Đối mặt với COVID-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn
PPF3 diễn ra nhằm mục đích thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
Từ ngày 11-13/11, Diễn đàn vì Hòa bình Paris lần thứ 3 (PPF3) với chủ đề “Đối mặt với COVID-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn” đã diễn ra tại Pháp với mục đích thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều 12/11 (giờ Pháp), Phiên cấp cao chính thức theo hình thức trực tuyến đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 50 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các Tổng Giám đốc các tổ chức quốc tế cùng hàng nghìn lãnh đạo ngân hàng, chủ tịch hiệp hội, tổ chức, công ty, chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ.
Với những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như vai trò kép là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Pascal Lamy, Chủ tịch Diễn đàn vì Hòa bình (Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) đã mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Thông điệp qua video tới Diễn đàn.
Trong Thông điệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Diễn đàn lần này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và sự hợp tác tích cực với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong cuộc chiến này, không thể đi xa nếu đi một mình và đại dịch đã tạo ra khủng hoảng toàn cầu về y tế, kinh tế, xã hội và con người, là thách thức chung mà nhân loại cần chung tay giải quyết thông qua đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương cũng như phối hợp hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc cần lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vắcxin và thuốc điều trị COVID-19 với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia cần duy trì cam kết và nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các cam kết về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các nước đang phát triển để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, cũng như trong tiếp cận bình đẳng thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Diễn đàn vì Hòa bình Paris (PPF) được Bộ Ngoại giao Pháp thành lập vào năm 2018 nhằm thảo luận giải quyết các vấn đề toàn cầu và tăng cường hợp tác đa phương. Diễn đàn được tổ chức hàng năm với từng chủ đề cụ thể, thu hút sự tham dự của hàng chục lãnh đạo các quốc gia và chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và hàng nghìn cá nhân trên khắp thế giới.
PPF năm nay có chủ đề “Đối mặt với COVID-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn," với mục đích thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
PPF3 có 3 hoạt động chính, với phiên họp cấp cao chính thức diễn ra ngày 12/11. Tiếp theo là Hội nghị cấp cao các Ngân hàng phát triển diễn ra ngày 12/11 tập hợp hơn 450 ngân hàng phát triển quốc tế để trao đổi ý kiến, giới thiệu chung về mô hình, phương thức tổ chức, quản lý và sự tham gia đóng góp của các ngân hàng phát triển vào chương trình nghị sự quốc gia nhằm triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, phối hợp giữa các ngân hàng trong và sau dịch bệnh, tăng cường phối hợp giữa các ngân hàng phát triển và các đối tác khác.
Cuối cùng là phiên doanh nghiệp diễn ra ngày 13/11 dành cho các chủ thể tư nhân thảo luận, đưa ra các đề xuất ứng phó hiệu quả với tác động của đại dịch COVID-19 cũng như cải cách hệ thống sản xuất và thương mại theo hướng bền vững.
Ngoài ra tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 46 dự án tiêu biểu trong số khoảng 850 dự án do các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ giới thiệu để xem xét tài trợ với 3 tiêu chí lựa chọn chính là: Cải thiện quản trị y tế thế giới; sử dụng và quy định các công cụ và nền tảng số hóa nhằm khắc phục khủng hoảng; đóng góp của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp vào hoạt động kinh tế./.