Dõi mắt theo sông

Buổi chiều yên ắng đến độ nghe được âm thanh máy đê chạy khình khịch trên những cánh đồng xa. Mùa hạn, nước trong ruộng khô cạn, phèn váng đọng lại thành từng mảng khô khốc trên mặt nước xám xịt dưới nắng trời. Gió đưa, mùi phèn chua thoang thoảng.

Mùa ngồi đốt nhang bên bờ sông, dưới tán tràm. Hương tràm mùa hạn thơm bát ngát át hẳn mùi phèn chua. Khói nhang vẽ một đường cong vòng lên không trung. Chiều nước lớn, lục bình theo dòng chảy trôi về bủa vây kín mặt sông, có bụi trổ bông tím ngát. Ngắm nhìn dòng nước, mắt Mùa rưng rưng.

Dòng sông lạ hoắc chảy ngang qua xóm nhỏ, uốn cong giữa mảnh đất quê anh rồi chảy về đâu không biết. Mùa chưa bao giờ đi hết dòng sông này, mà cũng không đủ can đảm để đi cho kì hết. Lần đầu tiên anh bơi xuồng đưa Mùa ra ngã ba sông cũng là một chiều nước lớn, mặt sông dềnh dàng, trên sông vương chút buồn bã của bóng chiều ôm trùm những nếp nhà lưa thưa, bóng tràm và đồng khô nơi miền quê xa lắc.

Đó cũng là lần cuối cùng Mùa dũng cảm đi trên sông.

Minh họa: Hoàng Tường

Minh họa: Hoàng Tường

Mùa ngồi hát ru, tự nghĩ ai đi ngang thấy Mùa ngồi hát một mình, lại thắp nhang, chắc nghĩ Mùa là người đàn bà điên. Ừ, Mùa điên. Mùa đã điên từ khi thằng Tùng bỏ Mùa ra đi, để lại Mùa với những nỗi đau không bao giờ nguôi dứt. Sông chỉ cuốn Tùng đi mãi, xa Mùa, chứ không giúp Mùa rửa trôi những kí ức đau thương. Dòng sông ấy hằn in cái vết đau bắt đầu từ buổi chiều thằng Tùng xin mẹ ra bờ sông thả diều, sơ sẩy trượt chân rơi thỏm xuống nước. Đứa nhỏ vốn là trẻ phố, đi đâu có ba mẹ đón đưa, nó không biết bơi. Dòng sông chỉ đón nhận chứ không cứu được thằng nhỏ. Nước lớn cuốn Tùng đến đoạn sông sâu nhất rồi vĩnh viễn nhấn chìm đứa nhỏ, nhấn chìm nguồn sống đời Mùa. Mùa không khóc được nữa, cổ họng nghẹn đắng còn lòng dạ Mùa thì luẩn quẩn đâu đâu, trên dòng sông có cụm lục bình xanh biêng biếc.

Mùa ngồi ngoài bờ sông mấy ngày liền, mặc nắng gió, mặc sóng thét gào xé lòng Mùa tan tác. Đau đến rã rời. Chồng Mùa mò từ bờ sông, dưới rặng tràm ra quãng sâu nhất vẫn không thấy xác đứa nhỏ đâu. Hàng xóm đoán chắc nước lớn đã cuốn thằng Tùng đi từ cái lúc nó chơi vơi giữa dòng sông không ai trông thấy, sông chảy đi đâu ai mà biết được. Xác thằng nhỏ trôi đi đâu cũng không ai biết được. Không vớt được xác con, Mùa vật vã, lịm người…

– Tùng ơi, Tùng… Con có nghe mẹ gọi không Tùng? Nếu con nghe thì hãy làm ám hiệu gì đó cho mẹ biết đi con… Tùng ơi…

Mùa nức nở. Nén nhang đã tàn đi một nửa, khói nhang cũng nhạt nhòa hơn. Từ ngày thằng Tùng mất, năm nào Mùa cũng lặn lội về quê anh đúng ngay ngày giỗ của con. Trên mặt đất cỏ mọc lún phún, Mùa bày ra con gà luộc, ít trái cây, xôi chè… cúng con rồi đặt mọi thứ lên chiếc bè nhỏ thả trôi ra dòng sông. Sợ thằng nhỏ đói, Mùa nghĩ vậy.

