Đổi mới cách làm ăn để thoát nghèo bền vững
Những năm gần đây, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do hội nông dân phát động đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Anh Hồ Văn Chung, một nông dân trẻ người Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa là một trong những người như thế.
Anh Chung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Từ khi lập gia đình, vợ chồng anh luôn cần cù, chịu khó làm ăn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do phải nuôi 4 con còn nhỏ đang tuổi ăn học nên cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính trong gia đình, anh Chung luôn suy nghĩ, trăn trở cách làm thế nào để đưa gia đình thoát khỏi khó khăn, thậm chí vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình.
Nhận thức được muốn thoát khỏi khó khăn thì không thể trồng trọt đơn thuần theo cách làm truyền thống mà phải thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, anh chủ động đổi mới cách làm ăn, đa dạng các loại hình sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách làm hiệu quả, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà nhiều nơi khác đã thực hiện thành công. Những năm trước, anh Chung nuôi bò theo hình thức chăn thả nên bò chậm lớn, lại dễ phát sinh dịch bệnh.
Hơn 1 năm trở lại đây, qua học hỏi và được hỗ trợ từ các cấp hội nông dân, trên diện tích đất rộng lớn ngay gần nhà, anh nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt. Tận dụng đất trống trồng cỏ cho bò nên việc nuôi bò không mất nhiều công sức mà bò lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, gia đình anh có đàn bò 7 con, mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng.
Anh Chung chia sẻ: “Chúng tôi ở khu vực xa xôi, khó khăn nên trước đây, tôi không chủ động trong chăn nuôi, trồng trọt. Sau quá trình chịu khó tìm hiểu, tiếp cận được nhiều cách làm mới, dần dần tôi cũng đã khai thác được lợi thế về đất đai, khí hậu ở đây để làm kinh tế, từ đó, hiệu quả đem lại cao hơn. Là nông dân, vợ chồng tôi cố gắng học hỏi, siêng năng làm ăn để khai thác hết tiềm năng đất đai, nâng cao đời sống, con cái được học hành đàng hoàng hơn”.
Hiện tại, gia đình anh Hồ Văn Chung có gần 8 ha đất. Ngoài mô hình chăn nuôi bò nhốt, hầu hết diện tích đất của gia đình anh đã được phủ xanh bởi những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gồm hơn 1 ha sắn, gần 2 ha bời lời, còn lại là chuối và một số cây trồng có giá trị khác. Mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Anh Chung cho biết thêm: “Từ khi đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn, quyết tâm thực hành tiết kiệm, lấy công làm lãi nên đã trả hết vốn vay cho ngân hàng. Thời gian tới, chúng tôi mong được tiếp cận với các gói hỗ trợ lãi suất thấp để đầu tư thêm các loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời đầu tư mua 1 máy cày đất để phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong vùng”.
Nói về gương làm kinh tế giỏi của anh Hồ Văn Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồ Văn Khưa cho biết: “Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó cùng tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Chung đã đưa gia đình từ hộ nghèo trở thành hộ khá giả tại địa phương. Hội Nông dân xã sẽ lấy mô hình kinh tế của gia đình anh Chung làm điển hình để giới thiệu cho những hộ nghèo, cận nghèo học và làm theo. Đồng thời, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với các cấp hội tạo điều kiện để anh Chung được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ đó mở rộng mô hình kinh tế của gia đình”.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó cùng với tinh thần dám nghĩ dám làm, nông dân Hồ Văn Chung đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai trên quê hương mình, qua đó xây dựng thành công mô hình kinh tế đa cây đa con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mô hình kinh tế của gia đình anh là tấm gương cho những hộ gia đình khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa học tập, làm theo.