Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay

Bài 1
ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

NGUYỄN HỒNG TRÀ

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Thời điểm tái lập (1-1-1997), Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đời sống nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời, các ngành như giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội được quan tâm kịp thời, bảo đảm hoạt động thường xuyên và bước đầu đạt những kết quả rõ rệt.

Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Thời gian đầu tái lập, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tỷ lệ đầu tư ngân sách lên tới gần 25%, qua đó đầu tư xây dựng gần 200 phòng học, bổ sung thêm 700 giáo viên các cấp bị thiếu. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển GD&ĐT trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, ngày 26-4-1997, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trong đó, nêu rõ những thành tựu và tồn tại của GD&ĐT Bình Phước trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương trên quan điểm thực sự coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân với mục tiêu phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 3 năm phấn đấu tích cực, đến năm 2000 tỉnh có 6/6 huyện, thị xã và 80/80 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phấn đấu đến năm 2006 công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc THCS. Như vậy, từ một tỉnh có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên khi mới tái lập, từ năm 1997-2000, bằng nhiều sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và chính quyền các cấp, mạng lưới trường học của tỉnh được quy hoạch và xây dựng khá tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển GD&ĐT trên địa bàn.

Nhìn tổng quát, trong thời kỳ đổi mới, ngành GD&ĐT tỉnh đã cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả. Đến nay, hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, thực hiện theo hướng nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và k¬ năng nghề nghiệp của người lao động. Đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, người nghèo, lao động nông thôn, đối tượng chính sách và người khó khăn. Chất lượng GD&ĐT được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước thì chất lượng giáo dục của tỉnh còn thấp, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, đó là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Một số địa phương, trường học còn nặng bệnh thành tích; đánh giá kết quả ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thực chất. Công tác quản lý GD&ĐT một số nơi còn nhiều yếu kém, còn hiện tượng tiêu cực kéo dài, chậm được khắc phục. Ở một số địa phương, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; thiếu động lực tự học và đổi mới; chưa bắt kịp yêu cầu của đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu, chưa đạt chuẩn quy định, thiếu quỹ đất dành cho phát triển giáo dục. Nhiều cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong việc xử lý các vấn đề của giáo dục trong thực tiễn, chưa thể chế hóa kịp thời, phù hợp các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy về GD&ĐT dẫn đến chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục, cùng với đó là tư tưởng và thói quen bao cấp trong giáo dục còn nặng nề.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục như một bộ phận giáo viên thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Trong chuyên môn, không ít giáo viên có biểu hiện sa sút về ý chí, sức chiến đấu, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; còn nhiều tiêu cực, bệnh thành tích, làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến niềm tin của học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Một bộ phận không nhỏ thiếu động lực tự học và đổi mới, chưa bắt kịp yêu cầu về đổi mới quản lý, trách nhiệm còn chồng chéo. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương vẫn còn tồn tại chưa được giải quyết triệt để, chủ yếu là thừa giáo viên bậc THCS, trong khi đó, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật… ở bậc tiểu học đang là bài toán nan giải cho ngành GD&ĐT của tỉnh hiện nay.

Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất xây dựng trường học. Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…

Những nhiệm vụ cấp bách

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy yêu cầu ngành GD&ĐT trong thời gian tới phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, tạo bước chuyển biến đột phá với các giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên với những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Cụ thể: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp để bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò và yêu cầu về năng lực của đội ngũ nhà giáo càng được nâng cao thì công tác đào tạo, bồi dưỡng càng nâng tầm quan trọng; khuyến khích thí sinh các trường THPT dự thi vào ngành sư phạm, khoa sư phạm và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường liên kết, phối hợp đào tạo giữa Trường Cao đẳng Bình Phước với các trường sư phạm, khoa sư phạm và cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ theo hình thức tập trung, tại chức…; tăng cường kiến thức thực tiễn và kỹ năng dạy học; có chính sách hỗ trợ nhà giáo được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, trình độ chính trị.

Đặc biệt, khuyến khích phát triển năng lực giáo viên trong việc tự bồi dưỡng, tự học hỏi là điều kiện tốt nhất để nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tương xứng với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Khuyến khích, động viên giáo viên trong quá trình giảng dạy phải thường xuyên tự cập nhật kinh nghiệm, bài giảng hay, vì chính họ mới biết rõ nhất mình có ưu điểm gì, còn hạn chế gì; biết chất lượng giảng dạy của mình đến đâu từ đó sẽ có cách tự bồi dưỡng để hoàn thiện mình nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành. Bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề; rà soát biên chế, tuyển dụng giáo viên, bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý, quản trị giáo dục trực tuyến trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tăng cường công tác hướng nghiệp, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh phổ thông; rà soát, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào các môn học chính khóa; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, bảo đảm cơ cấu, số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; đẩy mạnh dạy học trực tuyến. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng, để bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông đại trà, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139936/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-trong-giai-doan-hien-nay