Ngày trước, hôm nào ăn cơm Mùa cũng để cái chén, đôi đũa bên cạnh cúng thằng nhỏ, ăn gì Mùa cũng gắp “cho con”. Thầy bảo Mùa thôi đừng cúng nữa, để vong hồn thằng nhỏ được siêu thoát, ngày nào cũng cúng nó vướng nợ với mình không nỡ đi đầu thai. Mùa không cúng nữa, trừ ngày giỗ con Mùa mới thức dậy từ sớm đon đả ra chợ mua đồ về nấu đủ món ngon rồi đem về quê anh cúng giỗ.

Lần đó Mùa trông thấy mấy đứa trẻ xóm dưới đứng đón dòng nước mang theo cái bè đầy thức ăn ngon Mùa cúng cho cu Tùng, hí hoáy chia nhau, Mùa nhìn mà rưng rưng nước mắt. Mùa gọi đứa lớn nhất lại rồi đưa tay vào lấy tờ tiền trong túi đưa cho nó bảo mua đồ cho các em cùng ăn, vớt đồ cúng dưới sông ăn như vậy không nên. Nó gật đầu ái ngại nhìn Mùa cho đến khi bóng người phụ nữ khuất dần trên con đường mòn giữa cánh đồng cỏ úa…

***

Mùa không trở lại thị trấn hoa vàng, không về ngôi nhà phía trước có rào hoa vàng rực rỡ bao phủ. Anh gọi điện Mùa không bắt máy. Anh nhắn tin tới tấp, anh gọi Mùa về, không còn đứa nhỏ thì cũng còn tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm đâu thể muốn đi là đi, muốn bỏ là bỏ.

Mùa nhận được tin nhắn nhưng Mùa không trả lời. Mùa biết đứa nhỏ là sợi dây duy nhất khiến Mùa ở lại ngôi nhà cũ trong thị trấn hoa vàng. Mất ít lâu cho nỗi đau nguôi ngoai, anh trở lại với công việc thường nhật ở văn phòng, còn Mùa quyết định nộp đơn xin nghỉ làm ở công ty, nhẹ nhàng chọn cho mình một cuộc đi. Cuộc đi của Mùa nhẹ hẫng. Mùa không mang theo gì ngoài áo quần và những vật dụng cần thiết, cũng chẳng nói với anh một lời. Anh trở lại nhà thấy trên bàn có một lá thư, đoán biết chuyện chẳng lành, anh vội vã giở thư ra và đọc. Thư của Mùa, những dòng chữ không giữ được mình trên một đường thẳng, đôi chỗ rơi thỏm, nguệch ngoạc…

Minh,

Giờ thì không còn gì níu kéo anh và em nữa rồi. Con mất, em không còn đủ mạnh mẽ và bản lĩnh để bước đi cùng anh. Ngày xưa, ba mẹ cho anh cưới em về làm vợ cũng vì thằng Tùng – cháu đích tôn của ba mẹ. Em biết, dòng họ anh cần thằng Tùng để nối dõi, còn em có cũng được, không có cũng không sao. Thôi thì em đi. Em sẽ chẳng mang theo bất cứ món tài sản nào bởi tài sản lớn nhất của em: thằng Tùng – đã không còn. Mà em thì không thể sinh thêm cho anh đứa con nào nữa, Minh à!

Chúc anh hạnh phúc! Đừng đi tìm em. Sẽ không bao giờ anh tìm thấy em đâu.

Em của anh,

Mùa.

Vậy đó, tình yêu kết thúc nhẹ như lông hồng. Mùa rời khỏi thị trấn hoa vàng, còn anh cũng chẳng tha thiết đi tìm Mùa. Đôi chân anh chôn chặt ở ngôi nhà có hoa vàng phủ qua trước cổng. Anh yêu Mùa, nhưng anh cũng đang trong trạng thái lơ lửng, nửa muốn tìm Mùa, nửa muốn buông bỏ. Ai đó từng nói với Mùa: đôi khi đàn ông cần phụ nữ chỉ vì phụ nữ mang lại cho họ một điều gì đó. Một cảm giác khoái lạc. Một mái ấm gia đình trọn vẹn để họ trở về sau những bận rộn lo toan. Và… những đứa trẻ. Họ ích kỉ quá, phải vậy không?

