tay Hiến, thỏ thẻ:
- Hiến sẽ cưới Thanh chứ?
- Mẹ Hiến sẽ rất vui khi Hiến tìm được một cô con dâu như Thanh.
- Mẹ Hiến là người như thế nào? Sao Hiến dám chắc vậy?
Hiến với cuốn album trong ngăn kéo, lần giở trang đầu tiên:
- Mẹ Hiến này, xinh không?
Và giây phút ấy, tôi như kẻ mất hồn trước người đàn bà trong ảnh…
*
Không một lời từ biệt, tôi bỏ mặc Hiến, bỏ mặc Hà Nội, vội vã bắt chuyến xe đêm, về với ngoại. Nước mắt tôi không đủ để rải suốt quãng đường dài. Văng vẳng đâu đây câu nói của mấy bà hàng xóm: "Rồi cái Thanh sẽ lận đận hơn cả mẹ nó cho mà xem!". Tại sao Trái Đất lại tròn và nhỏ bé đến thế? Tại sao Ông Trời lại cố ý sắp đặt để tôi và Hiến gặp nhau. Mẹ ơi! Hiến ơi! Ngày mai, khi nắng lên, tôi biết phải đối mặt với hiện thực thế nào? Nỗi đau này, nỗi đau lớn nhất cuộc đời tôi. Nỗi đau này, nỗi đau vĩnh viễn không thể nào lành sẹo. Đời cho tôi mối tình đẹp như mơ để giáng xuống cái kết thúc là một cơn ác mộng.
Tôi về đến nhà khi mặt trời đã ló rạng. Uể oải. Rã rời. Mẹ tôi đang nấu cháo trong chái bếp. Vứt cái ba lô bên hiên nhà, tôi chạy đến ôm mẹ từ đằng sau, khóc tức tưởi:
- Mẹ ơi, mẹ về đấy ạ. Ngoại đâu đi đâu hở mẹ?
- Mẹ đây. - Mẹ quay lại, luýnh quýnh ôm tôi. -Chắc ngoại đi loanh quanh sang nhà hàng xóm.Hôm nay được nghỉ hả con? Sao con khóc?
- Mẹ nói dối con. Mẹ không phải đi làm ôsin cho nhà người ta. Mẹ đã lấy chồng ở Hà Nội.
- Sao? - Mẹ lắp bắp thảng thốt. - Sao con nói… nói… thế?
- Mẹ còn định giấu con đến bao giờ nữa. Hiến là…
Nghẹn ngào, tôi kể cho mẹ nghe về chuyện tình oan trái của chúng tôi. Mẹ ấp đầu tôi tựa nhẹ vào hõm cổ xương xương của mẹ, giọng điềm đạm:
- Mẹ đẻ của Hiến mất vì băng huyết sau khi sinh ra nó…
Câu chuyện của mẹ thật dài và gay cấn như diễn biến của một cuốn tiểu thuyết… Tôi rưng rưng nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của mẹ. Mắt mẹ nhỏ và đượm buồn như những cánh hoa xoan cuối mùa rơi rụng…
Lòng nhẹ như cơn mưa xuân vừa trút xuống. Bỗng dưng tôi nhớ đến Sơn. Lâu lắm rồi, tôi đã không còn gặp cậu ấy. Không biết ngoài kia, phía sau lớp lớp những cánh xoan rụng bời bời trên cỏ, Sơn đang ở đâu trong dòng đời cuộn xiết ở ngoài kia.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/doi-mat-hinh-canh-xoan-585342/