Đổi mới chương trình đào tạo nhân lực quản lý y tế đạt chuẩn khu vực
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, ngành y tế đang phải đối mặt với những thách thức trong đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chất lượng bệnh viện.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 39 bệnh viện tuyến Trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 72 bệnh viện ngành, hơn 11.000 trạm y tế. Bên cạnh đó, có 222 bệnh viện tư nhân và khoảng 31.500 phòng khám tư nhân.
Trong bối cảnh nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng tăng đòi hỏi các bệnh viện cần nỗ lực cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.
Đào tạo nhân lực y tế là mục tiêu chiến lược
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, ngành y tế đang phải đối mặt với những thách thức trong đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chất lượng bệnh viện. Nếu lãnh đạo các cơ sở y tế chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân, đặc biệt khi chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trong những mục tiêu để thực hiện các chiến lược, chính sách quốc gia của Đảng và Nhà nước về phát triển hệ thống y tế đạt mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) và xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, việc phân cấp và tự chủ trong quản lý điều hành các cơ sở y tế ngày càng được mở rộng nhưng một bộ phận cán bộ đứng đầu đơn vị chưa được đào tạo về lãnh đạo quản lý. Trong khi đó, thực tế đòi hỏi cần có các nhà quản lý giỏi, có trình độ kỹ năng quản lý chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Một số năng lực cơ bản mà cán bộ lãnh đạo quản lý phải có bao gồm: lập kế hoạch, giám sát theo dõi thực hiện kế hoạch, đánh giá, làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử, quản lý nguồn lực (tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị), truyền thông vận động xây dựng chính sách và quản lý cung cấp dịch vụ y tế.
Vì vậy, thời gian qua, trong công tác quản lý y tế, quản lý bệnh viện không chỉ đơn thuần là chuyên môn, mà đòi hỏi người quản lý của một cơ sở y tế toàn diện, trong đó có quản lý các nguồn lực, bao gồm quản lý tài chính, quản lý nhân lực, cơ sở hạ tầng, quản lý hệ thống điều phối chính sách. Sự thiếu hụt chưa được đồng bộ đầy đủ về kỹ năng quản lý, về khoa học quản lý lãnh đạo cũng ảnh hưởng chung của ngành y tế không những về mặt quản lý mà cả hiệu quả ứng dụng và chuyên môn…
Chuẩn năng lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập
Tiến sỹ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho hay, trước thực tế trên, trong giai đoạn 2015-2018, Dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) đã phối hợp và hỗ trợ Vụ Tổ chức Cán bộ, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và Viện Y tế công cộng Hồ Chí Minh triển khai thực hiện một số hoạt động đào tạo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý đào tạo nhân lực y tế. Đó là việc đổi mới các chương trình đào tạo dựa trên chuẩn năng lực và dần tiếp cận tới việc kiểm định đạt chuẩn khu vực.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá nhu cầu cán bộ quản lý, Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) và Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Y tế Công cộng Rennes - Pháp xây dựng và trình Bộ Y tế phê duyệt “Chuẩn năng lực lãnh đạo quản lý cơ bản” cho các đối tượng cán bộ quản lý bao gồm: lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo sở y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật, thanh tra y tế.
Chuẩn năng lực lãnh đạo quản lý cơ bản được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho các học viên những kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế.
Chương trình đào tạo này đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.
Trên cơ sở các chương trình đào tạo dựa trên chuẩn năng lực đã được Bộ Y tế phê duyệt, Ban Quản lý dự án HPET đã phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế), Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và Viện Y tế công cộng Hồ Chí Minh tổ chức các khóa đào tạo tại hai miền Bắc - Nam.
Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; giám đốc bệnh viện; viện trưởng, phó viện trưởng các đơn vị y tế dự phòng; giám đốc, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế - HPET.”
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho học viên những kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế.
Để xây dựng Chương trình đào tạo này, Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và đặc biệt là các chuyên gia của Trường Đại học Y tế công cộng Rennes (Pháp) để xây dựng 3 chương trình đào tạo bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y tế. Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.
Với phương pháp đào tạo dựa trên năng lực, chương trình đào tạo được cấu trúc thành 4 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 học tập trung trên lớp kéo dài 3 tuần cung cấp kiến thức và kỹ năng tổng hợp, đồng thời thông qua thảo luận tình huống để cập nhật và nâng cao các năng lực cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý; Giai đoạn 2 đi tìm hiểu thực tế 1 tuần tại địa phương nhằm đối chiếu và so sánh kiến thức đã học với thực tiễn tại các cơ sở y tế; Giai đoạn 3 ứng dụng thực hành trong công tác lãnh đạo, quản lý tại cơ quan công tác của học viên trong 7 tuần; Giai đoạn 4 cập nhật và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong 1 tuần.
Giảng viên của khóa học là cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các vụ, cục liên quan, các chuyên gia của các Bộ ngành để cập nhật, hướng dẫn học viên thực hiện các văn bản quản lý về y tế; đại diện một số tổ chức quốc tế được mời để chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên của Trường Đại học Y tế Công cộng và Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cùng phối hợp giảng dạy, hệ thống hóa lý thuyết và các nguyên lý lãnh đạo, quản lý.
Đánh giá qua các khóa học cho thấy, việc triển khai các khóa đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y tế đã giúp Bộ Y tế có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển chung của khu vực và thế giới./.