Mùa cứ nhớ mãi lần anh đưa Mùa về ra mắt gia đình. Nhà anh nằm tận vùng sâu, nơi vẫn còn tồn tại những quan niệm lỗi thời mà người xưa sống lê cuộc đời mình qua hiện tại âm thầm gieo rắc vào trí óc non tơ của thế hệ cháu con. Anh – một doanh nhân trẻ, chững chạc và chu toàn. Thuở ấy Mùa chỉ là cô sinh viên năm cuối lơ ngơ, sáng đạp xe lộc cộc đi dòm chỗ này, ngó chỗ kia, ở đâu tuyển nhân viên thì Mùa tất tả làm đơn nộp hồ sơ rồi đợi chờ, hi vọng. Nhà anh ở nông thôn nhưng cơ ngơi vững chãi, ba mẹ anh cũng già tóc phai màu sương, sống trong tiện nghi đủ đầy chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi đứa cháu đích tôn sau này trông coi ruộng vườn cơ nghiệp.

Mọi thứ đến với Mùa nhẹ nhàng và bất ngờ, một buổi chiều tan trường Mùa đứng nép vào mái hiên trú mưa, anh đi ngang qua vô tình dừng xe lại cho Mùa có giang về nhà. Những cuộc hẹn hò, những lần đưa đón, hàng quán thân quen, mùi cà phê và giai điệu buồn có chút gì đó nức nở, khiến Mùa yêu anh tự lúc nào không biết.

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đây
Có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa tôi cũng yêu em…

Anh vẫn thường ôm đàn ngồi hát cho Mùa nghe Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên) mỗi khi tan sở. Mùa cũng biết hát, hồi học năm thứ nhất Mùa thường đi hát với đám bạn thân ở lề đường mưu sinh. Quen nhau, anh không cho Mùa đi hát, mà đám bạn thân của Mùa cũng tứ tán khắp nơi. Lớp sinh viên mới tốt nghiệp còn ngẩn ngơ với tấm bằng đại học trong tay không biết phải xin vào đâu. Anh xin cho Mùa một chân biên tập viên trong công ty phát hành sách. Công việc ổn định, mỗi tháng Mùa góp nhặt gửi tiền về cho má nuôi em.

Buổi tối hôm đó, trong không khí hoa hồng đỏ và nến vàng lãng mạn, anh ngỏ lời cầu hôn Mùa. Mùa dùng dằng. Không phải Mùa không yêu anh, nhưng gia đình anh là rào cản lớn khiến Mùa không dám bước tới. Anh hứa sẽ thu xếp chuyện gia đình để họ bằng lòng chấp nhận Mùa làm dâu con trong căn nhà ruộng vườn đề huề đi một ngày không hết. Anh hứa vậy, không biết anh thu xếp thế nào mà gia đình anh đồng ý.

Ngày đám cưới, để chiều theo ý ba mẹ, anh đưa Mùa về quê làm đám theo kiểu truyền thống. Anh áo dài khăn đóng, Mùa đội mấn, áo đỏ thêu hoa, hàng xóm kéo đến uống rượu hồng chúc mừng đôi trẻ. Đám chị em chồng Mùa xúm nhau đàm tiếu: “Con nhỏ đó coi vậy mà có phước dữ, vớ được thằng Huy như chuột sa hũ nếp, sướng nhất rồi còn gì?!”. Mùa nghe hết, Mùa thoáng buồn nhưng gắng bỏ ngoài tai. Anh nói cưới xong anh đưa Mùa về phố, mua căn nhà khác ở thị trấn hoa vàng để mỗi chiều về nhà Mùa ngắm hoa nở muộn, nghe nhạc Ngô Thụy Miên, lòng Mùa bình yên.

Hai năm sau, Mùa sinh cho anh cu Tùng. Là con trai nên họ hàng nhà nội quý thằng cu lắm, cứ mấy hôm lại lặn lội lên thị trấn thăm cháu. Anh có xe hơi, anh nói ngày nghỉ anh sẽ về quê đón ông bà nội cu Tùng lên chơi, hoặc đưa cả nhà về quê cho thư thái. Họ không đợi. Lòng mong ngóng đứa cháu đích tôn dâng lên gấp bội phần.

***

Đó là một buổi sáng thị trấn hoa vàng ngập nắng, anh nói với Mùa sửa soạn cho cu Tùng rồi đưa cả nhà về thăm quê.

Nhà anh nằm cuối xóm, bên bờ sông, sau nhà là dãy đồng chạy tít tắp. Ngày trước đường về nhà là đường đất, giờ thì đường được đổ nhựa, xe chạy bon bon.

