Đổi mới chính trị từ tầm nhìn và định vị chiến lược đất nước
Đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị.
LTS: Trong các mối quan hệ lớn hiện nay, Đại hội Đảng 12 đã chỉ rõ: Đó là “quan hệ… giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu mạch bài “Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam” của trong cuốn sách “Tầm nhìn, định vị chiến lược và phát triển Việt Nam” của TS Nhị Lê, do NXB Lý luận Chính trị ấn hành năm 2020, trước thềm Đại hội Đảng 13.
Mục tiêu đổi mới chính trị
Một cách tự nhiên, nếu xem cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức, đảng phái…) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế…) là xoay chung quanh vấn đề lợi ích, thì đâu là cái bất biến, cái khả biến của công việc đổi mới chính trị cần phải làm?
Đổi mới chính trị thực chất là trở lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của chính trị một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng.
Vì vậy, đổi mới chính trị không thể không bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị.
Trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi đồng bào, tự nhiên như trời đất, như máu thịt.
Đổi mới chính trị hiện nay rõ ràng tuyệt đối “không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước ta…”, như sự khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đó xua tan những ý kiến còn bối rối hay ngại ngần khi nói đến đổi mới chính trị, càng xa lạ, đối lập như nước với lửa với những ai đó đang cổ xúy quá khích cho cái gọi là “đổi mới chính trị là thay đổi chế độ chính trị”.
Nói cách khác, đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị, như đã nói, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại.
Chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Làm trái đi là vong thân, là hại quốc, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của đồng bào!
Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới chính trị.
Theo đó, một cách tự nhiên, tiến hành đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, không gì khác ngoài mục tiêu vì sự phát triển của đất nước. Đó là mục tiêu, là thước đo hiệu quả của đổi mới chính trị.
Nếu trong các mối quan hệ lớn đặt ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vấn đề “đổi mới, ổn định và phát triển” lúc này hơn lúc nào hết, cần được hành động dứt khoát: Đổi mới để phát triển và phát triển là thước đo của đổi mới và ổn định.
Đổi mới tầm nhìn chính trị
Hiện nay, có người hỏi: Vậy thì, gần 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chưa hay không đổi mới chính trị? Như thế có khiếm khuyết, có khập khiễng không? Và, bây giờ, liệu có chậm chạp không? Đổi mới chính trị có phải là thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam không?
Không! Vì, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta thừa hiểu rằng: “... trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Cần khắc sâu một vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản trong việc tiếp tục đổi mới chính trị hiện nay, rằng không thể nôn nóng, vội vàng, càng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Cả ba thái cực đều đem lại hậu quả tệ hại, thậm chí khôn lường như nhau. Chúng ta phải tự tìm lấy lối đi, với những điều kiện cụ thể, theo lộ trình phù hợp, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể hiện hữu, ngõ hầu chúng ta tiếp tục đổi mới chính trị thành công.
Hơn 70 năm thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế, nhưng nhìn tổng thể, bốn mệnh đề lớn nhất trong đổi mới chính trị hiện nay không thể không tiếp tục trả lời.
Một là, tự do. Đất nước độc lập, nhưng nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai gấp bội, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!
Hai là, dân chủ. Hơn 70 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai “dēmos kratos” (chính quyền của nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị chúng ta.
Ba là, pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào. Đó là thách thức đối với chúng ta.
Bốn là, đạo đức. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”… Nhưng kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần phải xây dựng và thực thi.
Năm là, phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới, xây dựng. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới.
Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có tầm nhìn chính trị xa rộng và đúng đắn.