Đối mặt nhiều khó khăn, Vinalines vẫn đặt kỳ vọng lớn trong năm mới
Kết quả tích cực của quá trình tái cơ cấu hơn 6 năm qua tạo bản lề cho Vinalines tiếp tục đặt ra những kỳ vọng mới trong hoạt động kinh doanh.
Cảng biển vẫn là điểm sáng
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, hoạt động khai thác cảng biển vẫn gặp nhiều khó khăn do hàng loạt cảng mới ra đời, tạo áp lực cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng thông qua của Vinalines vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 106,2 triệu tấn, vượt 6,3% so với kế hoạch, tăng 12,9% so với 2018, lợi nhuận đạt 1.118 tỷ đồng.
Điển hình là cảng Cam Ranh tiếp tục đạt con số kỉ lục gần 3 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, tăng trưởng 17%; Cảng Hải Phòng cán đích trước kế hoạch 15 ngày với sản lượng gần 25,7 triệu tấn hàng hóa thông qua... “Kết thúc năm 2019, doanh thu hợp nhất của Vinalines ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỷ đồng”, ông Hải thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng cảng biển, khối vận tải biển và dịch vụ hàng hải của Vinalines vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng vận tải biển ước đạt 23 triệu tấn, vượt 15,6% so với kế hoạch. Tuy nhiên, con số này lại giảm 13,8% so với năm 2018. Điều này do tổng công ty tiếp tục xử lý tài sản không hiệu quả làm giảm tấn trọng tải. Chi phí khấu hao và lãi vay của đội tàu nhìn chung cao, đặc biệt dư nợ với ngân hàng chưa có cơ chế xử lý cải thiện hiệu quả hoạt động.
Doanh thu của khối dịch vụ hàng hải năm vừa qua cũng chỉ ước đạt 2.166 tỷ đồng (81,9% kế hoạch), lợi nhuận đạt 47 tỷ đồng (59,9% kế hoạch). Toàn khối chỉ có một số DN có lãi như: Vosa (42 tỷ đồng), Vimadeco (6,7 tỷ đồng), Vinalines Logistics (3,3 tỷ đồng) do việc hợp tác, liên kết giữa các DN trong và ngoài nước thực hiện hoạt động logistics ngày càng tăng. Thị trường khai thác bãi container và kho CFS ngày càng khó khăn, quy mô các doanh nghiệp nhỏ lẻ, cung ứng dịch vụ rời rạc chưa đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài”, ông Hải chia sẻ.
Chuyên dụng đội tàu, hiện đại cảng biển
“
Triển khai thực hiện Quyết định số 751/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN, đến nay, công tác cổ phần hóa về cơ bản đã hoàn tất các công việc theo quy trình.
Ngày 29/11/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh vốn, cơ cấu vốn điều lệ và kiện toàn Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Dự kiến tháng 3/2020, tổng công ty sẽ tiến hành Đại hội cổ đông lần thứ nhất, chuyển mô hình hoạt động sang CTCP.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines.
”
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho biết, theo dự báo của Drewry, năm 2020, thị trường vận tải biển vẫn khó khởi sắc do thị trường tàu hàng khô tăng trưởng chậm, đạt tốc độ 1,3%, thị trường tàu dầu là 0,8% và thị trường tàu container là 2,5%.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thế giới dẫn đến việc thay đổi các tuyến vận tải truyền thống. Tình hình chính trị bất ổn tại một số khu vực trên thế giới đặc biệt là khu vực Trung Đông sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tới giá nhiên liệu, tác động tiêu cực lên thị trường vận tải.
“Trong khi đó, đội tàu của tổng công ty có tỷ lệ tàu già, cũ lớn, tuổi tàu trung bình ngày càng cao (17,7 tuổi) do không có nguồn lực “trẻ hóa”. Cơ cấu đội tàu manh mún về chủng loại, chưa chuyên dụng, chủ yếu là tàu hàng rời trong khi xu hướng thế giới là tàu container đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh các đội tàu tư nhân phát triển ngày càng nhanh, mạnh”, ông Tĩnh nói.
Đối với lĩnh vực khai thác cảng biển, theo ông Tĩnh, cảng quốc tế Lạch Huyện từ khi đi vào hoạt động bến số 1, 2 đã thu hút nguồn hàng, ảnh hưởng lớn đến thị phần của các cảng khu vực phía Bắc, trong đó có cảng Hải Phòng.
Ngoài ra, việc đi vào khai thác các cảng: Nghi Sơn, Chu Lai, Vĩnh Tân từ năm 2019; Các cảng dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2020 - 2021 như: Gemalink, cảng Định An, cảng Dung Quất - Hòa Phát cùng với các chính sách khuyến khích phát triển của địa phương đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN cảng của tổng công ty từ năm 2020.
Ông Tĩnh cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh trên, thời gian tới, Tổng công ty Hàng hải VN sẽ thông qua các đơn vị thành viên hoàn thành việc xin chủ trương, triển khai xây dựng dự án đầu tư 2 bến tại cảng Lạch Huyện và tiếp tục nghiên cứu, xin chủ trương đầu tư xây dựng thêm 4 bến tại cảng Lạch Huyện tiếp nhận tàu đến 8.000 TEUs.
Vinalines cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng, đổi mới công nghệ bốc xếp các cảng: Hải Phòng, Sài Gòn - Hiệp Phước, Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải... với tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm khối cảng biển năm 2020 là hơn 1.235 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc tổng công ty sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước.
“Công tác tái cơ cấu đội tàu sẽ được tiếp tục thực hiện với kế hoạch tiếp tục thanh lý 15 tàu già, tổng trọng tải gần 367.000 DWT để giảm lỗ. Thay vào đó, Vinalines sẽ đầu tư 4 tàu container chuyên dụng cỡ 1.000 - 5.000 TEUs, 3 tàu hàng rời cỡ handysize, 1 tàu supramax dưới hình thức mua hoặc thuê mua.
Dự kiến đến năm 2020, đội tàu của Vinalines có trọng tải khoảng 1,1 triệu DWT. Trong đó, tàu container chiếm khoảng 13%, tàu hàng rời chiếm khoảng 78%, còn lại là tàu hàng lỏng”, ông Tĩnh nói và cho biết, Vinalines cũng sẽ chú trọng việc tìm kiếm các hợp đồng dài hạn như: Than từ Indonesia, Úc về Việt Nam... Tiến tới tham gia các liên minh về vận tải quốc tế nhằm hiện diện là một đơn vị trung chuyển container trong khu vực để cải thiện tình trạng ảm đạm của khối vận tải biển.
“Với việc đề ra kế hoạch toàn diện, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu trong năm 2020 đề ra với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khoảng 108,2 triệu tấn (tăng 1,9% so với năm 2019); Sản lượng vận tải biển đạt 19,4 triệu tấn; Doanh thu hợp nhất đạt khoảng 10.315 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 1.000 tỷ đồng”, lãnh đạo Vinalines chia sẻ.