Anh nói: “Cu Tùng, ngủ một giấc đi rồi ba dẫn con ra đồng thả diều, tập bơi, nước sông quê mình ngọt lắm, hồi đó ba tắm hoài”. Thằng Tùng ậm ừ. Mùa dỗ con ngủ, nhưng thằng nhỏ không ngủ cứ nằm trằn trọc mãi không thôi. Mùa ôm con, hôn con. Tự dưng lòng Mùa rưng rưng kì lạ. Dường như khi người ta cảm thấy tình cảm dành cho nhau thiêng liêng đến rơi trào nước mắt là lúc người ta sắp phải đối mặt với một điều gì đó, có thể là nhẹ nhàng hoặc kinh khủng.

Hình như anh quên lời hứa với cu Tùng. Buổi chiều hôm ấy, anh lái xe về cơ quan giải quyết vài chuyện lặt vặt. Lúc anh đi, cu Tùng vẫn nằng nặc đòi anh ở lại cõng nó ra đồng thả diều, lội sông tắm táp. Anh thều thào vào tai con: “Đợi ba về rồi ba dẫn con đi”. Anh hôn lên bầu má thằng bé. Anh đâu biết đó là lần cuối cùng anh được hôn con, chính thằng Tùng cũng không biết từ đó về sau nó không còn được gặp ba một lần nào nữa.

Đám trẻ hớt hơ hớt hải chạy về, gọi to: “Thằng Tùng… thằng Tùng rớt xuống sông chết trôi rồi…”. Mùa hốt hoảng chạy ra sông, người trong nhà cũng túa ra. Mùa lao nhanh xuống dòng nước vừa kêu gào, vừa quờ quạng. Vài ba người cũng nhảy xuống. Mò. Họ mò cả quãng sông dưới rặng tràm bông vàng. Họ mò từ khi thằng bé chạy về báo tin cho đến khi chồng Mùa nghe tin dữ, lái xe từ thị trấn hoa vàng về quê. Anh lao xuống dòng, kêu gào. Mùa ngất lịm. Xác đứa nhỏ biệt tăm…

***

– Tại anh, tại anh hết, vợ à! Anh tham công tiếc việc. Anh thất hứa với con mình để con đi mất mà không cho anh cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Anh thật tệ!

Chưa bao giờ Mùa thấy anh bất lực, hụt hẫng và khổ đau đến vậy.

Chị giúp việc nấu cháo gà cho Mùa ăn. Mấy ngày trời từ ngày anh đưa Mùa về lại thị trấn, Mùa không ăn. Chị giúp việc khuyên mãi Mùa mới húp được muỗng cháo. Mà lạ quá, chị có làm vỡ mật gà hay sao mà cháo hôm nay đắng kinh khủng, Mùa nuốt vào ứa cả nước mắt.

Xác Mùa nơi đây còn hồn Mùa luẩn quẩn đâu đó, trên dòng sông, theo cánh lục bình, theo xác cu Tùng trôi về biển cả.

– Chồng ơi! Mình mất con, mất con thật rồi… sao chồng?

Mùa nghẹn ngào…

Mùa chọn một cuộc ra đi. Lá thư Mùa để lại, anh đọc. Nhưng anh không chạy đi tìm Mùa như những lần Mùa giận dỗi bỏ đi sang nhà cô bạn thân nhất thuở sinh viên, ôm mặt khóc. Anh biết, đã đến lúc anh cần giải thoát cho Mùa. Anh vẫn yêu Mùa, nhưng không phải yêu nhau là sẽ sống trọn vẹn cùng nhau suốt quãng đường đời.

Đêm nay, Mùa vẫn còn ngồi đâu đó, lặng thầm, trong thị trấn hoa vàng, ngắm từng con phố nhỏ. Con phố nào Mùa dắt tay con đi học những ngày đầu. Con phố nào cả nhà cùng dạo chơi, ngắm mây trời, ngắm cuộc đời, cùng chụp ảnh lưu niệm. Con phố của những yêu thương.

Ngày mai, Mùa sẽ đến một vùng đất khác. Hành trang Mùa mang theo là vết cắt, là nỗi đau dằng vặt tâm can và bóng hình đứa trẻ mà Mùa hằng yêu dấu.

***

Bóng chiều đổ dần trên cánh đồng. Mấy tia nắng rớt trên mặt sông, đong đưa trên lá lục bình rồi trôi vào miền xa lắc. Người đàn bà với vết đau trong tim vẫn còn nấn ná lại thêm chút nữa… để được gần con. Để được hát ru con cho con đỡ buồn, đỡ lạnh. Rồi đi.

Hoàng hôn đỏ ửng chân trời.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/doi-mat-theo-song-26994.html