Đổi mới cách viết về đề tài người lính
Bộ đội cụ Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn. Trong giai đoạn 1945-1975, văn học Việt Nam đã khắc họa thành công hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tạo nên những tượng đài văn học 'hoành tráng' sống mãi trong tâm trí bạn đọc nhiều thế hệ.
Bước vào thời kỳ hòa bình, đổi mới, song hành cùng những tác phẩm về người lính trong các cuộc kháng chiến là những trang viết về người lính thời bình, chưa trải qua chiến tranh của những người viết trẻ. Mặc dù đã có một số thành công nhất định, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nhận ra rằng những tác phẩm viết về người lính hôm nay của các tác giả thuộc thế hệ 7X, 8X như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phùng Văn Khai, Phùng Kim Trọng, Thôn Trung Phương, Trần Đức Tĩnh…. chưa thật sự tạo nên những “tiếng vang”, có tầm ảnh hưởng lớn lao đến bạn đọc trong và ngoài quân đội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên; tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do lối viết chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của độc giả. Lối viết về người lính hôm nay vẫn nặng về yếu tố tuyên truyền, tuyên truyền mà chưa chú trọng đến tính giải trí, một thuộc tính đang ngày càng chứng tỏ sự quan trọng trong văn học. Thậm chí, một số người còn tạo ra sự phân lập không đáng có giữa tuyên truyền và giải trí khi cho rằng hai yếu tố này không thể song hành cùng nhau, không thể cùng tồn tại trong một tác phẩm, nhất là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Theo tôi, chúng ta vẫn có thể kết hợp hai yếu tố trên, tạo ra những tác phẩm “vừa hồng vừa chuyên”, lại vừa đủ sức lôi cuốn bạn đọc. Từ trước đến nay, những tác phẩm viết về người lính hải quân trong thời kỳ đổi mới thường chỉ chú trọng đến việc khắc họa những gian khổ, thiếu thốn ở nơi đảo xa, những nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn trong sinh hoạt và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tình cảm quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, mối quan hệ giữa hậu phương với người lính nơi đảo tiền tiêu… mà chưa “đoái hoài” gì đến những văn hóa biển đảo độc đáo mà tổ tiên đã gây dựng nên từ ngàn đời nay.
Tôi cứ ao ước được đọc một tác phẩm viết về bộ đội hải quân hôm nay với nội dung là một chuyến tàu của hải quân Việt Nam trong hành trình thực hiện nhiệm vụ đã vô tình tìm thấy và giải mã, khai quật thành công những bí ẩn, những trầm tích văn hóa trong những con tàu cổ bị đắm hàng trăm năm, trên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, qua đó vừa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc, vừa gây hứng thú cho người đọc. Hay như gần đây quân đội ta lực lượng tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi. Một câu chuyện về những chuyến hành quân, thám hiểm, cứu trợ nhân đạo xuyên lục địa đen huyền bí của các chiến sĩ Việt Nam trong trang phục mũ nồi xanh tạo nên một hình ảnh mới về bộ đội Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó lôi kéo bạn đọc đến với tác phẩm. Có thể ý tưởng sẽ giống cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Lạc rừng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh nhưng với tài năng, cách nhìn, lối viết của các nhà văn trẻ sẽ cho ra đời tác phẩm độc đáo khác hẳn.
Thay đổi tư duy, thay đổi lối viết là công việc của cá nhân từng tác giả. Bên cạnh nỗ lực tự thân của tác giả, chúng ta cũng cần có các biện pháp hỗ trợ khác mang tính căn cơ, lâu dài tạo nên những tiền đề cơ bản, cần thiết cho sự xuất hiện của các tác phẩm hay về người lính hôm nay, như phát động cuộc thi tiểu thuyết viết về người lính hôm nay theo chu kỳ 3 hoặc 5 năm, chuyển thể một số tác phẩm viết về người lính hôm nay có chất lượng khá sang điện ảnh, truyền hình để sau khi xem phim khán giả lại có hứng thú tìm đọc tác phẩm…
Thời đại thay đổi, cuộc sống thay đổi thì cách viết, cách làm cũng phải thay đổi để có được những tác phẩm hay về đề tài người lính hôm nay.