Đổi mới các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, nghiên cứu xây dựng mô hình đặc thù
Sáng 22-7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố…
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ
Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trình bày Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phân tích hạn chế về nguyên tắc tập trung dân chủ trong các bước bổ nhiệm cán bộ, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị làm rõ cụ thể bước “dân chủ” và bước “tập trung”. Những bước, khâu cần định hướng, cũng cần thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cốt tử cần quan tâm, cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành.
“Vừa rồi, chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Nhưng ngược lại, có nơi thả nổi. Người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả 2 việc này không tốt cho Đảng. Vì vậy, đây là nguyên tắc cốt tử cần quan tâm, cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành”, đồng chí Trương Thị Mai phân tích.
Chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế thời gian qua, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, đó là do một số tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, Đảng mong muốn phát triển được nhiều đảng viên, nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách. Bởi những người không đủ tư cách sẽ làm cho Đảng ngày càng yếu đi. Vì vậy, một mặt coi trọng chất lượng, mặt khác phải thường xuyên sàng lọc, đưa người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng
Về những mục tiêu cụ thể, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu từng cấp ủy phải xây dựng mục tiêu phù hợp nhiệm vụ của mình. Đối với mục tiêu hằng năm có 90% tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tuy đã đạt được, nhưng tới đây phải thực chất.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đối với củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc làm đầu tiên là đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở Đảng; nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở Đảng đặc thù. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt".
Đối với việc đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp nắm tình hình, phân công cấp ủy viên phụ trách và dự sinh hoạt với tổ chức Đảng ở cơ sở. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy viên được phân công phụ trách.
Về giải pháp liên quan đến quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh giải pháp giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự soi", "tự sửa", đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Phát huy vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu tấm gương đảng viên tiêu biểu. Cấp ủy, chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, tạo điều kiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên. Mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để chi ủy, chi bộ kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm.
Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và biểu dương tinh thần học tập nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị bên cạnh Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cũng cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, quán triệt hai bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị, lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi liên quan mật thiết tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đời sống của nhân dân. Thông qua đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, quyết định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.